Ông Năm Châu đang “bắt mạch” một ruộng lúa bị bệnh. |
Nông dân đắt "sô"
“Tôi là nông dân học hết lớp 8”, ông Năm Châu (Dương Văn Châu, 65 tuổi, ấp Cây Dương, xã Thạnh Mỹ, H.Châu Thành, Trà Vinh) phải thường xuyên đính chính như thế, khi có nhiều người “phong” cho ông là “kỹ sư”. Ở Trà Vinh, ông là một trong những nông dân nổi tiếng, xuất hiện nhiều trên báo đài. Số điện thoại của ông được nhiều nông dân nhớ tới mỗi khi đồng nhà “có chuyện”.
Sự có mặt của ông trên đồng lúa khiến nhiều nông dân tin tưởng hơn vào vụ mùa. Nên suốt năm, “chuyên gia chân đất” này lại “cơm nhà áo vợ” đi “bắt mạch” cho các cánh đồng gần xa.
Nắng chang chang, từ TP Trà Vinh, chúng tôi theo ông đi “thăm bệnh” trên các cánh đồng ở tận xã Trường Thọ (H.Cầu Ngang). Thỉnh thoảng, ông rề xe lại một cánh đồng nào đó, lẩm bẩm đôi câu rồi lại đi. Hỏi ra mới biết đó là những ruộng lúa được ông điều trị qua cơn nguy kịch.
Đến một trường tiểu học nằm đối diện với một ngôi chùa Khmer, các giáo viên nán lại sau giờ dạy, gặp ông họ xuýt xoa: “Tụi tui thấy chú trên tivi hoài, giờ mới gặp”. Có người còn xin số điện thoại của ông để phòng khi ruộng nhà có bề gì thì gọi nhờ tư vấn. Chốc lát, chuông điện thoại ông lại reo. Một nông dân ở đầu dây bên kia sốt ruột với ruộng nhà có biểu hiện bệnh cháy lá. Ông hỏi tỉ mỉ triệu chứng, rồi chỉ cách phòng trừ.
“Có nhiều khi mình chỉ qua điện thoại bà con cũng không biết cách làm. Những lần như thế tui phải kêu người ta nhổ vài bụi lúa đến cho tui coi. Những đồng nào bị nặng quá thì mình đích thân tới trị”, Năm Châu nói. Có ngày ông phải đi hàng trăm cây số, đi xe, đi đò, xa xôi hẻo lánh ông cũng chẳng ngại...
Thấy ông tất bật, chúng tôi hỏi: “Chú có nhiều khách hàng thật đấy!”. Nông dân Năm Châu lắc đầu: “Hoàn toàn miễn phí hết đó chú ơi! Nhiều bà con thấy tôi vất vả, bỏ tiền nhà giúp, nên giả đò hỏi “mượn” xe tui để đổ cho bình xăng. Tui phát hiện liền trả lại tiền”.
Phương pháp "điều trị tích cực"
Không phải tự nhiên ông được tín nhiệm, việc làm của ông được nhiều tổ chức, các nhà khoa học tin tưởng và đã được kiểm chứng trên đồng đất từ nhiều năm nay. Thêm nữa cũng bởi Năm Châu rất nhiệt tình với nông dân mỗi khi họ cần đến ông.
Năm Châu nói kiến thức của ông có được là kết quả nhiều năm đúc kết, học hỏi từ các kỹ sư nông nghiệp trong tỉnh, các nhà khoa học trong khu vực ĐBSCL và các chuyên gia nước ngoài...Mỗi nơi học hỏi và đúc kết ít nhiều thành cái của riêng mình.
Theo ông, giống như con người, trong mỗi cá thể lúa đều có ý chí sinh tồn. Cây lúa dù mang bệnh, nhưng nó không muốn chết. "Cho nên, thay vì tận diệt mầm bệnh cũng sẽ tận diệt vào sức sinh tồn của lúa, tôi chủ trương làm yếu tác nhân gây bệnh và làm tăng đề kháng của cây lúa. Giống như đứa trẻ bị sốt, điều các bác sĩ khuyên là giúp bé tăng sức chống chọi với bệnh", ông nói.
