> Tuần tới, nhà máy của Cty Bình An hoạt động
Ông Võ Thanh Hùng (đứng, cầm micro) trả lời báo chí. Ảnh: Sáu Nghệ. |
Ông Võ Thanh Hùng, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp và chế xuất, Tổ trưởng Tổ công tác của UBND TP Cần Thơ theo dõi nợ của Cty Bình An, cho biết tổng hợp nợ của Cty Bình An đến nay là 1.541 tỷ đồng.
Trong đó, nợ của 44 hộ nuôi cá hơn 240 tỷ đồng và riêng 4 “đại gia nuôi cá” có số nợ 120 tỷ đồng. Bên cạnh, nợ của 10 doanh nghiệp là khách hàng của Cty Bình An từ bao bì đến vận tải, khoảng 26 tỷ đồng.
Nguyên nhân nợ, theo ông Hùng, khi được ưu đãi đầu tư và hỗ trợ lãi suất vay những năm 2007, 2008, Cty Bình An đã đầu tư quá lớn nên khi thắt chặt tiền tệ, lãi suất vay một năm lên đến 20 – 28% thì gặp khó khăn, dẫn đến chiếm dụng vốn của người nuôi cá.
Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong, Cty Bình An có thể vượt qua khó khăn để trở lại hoạt động được không và tình hình khó khăn nói chung của ngành thủy sản ở Cần Thơ? Ông Hùng trả lời: “Hiện chưa rõ bệnh của Cty Bình An nên chưa thể nói đến khả năng chữa bệnh. Đó là, phải xác định chính xác tài sản và nợ của Cty Bình An, việc này đang chờ kết quả kiểm toán tài chính”.
Về tình hình khó khăn của ngành thủy sản, theo ông Hùng, Cần Thơ có 20 nhà máy chế biến, trong đó 15 nhà máy làm ăn hiệu quả, còn 5 nhà máy đang rất khó khăn.
“Chúng tôi lo nhất là đảm bảo an ninh trật tự xã hội, việc làm cho người lao động. Còn giải quyết nợ của doanh nghiệp phải theo luật, đúng trình tự, mong báo chí không nóng vội quá đưa tin thiếu chính xác, làm phức tạp thêm”, ông Hùng nói.
Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Thanh Sơn cho biết thêm, đôi lúc, lãnh đạo Cty Bình An chưa phối hợp đầy đủ với chính quyền địa phương nên việc giải quyết nợ có vướng mắc, chậm. Phó bí thư thường trực Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Hữu Lợi nói, Thành ủy và UBND TP Cần Thơ đã họp nhiều lần, rút kinh nghiệm trong quản lý và giải quyết để tránh lây lan tình hình nợ xấu.
Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ Võ Thanh Thống nói riêng với PV Tiền Phong, UBND TP Cần Thơ đang kiến nghị Chính phủ có chính sách ưu đãi tiếp cận vốn đối với ngành thủy sản; khoanh nợ, giãn nợ, cung cấp tín dụng với người nuôi và doanh nghiệp chế biến thủy sản để vượt qua khó khăn.