Đại quy hoạch 'treo' và điển hình trục lợi

Đất thuộc KCN, nhưng CAWACO chuyển nhượng trái luật thu lợi gần 55 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Chương.
Đất thuộc KCN, nhưng CAWACO chuyển nhượng trái luật thu lợi gần 55 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Chương.
TP - Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch đến năm 2015, định hướng năm 2020, Cần Thơ có 10 khu công nghiệp (KCN) và cụm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, nhưng Cần Thơ lại quy hoạch đất lên 14 khu và cụm, với tổng diện tích 2.057 ha.

> Biến đất lúa thành đất hoang

Đất thuộc KCN, nhưng CAWACO chuyển nhượng trái luật thu lợi gần 55 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Chương.
Đất thuộc KCN, nhưng CAWACO chuyển nhượng trái luật thu lợi gần 55 tỷ đồng. Ảnh: Thanh Chương.
 

Đến nay, diện tích thực tế triển khai tại Cần Thơ 372 ha, chiếm 18% diện tích đất quy hoạch, gây lãng phí lớn tài nguyên đất đai. Từ đó, trục lợi xảy ra.

Đại quy hoạch treo

Có 6 nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư. Các nhà đầu tư này làm thủ tục thuê đất của nhà nước, sau đó đầu tư xây dựng hạ tầng và cho thuê lại. Những nơi dân còn quản lý sử dụng đất, nhà đầu tư phải đền bù giải phóng mặt bằng. Hiện mới có một KCN hoàn tất giải phóng mặt bằng, nhờ xây dựng từ thời chế độ cũ, KCN Trà Nóc 1 diện tích xấp xỉ 131 ha. Năm KCN bồi hoàn dang dở, còn lại mới vẽ trên giấy.

Các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN đã có quyết định thuê đất 372 ha (18% tổng diện tích quy hoạch) nhưng thực tế mới ký hợp đồng thuê đất với Nhà nước được 225 ha (xấp xỉ 11% tổng diện tích quy hoạch). Còn tính quy hoạch chi tiết được phê duyệt, cũng mới có gần 606 ha (29% tổng diện tích quy hoạch).

Hàng nghìn héc-ta đất lọt vào vùng quy hoạch, nhiều năm nay người dân bị hạn chế các quyền sử dụng và không biết còn kéo dài đến bao giờ, cuộc sống bị xáo trộn gây bất ổn rất lớn. Nhất là những diện tích đã có quy hoạch chi tiết, bồi hoàn nham nhở thì đất màu mỡ trở thành đất hoang, nhà đầu tư lẫn người dân đều khổ.

Dự án nhà máy lọc dầu ở phường Phước Thới (Ô Môn, Cần Thơ), được cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 19-5-2008, trên diện tích rộng đến 250 ha trong phần quy hoạch mở rộng của KCN Trà Nóc 2. Dự kiến vốn đầu tư 538 triệu USD, nhưng rồi do trục trặc đối tác nước ngoài, vốn teo dần và diện tích cũng rút xuống còn 50 ha.

Sau nhiều lần hứa và khất, đến nay vẫn im lìm và UBND TP Cần Thơ đang gia hạn cuối cùng là tháng 8-2011. Người dân trong vùng quy hoạch khốn đốn thêm do chuyển lúa trồng cam để hy vọng được bồi hoàn cao, nay sống dở chết dở.

Ông Nguyễn Văn Bích, cán bộ Hội Nông dân khu vực Thới Ngươn A, phường Phước Thới, cho biết: “Hầu hết ruộng lúa của gần 400 hộ dân chuyển thành vườn cam, nay lúa không còn, ôm cây cam èo uột”. Ông Nguyễn Văn Đức có 2.000m2 đất, vay mượn gần 30 triệu đồng lên vườn cam “tưởng ngon ăn, nay mang nợ”.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ, Trần Thanh Mẫn giải thích, có nhiều quy định về quản lý chồng chéo và hay thay đổi đã ảnh hưởng tới việc triển khai xây dựng KCN. Chẳng hạn, giá đất tăng nhanh hằng năm và cơ chế đền bù không thống nhất làm cho việc đền bù giải phóng mặt bằng kéo dài, ảnh hưởng tới tiến độ đầu tư. Tuy nhiên, Bí thư Mẫn cũng thừa nhận, nguyên nhân chủ quan là chính, do năng lực quy hoạch và thực hiện còn yếu.

