Sáp nhập Vinaphone-MobiFone: Lợi & hại

Sáp nhập Vinaphone - MobiFone sẽ phá vỡ thế chân vạc trên thị trường viễn thông Ảnh: Hồng Vĩnh
Sáp nhập Vinaphone - MobiFone sẽ phá vỡ thế chân vạc trên thị trường viễn thông Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Tuy Tập đoàn Bưu chính Viễn thông (VNPT) chưa trình phương án sáp nhập MobiFone và Vinaphone lên Chính phủ, nhưng đây vẫn là phương án được tập đoàn này tính đến. Vì sao VNPT vẫn muốn sáp nhập hai mạng di động này, phương án sáp nhập lợi hại ra sao?

> Vinaphone và MobiFone sáp nhập

Toán khó cho VNPT

Trao đổi với báo chí chiều 20-3, một lãnh đạo của VNPT cho biết, tập đoàn chưa trình đề án hay đề xuất sáp nhập hai mạng di động MobiFone và Vinaphone mà mới chỉ đang trong giai đoạn hoàn thiện đề án, xin ý kiến các bộ ngành để trình Chính phủ.

Thực tế, VNPT không muốn “nhả” MobiFone vì nhiều năm nay hãng di động này luôn là “gà đẻ trứng vàng” của tập đoàn.

Nếu năm 2011, tổng doanh thu của VNPT đạt 120.800 tỷ đồng, tăng trưởng trên 20%; lợi nhuận xấp xỉ 10.000 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước gần 6.500 tỷ đồng và là một trong doanh nghiệp dẫn đầu danh sách nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất, thì có tới gần 52% doanh thu đến từ MobiFone.

Trong các khoản doanh thu của VNPT, MobiFone chiếm hơn 50% lợi nhuận, còn Vinaphone thì chiếm gần 30% doanh thu và khoảng 30% lợi nhuận.

Bài toán khó cho VNPT nữa là dù MobiFone chiếm trên 50% lợi nhuận nhưng chỉ chiếm khoảng 4% lao động của VNPT. Nếu cổ phần hóa MobiFone không khác gì VNPT tự đập nồi cơm của hàng vạn cán bộ đang làm việc ở hàng chục đơn vị trực thuộc.

Điều này đồng nghĩa, nếu cổ phần hóa MobiFone, VNPT bị giảm ngay 50% lợi nhuận và lập tức sẽ mất luôn danh hiệu tập đoàn chủ đạo trong lĩnh vực viễn thông, không còn là doanh nghiệp có mức đóng thuế lớn nhất của Việt Nam. Điều này cũng đồng nghĩa nhiều ưu đãi sẽ mất theo.

Theo phân tích của các chuyên gia, câu hỏi lớn nhất hiện nay với VNPT là sáp nhập Vinaphone-MobiFone sẽ dẫn đến thị trường viễn thông trở lại thời độc quyền? Hiện thị trường di động nằm trong thế chân vạc với 3 ông lớn là Vinaphone, MobiFone và Viettel chiếm đến 95% thị phần.

Nếu Vinaphone và MobiFone sáp nhập đồng nghĩa VNPT sẽ là chủ sở hữu mạng di động mới chiếm tới gần 60% thị phần, có hại cho cạnh tranh, kéo theo có hại cho lợi ích của người tiêu dùng.

Câu chuyện sáp nhập đặt ra câu hỏi lớn liên quan việc cạnh tranh. Hiện các mạng di động còn lại chỉ chiếm 5% thị phần và đang hoạt động hết sức khó khăn như S-Fone, Beeline và Vietnamobile đang có quá ít thuê bao.

Các mạng nhỏ gần như miễn phí cước nội mạng nhưng không thể phát triển được thuê bao. Như vậy không thể không lo ngại việc các “ông lớn” sẽ ép chết các mạng nhỏ rồi bắt tay độc quyền, khống chế thị trường viễn thông. Khi đó, người tiêu dùng sẽ chịu thiệt thòi nhất.

Sáp nhập: Lợi bất cập hại

Nếu việc sáp nhập MobiFone và Vinaphone xảy ra, cả người tiêu dùng và Nhà nước đều bị thiệt
Nếu việc sáp nhập MobiFone và Vinaphone xảy ra, cả người tiêu dùng và Nhà nước đều bị thiệt.
 

Tại buổi tọa đàm “Triển vọng viễn thông Việt Nam 2012” do Câu lạc bộ Nhà báo CNTT-TT Việt Nam (ICT Press Club) tổ chức mới đây, theo TS Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, VNPT đang đứng trước bài toán khó của việc hợp nhất hoặc cổ phần hóa Vinaphone và MobiFone để tuân thủ Nghị định 25 của Chính phủ.

Còn theo ông Lê Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, việc sáp nhập sẽ mang lại rủi ro cho người tiêu dùng. Vì nếu trong 3 “ông lớn” biến mất 1 “ông”, chỉ còn lại 2 thì về lý thuyết, tính cạnh tranh của thị trường sẽ giảm đi.

