> Tổng Cty Nhà nước cắt giảm chi phí 5-10%
Trong năm 2012, riêng EVN đặt mục tiêu tiết kiệm chi phí sản xuất khoảng 1.800 tỷ đồng. |
Tiết kiệm từng tờ giấy
Theo ông Phạm Lê Thanh, Tổng giám đốc EVN, tập đoàn sẽ kiểm soát chặt chẽ các khoản chi phí và chi tiêu, thực hiện tiết giảm 5% chi phí vật liệu, dịch vụ mua ngoài, các chi phí bằng tiền khác như chi phí điện nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu, chi phí hội nghị, hội thảo, đi công tác... tại công ty mẹ và các đơn vị thành viên, với tổng số tiền khoảng 162 tỷ đồng.
Ngoài ra, EVN cũng phấn đấu giảm thêm 0,2% tỷ lệ điện từ dùng trong sản xuất, truyền tải và phân phối điện, tương đương giảm điện sản xuất và mua 255 triệu kWh, tương ứng mức giảm chi phí 330 tỷ đồng.
Bên cạnh tiết giảm chi phí, EVN cũng phấn đấu đạt mục tiêu tiết kiệm trong năm 2012 khoảng 1% sản lượng điện tiêu dùng trong xã hội (1 tỷ kWh), giảm chi phí sản xuất điện khoảng 1.300 tỷ đồng. Tổng cộng, có thể tiết kiệm khoảng 1.800 tỷ đồng chi phí sản xuất năm 2012.
Trước đó, Tổng Cty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) cũng tổ chức ký giao ước thi đua, cam kết cắt giảm 105 tỷ đồng năm 2012. Có mặt tại buổi lễ, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ nói đại ý: Con số này rất có ý nghĩa nếu so với tổng lợi nhuận năm 2010 chỉ 200 tỷ, hoặc 6 tháng đầu năm 2011 lỗ hơn 650 tỷ, 6 tháng cuối năm có nhiều giải pháp và sự hỗ trợ của Chính phủ mới có lãi mức 62 tỷ đồng.
Tổng giám đốc Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) Trần Văn Thịnh cho biết, đã yêu cầu tất cả các đơn vị thành viên và người đại diện phần vốn góp của Petrolimex tại các công ty cổ phần thực hiện tiết kiệm chi phí kinh doanh với từng yêu cầu cụ thể.
Các khâu phải tập trung phấn đấu tiết kiệm chi phí, gồm: cước vận tải xăng dầu viễn dương, cước vận tải xăng dầu ven biển - tiết giảm 5% so với đơn giá năm 2011. Lượng hao hụt trong quá trình lưu thông - phải giảm tối thiểu 5% so với định mức hao hụt hiện hành; chi phí điện nước - tiết giảm 5% khối lượng điện nước tiêu thụ trên lít/kg xăng dầu bán ra.
Theo ông Trần Quang Nghị, Tổng giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam, việc tiết kiệm chi phí được tập đoàn thực hiện từ năm 2011. Với việc triển khai quyết liệt các giải pháp về đổi mới công tác quản lý sản xuất, siết chặt giá thành, giảm định mức tiêu hao nguyên liệu, vật tư trên từng sản phẩm…, tập đoàn tiết kiệm chi phí được 741,9 tỷ đồng. Năm 2012, tập đoàn tiếp tục siết chặt việc thực hiện tiết giảm chi phí sản xuất, khoảng 489,6 tỷ đồng, chiếm 1,3% tổng chi phí sản xuất của tập đoàn.
Về biện pháp cắt giảm, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền chia sẻ kinh nghiệm: May 10 quy định giấy chỉ bỏ đi khi đã dùng cả hai mặt, ra khỏi bàn máy, phòng làm việc hay bất kỳ chỗ nào có điện là phải tắt.
Việc giảm tồn kho, giảm chi phí hành chính và các chi phí gián tiếp như lễ tân, tiếp khách, hội nghị... là những biện pháp giúp doanh nghiệp tiết kiệm được nhiều tỷ đồng và có thể cắt giảm được ngay mà không ảnh hưởng đến giá trị hàng hóa tạo ra.
