Xây dựng nông thôn mới tại Hà Nội: Chưa thu hút được nguồn vốn xã hội hóa
Phần lớn nguồn vốn xây dựng nông thôn mới (NTM) lấy từ ngân sách trong khi sự tham gia đóng góp của doanh nghiệp, nhân dân rất hạn chế. Đó là thực trạng tại toàn bộ 19 xã đang triển khai xây dựng NTM trên địa bànHà Nội.
Ảnh: minh họa - Internet |
Trên 90% vốntừ ngân sách
Sau gần hai năm triển khai, đến nay kinh phí thực hiện xây dựng NTM của xã Thụy Hương, huyện Chương Mỹ đạt 103.124 triệu đồng, chiếm 97,5% so với kinh phí được phê duyệt. Trong đó, ngân sách và vốn có nguồn gốc ngân sách chiếm 94.024 triệu đồng (91,17%). Nguồn vốn do dân đóng góp chỉ 6.100 triệu đồng (5,9%) và vốn doanh nghiệp là 3.000 triệu đồng (2,9%). Con số này còn quá khiêm tốn so với đề án được phê duyệt (vốn do nhân dân đóng góp 13% và doanh nghiệp 16%).
Tương tự, tại ba xã điểm NTM của thành phố, nguồn vốn do nhân dân đóng góp cũng chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ. Cụ thể, Song Phượng (Đan Phượng) là 3,5%; Đại Áng (Thanh Trì) 0,5% và Mai Đình (Sóc Sơn) khoảng 7,4%. Theo số liệu của Ban Chỉ đạo xây dựng NTM Hà Nội, tính đến hết 30/6/2011, nguồn kinh phí bố trí thực hiện đề án xây dựng NTM tại 19 xã điểm trên địa bàn thành phố là 771.066 triệu đồng. Trong đó vốn ngân sách (T.Ư, thành phố, huyện, xã) và lồng ghép đạt 719.257 triệu đồng, chiếm tới 93,2%. Còn lại, vốn do nhân dân đóng góp chỉ đạt 27.476 triệu đồng (3,5%), vốn doanh nghiệp 23.502 triệu đồng (3%), vốn xã hội hóa 831 triệu đồng (0,1%).
Ông Hoàng Thanh Vân, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng NTM Hà Nội cho biết, nguyên nhân của tình trạng trên là do một bộ phận cán bộ và nhân dân còn tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước. Trong khi đó, phương pháp tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia xây dựng NTM còn đơn điệu, thiếu sáng tạo dẫn đến hiệu quả thấp. Ngoài ra, cơ chế chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vẫn còn nhiều bất cập.
Nhiều khả năng"vỡ kế hoạch"
Chưa thu hút được sự tham gia đông đảo của người dân, doanh nghiệp đã khiến cho nguồn lực xây dựng NTM của các địa phương còn yếu ớt. Do đó, nhiều tiêu chí rất khó hoàn thành đúng tiến độ. Ông Nguyễn Đức Học, Chủ tịch UBND xã Thụy Hương cho biết: Theo đề án xây dựng NTM, xã chỉ còn chưa đầy 5 tháng thực hiện, song cho đến nay vẫn còn 4/19 tiêu chí chưa đạt. Trong đó tiêu chí hộ nghèo còn cao (7%) và tỉ lệ thôn đạt làng văn hóa quá thấp (1/7 thôn). Các dự án liên quan tới sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng cũng như giải quyết việc làm nông thôn đang rất khó thực hiện, hiệu quả không cao và thiếu tính bền vững. Vì thế, tại cuộc họp mới đây, Ban Chỉ đạo xây dựng NTM thành phố cũng chỉ đưa ra mục tiêu từ nay đến hết năm 2011 Thụy Hương hoàn thành 3/4 tiêu chí là cơ cấu lao động, văn hóa và môi trường. Còn lại tiêu chí tỉ lệ hộ nghèo hoàn thành vào cuối năm 2012.
Tiến độ triển khai tại ba xã điểm của thành phố và 15 xã điểm của các huyện, thị xã cũng rất chậm so với kế hoạch. Theo quyết định được phê duyệt, xã Song Phượng sẽ hoàn thành xây dựng NTM vào cuối năm 2011 nhưng đến nay vẫn còn 6 tiêu chí chưa đạt và đạt ở mức thấp. Xã Mai Đình vẫn còn 7 tiêu chí, xã Đại Áng còn 9 tiêu chí chưa đạt. Trong số đó có những tiêu chí liên quan tới chất lượng đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của người dân. Giám đốc Sở NN&PTNT thành phố Hoàng Thanh Vân cho biết: "Chính vì vậy, mục tiêu đặt ra cho 3 xã điểm của thành phố từ nay đến hết năm là hoàn thành thêm 3 - 4 tiêu chí nữa, phần còn lại sẽ hoàn tất vào năm 2012". Tuy nhiên, với sự tham gia của người dân và doanh nghiệp vào quá trình xây dựng NTM còn mờ nhạt như hiện nay, việc đạt được mục tiêu trên thực sự là một bài toán khó.
Theo Nam Bắc - Thắng Văn
Báo Kinh tế & Đô thị