Sẽ có rủi ro là 2 “ông” bắt tay nhau quyết định thị trường. “Nếu sáp nhập hai mạng thì cung cách làm ăn khác nhau, không thể không có xung đột nên sẽ khiến cả hai cùng yếu đi.

Mô hình tối ưu mà VNPT nên lựa chọn là sau khi cổ phần hóa MobiFone, VNPT sẽ có tiền để đầu tư, tái cơ cấu lại Vinaphone theo hướng kinh doanh đầy đủ các dịch vụ viễn thông và có sự bổ trợ lẫn nhau gồm cố định, di động và Internet.

Chưa kể MobiFone đang phát triển mạnh như vậy còn Vinaphone thì kém hơn, nếu sáp nhập lại thì có sợ Vinaphone “kéo” MobiFone xuống không”- một chuyên gia đặt vấn đề.

Ngay tại nhiều cuộc họp nội bộ về chuyên ngành viễn thông của Bộ Thông tin và Truyền thông, nhiều ý kiến cũng không ủng hộ chủ trương sáp nhập hai mạng di động của VNPT.

Theo ông Phạm Hồng Hải, Cục trưởng Cục Viễn thông, trong trường hợp VNPT cho sáp nhập thì trên thị trường chỉ còn hai mạng di động lớn của Viettel và VNPT.

Như vậy sẽ không thể giữ được thị trường theo thế chân vạc với các mạng ngang tài ngang sức, thị phần tương đương nhau, và sẽ không duy trì được một thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2012 của VNPT mới đây, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho rằng, tập đoàn chưa phát huy hết lợi thế khi mà đang sở hữu cùng một lúc hai công ty hoạt động trong lĩnh vực thông tin di động.

Nhưng về hiệu quả kinh doanh, lợi nhuận trước thuế/doanh thu của tập đoàn chỉ đạt 8%, chỉ bằng một nửa so với doanh nghiệp khác cùng ngành. Lợi nhuận sau thuế/vốn chỉ ở mức 10%, thấp hơn so với lãi suất ngân hàng.

Năng suất lao động cũng còn thấp, chỉ đạt 1,3 tỷ/người/năm, chỉ bằng 1/3 doanh nghiệp khác cùng ngành.

Trao đổi với PV Tiền Phong, TS Vũ Đình Ánh cho rằng nếu hai mạng sáp nhập lại, cộng với thị phần của Viettel thì chiếm tới 95%. Như vậy, các mạng nhỏ khác sẽ phải “chết”.

Cái chính của thị trường cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông Việt Nam hiện nay là phải “to ngang nhau” mới có thể cạnh tranh được.

Thị trường viễn thông không thể cạnh tranh giống thị trường bán lẻ, ai cũng có thể nhảy vào được do việc tiếp cận thị trường không đơn giản, đòi hỏi có tiền và năng lực kỹ thuật, chưa kể đến vấn đề an ninh quốc phòng.

“Trước đây chưa có Viettel thì cạnh tranh giữa Vinaphone và MobiFone cũng chỉ là cạnh tranh giả vờ do cùng một mẹ là VNPT. Ngay cả hiện nay dù là ba mạng nhưng vẫn là cuộc đấu tay đôi với Viettel do hạch toán của MobiFone vẫn nằm trong doanh thu tập đoàn. Vì thế cách tốt nhất là cổ phần hoá”- Ông Ánh nói.

Cũng theo ông Ánh, nếu Thủ tướng bác việc sáp nhập thì VNPT sẽ phải thoái vốn khỏi MobiFone và đây sẽ là cú đòn đau với tập đoàn này do MobiFone hiện đóng góp tới một nửa doanh thu của VNPT.

Việc chần chừ cổ phần hóa MobiFone thời gian qua cũng xuất phát từ nguyên nhân trên.

Một nguồn tin từ Bộ Thông tin-Truyền thông cho biết, sau khi VNPT chính thức trình đề án lên Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ cũng sẽ có đề án độc lập gửi Thủ tướng Chính phủ để xin ý kiến. Đề án do Bộ trình sẽ không phụ thuộc ý kiến chủ quan của VNPT.

Xu hướng chung của thị trường viễn thông các nước trên thế giới thường có từ 3 - 4 hãng di động lớn nắm thị phần chi phối. Điển hình như Trung Quốc hiện có 3 mạng gồm China Mobile, China Unicom, China Telecom.

Mỹ có 4 doanh nghiệp lớn là AT&T, T-Moblie, Verizon, Sprint… Theo Sách Trắng CNTT-TT năm 2011, Viettel chiếm 36,72% thị phần, MobiFone chiếm 29,11% và Vinaphone chiếm 28,71% thị phần.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
Ưu tiên đầu tư bảo tồn biển để giữ gìn cho mai sau
TPO - Hệ thống các khu bảo tồn biển đóng vai trò rất quan trọng trong việc duy trì đa dạng sinh học, cung cấp nguồn lợi hải sản, cung cấp các dịch vụ quan trọng để phát triển kinh tế biển và là “cơ sở hạ tầng” tự nhiên chống đỡ thiên tai và biến đổi khí hậu. Đây cũng là yếu tố quan trọng gắn với công tác đảm bảo quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.