Hai năm lỗi: xem xét trách nhiệm người đứng đầu
Theo đánh giá của các cơ quan quản lý và các chuyên gia, nhiều DNNN có hiệu quả kinh doanh thấp và một những nguyên nhân chính là do các đơn vị đã duy trì một mô hình còn nhiều khâu lãng phí. Đặc biệt, mặc dù phần lớn các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đã chuyển đổi sang mộ hình công ty mẹ-con, nhưng vẫn duy trì cơ chế quản lý cũ, nhiều hoạt động của doanh nghiệp bị hành chính hoá, nên bộ máy cồng kềnh, kém hiệu quả.
Trao đổi với Tiền Phong, PGS. TS Hoàng Trần Hậu, Phó giám đốc Học viện Tài chính, thành viên Ban chỉ đạo Tái cơ cấu DNNN Bộ Tài chính cho biết: “Tất cả các DNNN cần xác định thực hiện tiết kiệm chi phí sản xuất là nhiệm vụ thường xuyên, để nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng lợi nhuận. Cái này không có gì mới.
Cái mới trong năm 2012 là cơ quan quản lý sẽ yêu cầu DNNN phải tiết kiệm cụ thể từ 5-10%, chứ không chung chung. Và tất cả DNNN phải thực hiện, chứ không riêng gì các tập đoàn, tổng công ty. Đây cũng là một trong những công việc phải thực hiện trong rất nhiều giải pháp tái cơ cấu DNNN. Vì một trong những mục tiêu của tái cơ cấu là lành mạnh hóa tài chính, nâng cao hiệu quả kinh doanh của DNNN. Tiết giảm chi phí là một giải pháp cụ thể”.
Cũng theo ông Hậu, tiết giảm chi phí quản lý không khó, nếu thực hiện nghiêm túc sẽ thành công. Điều đáng ngại nhất là thay vì cố gắng tiết giảm những chi phí bằng tiền, các doanh nghiệp sẽ có những điều chỉnh về khấu hao tài sản, thanh lý tài sản cố định dùng trong quản lý thì coi như không giải quyết được vấn đề gì. Năm nay sẽ không có chuyện làm kiểu “đầu voi đuôi chuột”, mà cơ quan quản lý sẽ giám sát.
Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, cho biết, tới đây sẽ ban hành quy chế giám sát tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước. Theo đó, việc lỗ, lãi, trách nhiệm của Tập đoàn và tổng công ty nhà nước sẽ được công khai, kể cả việc xếp loại doanh nghiệp.
“Làm giám đốc DNNN mà doanh nghiệp đó 2 năm liên tiếp thua lỗ sẽ xem xét trách nhiệm của người đứng đầu. Chúng ta phải làm gương cho các thành phần kinh tế khác, trong bối cảnh kinh tế đất nước đang khó khăn như hiện nay”, ông Huệ nói.
Các mặt hàng chiến lược phải điều hành theo cơ chế thị trường Hôm qua, phát biểu tại lễ ký cam kết tiết kiệm chi phí sản xuất của EVN, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ đã chỉ đạo, theo lộ trình đến 2013 các mặt hàng như điện, than, xăng dầu và một số loại dịch vụ khác về cơ bản phải được điều hành theo cơ chế thị trường. Điều này đồng nghĩa giá điện sẽ tiếp tục phải tăng. Giá điện tăng sẽ là cơ sở để thu hút đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện. Không chỉ có điện, xăng dầu, than là những mặt hàng sẽ điều hành theo hướng thị trường, dứt khoát không thể bao cấp tràn lan, không thể để bù chéo như hiện nay. “Việc phải điều chỉnh giá trong bối cảnh phải kềm chế lạm phát là nhiệm vụ quá khó do hai mục tiêu gần như đi ngược nhau nên dư địa để các doanh nghiệp phấn đấu cũng rất khó khăn. Một mặt nhà nước chủ trương kiên trì theo nguyên tắc thị trường, điều chỉnh giá điện để giảm bớt lỗ do chính sách và đảm bảo sản xuất kinh doanh có lãi cho tập đoàn. Tôi cũng mất ngủ vì lo CPI tăng, vì sang năm là cơ bản các mặt hàng trên phải theo cơ chế thị trường”- Ông Huệ nói. |