Đỉnh điểm của khái niệm về “ý chí sinh tồn của cây lúa” đã được ông chứng minh trong đợt “dậy” rầy năm 2006 trên khắp ĐBSCL, mà Trà Vinh là tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất. Vậy mà cánh đồng 400 công trong tổ giống do ông phụ trách năng suất vẫn đảm bảo.
Đến trận vi-rút hại lúa vụ mùa 2008 - 2009, phương pháp “điều trị tích cực” của nông dân Năm Châu một lần nữa phát huy tác dụng. Sau những bận “thử lửa”, nhiều nông dân đã tin vào ông hơn và ông càng bận rộn hơn. Nhà của nông dân Năm Châu là một trong những địa chỉ quen thuộc của các nhà khoa học nông nghiệp trong khu vực ĐBSCL.
Ông từng vinh dự đại diện nông dân Việt Nam sang Italia để phát biểu tại diễn đàn của FAO (tổ chức nông lương thế giới). Ông là cha đẻ của 12 giống lúa mang họ TM (viết tắt từ tên Thạnh Mỹ, xã ông sinh sống) và là người trung thành với phương pháp “điều trị tích cực” đối với các bệnh hại lúa.
Khát vọng cường quốc lúa giống
Theo Năm Châu, trong số 12 giống lúa TM mà ông đóng góp vào ngân hàng lúa Viện Nghiên cứu phát triển ĐBSCL (Viện NCPT), có nhiều giống lúa đã vắt của ông không biết bao nhiêu mồ hôi, sức lực. "Có khi qua 8 - 9 vụ “theo” một giống lúa, nhưng đến cuối con đường lại phát hiện mình đã đi lạc hướng. Công sức, hy vọng đành phủi tay", ông nói.
Tuy nhiên, cũng có giống lúa làm rạng danh người chọn tạo, do giúp nhiều nông dân cải thiện, nâng cao được đời sống từ đồng áng. Một đợt “thử lửa” diễn ra hồi năm 2004, khi Viện NCPT triệu tập các giống, dòng do nông dân chọn tạo trên khắp ĐBSCL về "hội ngộ" tại Sóc Trăng.
Trong số 36 giống, dòng lúa được mang tới đây thì TM3 của ông đoạt giải nhất, giống TM2 đoạt giải nhì. Cho tới nay, ông đã phát triển giống đến TM15, trong đó có nhiều giống được trồng rộng rãi trên đất Trà Vinh và các tỉnh lân cận.
Nhưng ấp ủ lớn của ông, cũng như nhiều người vẫn đang miệt mài đi tìm đáp án chung về một giống lúa chịu áp lực khắc nghiệt của thời tiết: hạn, mặn, phèn, ngập... Ông hé lộ đang khảo nghiệm một giống lúa phục vụ cho khát vọng đó. “Tui đã gia tăng độ mặn lên 15%o, nhưng nó vẫn ổn. Vấn đề còn lại là năng suất lúa trong điều kiện độ mặn như thế chưa được đảm bảo", ông nói.
Năm Châu cho biết, khát khao lớn nhất của ông là một Việt Nam “cường quốc lúa giống”. Hay chí ít nông dân Việt Nam không lệ thuộc vào giống lúa nước ngoài. Công việc “sửa” giống của ông cũng là thể hiện khát vọng đó.
Đến nay, người ta đã ít nhiều hiểu được vì sao ông Năm Châu hằng ngày cứ đội nắng mưa đi hàng chục, hàng trăm cây số để “sửa” lúa miễn phí cho nông dân. Tình yêu, bầu nhiệt huyết đó vẫn cháy bỏng trong người nông dân nổi tiếng này về một VN "cường quốc lúa giống".