Trong đó, nhóm nhà ở, vật liệu xây dựng (thành phần cụ thể gồm tiền thuê nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng) có mức tăng cao nhất, 2,31 %, đứng thứ 2 là nhóm giáo dục tăng 1,11%, thứ ba là nhóm giao thông tăng 1,08% so với tháng trước.
Nguyên nhân trực tiếp là do việc tăng giá xăng và giá gas trong tháng.
Các nhóm hàng khác như thuốc và dịch vụ y tế, thiết bị và đồ dùng gia đình… tăng nhẹ. Có 2/11 nhóm hàng hóa giảm giá đó là nhóm bưu chính viễn thông – giảm 0,02% và nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống - giảm 0,83%.
Theo ông Đỗ Thức, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, việc CPI nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm đến 0,83% có tác động mạnh đến việc kiềm chế CPI do đây là nhóm có quyền số lớn trong rổ hàng hóa.
Cụ thể, mặt hàng lương thực giảm 1,21%, thực phẩm giảm 1,25%, do nguồn cung tương đối dồi dào và mặt bằng giá có xu hướng điều chỉnh giảm sau khoảng thời gian bị đẩy lên cho nhu cầu tiêu dùng Tết.
Tuy nhiên, cũng cần phải thấy rằng do thời điểm thu nhập số liệu thống kê, tác động của việc tăng giá xăng chưa phản ánh hết vào mức tăng CPI tháng 3.
Ngoài ra, theo phân tích của một số chuyên gia, yếu tố cầu kéo cũng có tác động dù không mạnh. Theo đó, dù kinh tế vĩ mô trong nước đã có những tín hiệu khởi sắc khá rõ nét, nhưng nhu cầu tiêu dùng của người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn chưa thực sự phục hồi.
Nhận định về xu hướng của CPI, đại diện Tổng cục Thống kê cho rằng vẫn cần hết sức thận trọng, đặc biệt là với những căng thẳng tại một số khu vực trên thế giới.
Tuy nhiên, nhìn vào các yếu tố khác, nhiều khả năng mức tăng trong tháng 4 cũng sẽ không cao. Chính sách tiền tệ chặt chẽ áp dụng trong suốt hơn 1 năm qua đã và đang phát huy tác dụng và trong một vài tháng tới yếu tố tiền tệ sẽ không ảnh hưởng đáng kể lên lạm phát.
Với mức tăng CPI trong 3 tháng đầu năm 2012, có nhiều cơ sở để tin rằng mục tiêu kiềm chế lạm phát cả năm ở mức một con số có khả năng trong “tầm tay” thực hiện.