Nhiều hành vi trục lợi đã xảy ra. Cty Xây dựng hạ tầng KCN Cần Thơ đã quản lý sử dụng gần 115 ha đất ở KCN Trà Nóc 2, nhưng chưa ký hợp đồng và trả tiền thuê đất cho Nhà nước. Số tiền chưa kê khai nộp ngân sách nhà nước xấp xỉ 3 tỷ đồng. Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng KCN Trà Nóc 2 (quận Ô Môn) xác định đền bù thiếu hơn 10.700 m2 đất công.

Điển hình trục lợi

CAWACO là tên viết tắt của Cty Cổ phần Năng lượng Kho ngoại quan (nay là Cty Cổ phần Dầu khí Năng lượng Cần Thơ-CAPECO). Năm 2003, CAWACO được UBND TP Cần Thơ cho thuê gần 6,9 ha đất ở KCN Hưng Phú để xây dựng kho bãi cảng ngoại quan.

Đến ngày 18-5-2009, UBND TP Cần Thơ cho chuyển sang hình thức giao đất 50 năm có thu tiền sử dụng đất. Không đầy một tháng sau, CAWACO ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng toàn bộ khu đất cho TCty Phân bón và Hóa chất Dầu khí, giá hơn 96 tỷ đồng. TCty này trả ngay 20 tỷ đồng.

Khi ký hợp đồng đặt cọc chuyển nhượng khu đất, CAWACO chưa trả tiền sử dụng đất và chưa được cấp sổ đỏ. Trưởng ban Quản lý các KCN- Khu chế xuất Cần Thơ Võ Thanh Hùng nói, chuyển nhượng đất trong KCN là trái pháp luật. Mặt khác, còn gắn liền với việc chuyển nhượng dự án kho bãi cảng ngoại quan, cũng không được thực hiện theo trình tự, thủ tục theo quy định.

Theo tính toán của Cục Thuế TP Cần Thơ, số tiền thu lợi của CAWACO do hành vi chuyển nhượng đất trái luật là gần 55 tỷ đồng. Vụ này có trách nhiệm quản lý của Sở Tài chính, Sở TN-MT và UBND TP Cần Thơ. Riêng Sở TN-MT tham mưu chuyển nhượng sai và còn bỏ qua nhiều quy định khi cấp sổ đỏ cho CAWACO rồi cho TCty Phân bón và Hóa chất Dầu khí.

Cuối năm 2010, UBND TP Cần Thơ đã ra quyết định thu hồ sổ đỏ cấp cho TCty Phân bón và Hóa chất Dầu khí. Thanh tra Chính phủ từng yêu cầu thu về ngân sách số tiền hưởng lợi trái quy định của CAWACO và xử lý hành chính vi phạm pháp luật đất đai đối với CAWACO nhưng CAWACO không thực hiện.

Hiện nay, Thanh tra Chính phủ kiến nghị chuyển hồ sơ sang Cơ quan CSĐT Bộ Công an để xử lý theo pháp luật hành vi sai trái của tổ chức và cá nhân liên quan.

Ô nhiễm môi trường

KCN Hòa Trung ở xã Lương Thế Trân (Cái Nước- Cà Mau) tập trung những doanh nghiệp chế biến thủy sản có tổng diện tích 235 ha. Do làm tự phát, các doanh nghiệp trả tiền cho dân để giải phóng mặt bằng, hùn tiền làm đường giao thông, kéo điện. Vì thế, KCN Hòa Trung không có hệ thống xử lý nước thải tập trung.

Đặc biệt, tập trung các doanh nghiệp chế biến thủy sản nên có mùi đặc trưng, ảnh hưởng lớn đến dân cư xung quanh.

Phía nam KCN Hòa Trung còn 150 hộ dân “mắc kẹt” trên diện tích 58 ha giữa các nhà máy chế biến nặng mùi. Ông Trần Văn Xây, một người dân nói: “Hôi thúi cả ngày lẫn đêm. Các doanh nghiệp chế biến thủy sản xả nước thải xuống kinh xáng Lương Thế Trân, gây ô nhiễm môi trường, tôm cá chết sạch. Bà con nông dân chúng tôi khiếu kiện, giải quyết tới giải quyết lui mà chưa biết bao giờ mới có kết quả”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học: Hướng tới nền giáo dục không cần dạy thêm, học thêm
Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học: Hướng tới nền giáo dục không cần dạy thêm, học thêm
TPO - Trò chuyện với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD&ĐT) cho rằng, trường học nên hướng tới việc không dạy thêm học thêm. Bên cạnh đó, phụ huynh, người dân cũng cần thay đổi nhận thức về việc cho con đi học thêm kiến thức quá nhiều, không chú trọng các kỹ năng khác "để khi ra đời dễ bị thua thiệt".