Mua vàng nữ trang cẩn thận nhầm hàng 'nhồi'

Mua vàng nữ trang cẩn thận nhầm hàng 'nhồi'
Vàng nữ trang rỗng ruột hay bị ăn gian về chất lượng. Người thợ sẽ nhét thêm hợp chất lạ vào chỗ rỗng ruột hoặc chỗ gắn đá quý cho vàng nặng hơn.

Mua vàng nữ trang cẩn thận nhầm hàng 'nhồi'

> Cảnh giác với vàng giả
> Đóng dấu chuẩn chất lượng để tránh vàng giả

Vàng nữ trang rỗng ruột hay bị ăn gian về chất lượng. Người thợ sẽ nhét thêm hợp chất lạ vào chỗ rỗng ruột hoặc chỗ gắn đá quý cho vàng nặng hơn.

Khi mua vàng nữ trang, người tiêu dùng nên mua ở các DN, tiệm vàng kinh doanh có uy tín để tránh thiệt hại. Ảnh: QT
Khi mua vàng nữ trang, người tiêu dùng nên mua ở các DN, tiệm vàng kinh doanh có uy tín để tránh thiệt hại. Ảnh: QT.

Sự buông lỏng quản lý và giám sát của cơ quan nhà nước đang khiến người tiêu dùng bị thiệt thòi khi mua vàng nữ trang.

vàng độn tạp chất

Ngày 8-7 tới, Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý TP.HCM (SJA) sẽ tổ chức một cuộc hội thảo phân tích, đánh giá về vàng nguyên liệu pha tạp chất (vàng độn - PV) và các giải pháp phòng tránh loại vàng này. Sở dĩ SJA phải tổ chức hội thảo vì từ tháng 4 đến nay, thị trường vàng trong nước xuất hiện loại vàng nguyên liệu (99,9%) pha hợp chất lạ.

Theo bộ phận chuyên môn của SJA, loại vàng trên đã qua mặt được sự kiểm tra của máy đo tuổi vàng bằng phương pháp huỳnh quang tia X (thiết bị phân tích hợp kim hiện đại). Do hợp chất lạ độn trong đó có tỉ trọng khá cao gần bằng vàng. Loại vàng độn này đang khiến doanh nghiệp (DN) sản xuất, kinh doanh vàng trang sức lúng túng và người tiêu dùng lo lắng. Bước đầu, hợp chất lạ đã được Công ty Vàng bạc Bảo Tín Minh Châu (Hà Nội) công bố là chất vonfram và một số kim loại nặng khác.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Dưng, Chủ tịch SJA, cho biết liên quan đến vấn đề trên, SJA đã lấy mẫu gửi đi phân tích tại các phòng thí nghiệm uy tín trong và ngoài nước. “Kết quả chất gì đã có. Chúng tôi sẽ công bố vào ngày 8-7 và đưa ra giải pháp phòng tránh thiệt hại cho DN, người tiêu dùng” - ông Dưng nói.

Loạn vàng nữ trang

Lâu nay mặt hàng vàng nữ trang thường bị thả nổi và ít bị kiểm soát về chất lượng. Điều đáng nói, DN được phép công bố chất lượng vàng nên người tiêu dùng đang bị móc túi vô tội vạ.

Giải thích vì sao mặt hàng vàng nữ trang loạn về giá và chất lượng, chủ một tiệm vàng ở chợ Thiếc (quận 11, TP.HCM) cho biết nguồn cơn xuất phát từ các chành (nơi bỏ mối sỉ mặt hàng vàng nữ trang - PV). Ở TP.HCM, các chành tập trung ở chợ Hòa Bình, An Đông… Các tiệm vàng khi cần vàng nữ trang đều đem vàng cục ra các chành đổi nhẫn, dây chuyền, cà rá, vàng gắn hột… về bán. Từ đó, chất lượng vàng nữ trang bị thao túng.

Theo chủ tiệm vàng trên, vàng nữ trang chia làm hai loại: vàng nữ trang đặc ruột, không có dấu nối và nữ trang rỗng ruột có mối nối như cà rá, dây chuyền, nhẫn hột… Trường hợp hay bị ăn gian về chất lượng thường xảy ra với vàng nữ trang rỗng ruột. Người thợ không có đạo đức sẽ nhét thêm hợp chất lạ vào chỗ rỗng ruột hoặc chỗ gắn hột đá quý để vàng nặng hơn. “Siêu hơn nữa là khi gia công chế tác vàng nữ trang, người thợ sẽ cắt ra làm nhiều mối nối. Do các mối nối được hàn lại từ vàng ít tuổi hơn nên ở cùng một sản phẩm nhưng tuổi vàng bị hạ thấp đi” - ông này bật mí.

Quản lý lỏng lẻo

Vì sao SJA đã xây dựng xong bộ tiêu chuẩn kỹ thuật cho mặt hàng vàng nữ trang mà không gửi kiến nghị cho các cơ quan nhà nước xem xét? Ông Nguyễn Văn Dưng cho biết đang chờ nghị định quản lý thị trường vàng do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) soạn thảo và trình Chính phủ ban hành.

Ông Dưng cho hay: Sắp tới, khi nghị định nêu trên ban hành, SJA sẽ căn cứ vào các quy định pháp luật để có những giải pháp giúp thị trường vàng nữ trang hoạt động lành mạnh, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân khi sở hữu loại hàng hóa này. Giải pháp đó là gắn dấu hợp quy trên sản phẩm, công bố những DN làm ăn gian dối…

Một điều ngạc nhiên là thị trường mặt hàng vàng nữ trang vô cùng quan trọng trong đời sống người dân nhưng các cơ quan quản lý ít thể hiện vai trò giám sát, chấn chỉnh. Theo SJA, hơn 20 năm qua (từ năm 1991 đến 2010), Việt Nam đã sản xuất và tiêu thụ gần 26 tấn vàng trang sức nhưng các khâu quản lý về nguồn gốc, sản xuất, lưu thông… khá lỏng.

Cụ thể, hiện tại quy định cho nhập vàng về do NHNN quản; tiêu chuẩn đánh giá, kỹ thuật thế nào do Bộ Khoa học và Công nghệ; còn sản phẩm lưu thông, kinh doanh thế nào do Bộ Công Thương chủ trì. Tuy nhiên, ít khi thấy sự phối hợp của ba cơ quan này trong việc kiểm tra, giám sát, đưa thị trường vàng nữ trang vào hoạt động quy củ.

Theo Bùi Nhơn
Pháp luật TP.HCM

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG