'Cắn răng' đổi tiền lẻ 'chợ đen'
> Ngân hàng chỉ đổi tiền lẻ cho khách VIP?
> Khách hàng 'ruột' mới được đổi tiền mới
Ảnh minh họa. |
Sôi động dịch vụ đổi tiền lẻ
Khi nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới trở thành một nhu cầu cấp thiết thì đồng thời, các dịch vụ đổi tiền cũng nhanh chóng được hình thành để thỏa mãn nhu cầu của "thượng đế."
Con phố Nguyễn Xí và Đinh Lễ (Hà Nội) từ lâu đã nổi tiếng với dịch vụ đổi tiền lẻ. Theo quan sát của phóng viên, chỉ một đoạn đường ngắn từ Đinh Lễ vòng qua Nguyễn Xí mà có đến hơn chục người phụ nữ "phục kích" để kinh doanh dịch vụ đổi tiền.
Thấy chúng tôi đang ngơ ngác tìm kiếm, một phụ nữ chừng 35 - 40 tuổi ngồi tại ngã ba Đinh Lễ, Nguyễn Xí mắt trước mắt sau chạy đến kéo tay áo, rỉ tai: "Em đang đi đổi tiền đúng không? Vào đây chị có đủ các loại tiền lẻ. Giá cả không đâu rẻ bằng."
Thấy khách tấp xe vào lề đường, chị này nhanh nhảu mở chiếc bao đựng tiền đeo ở ngang bụng để chào hàng. Trong túi có tất cả các loại tiền từ mệnh giá 500 đồng đến 10 nghìn đồng vẫn còn nguyên đai nguyên kiện của ngân hàng. "Trừ khi em lấy trên 5 triệu đồng cùng một mệnh giá thì phải gọi điện đặt trước để hôm sau lấy, nếu không thì muốn lấy loại nào và bao nhiêu chị cũng có," người phụ nữ này nói.
Cô Hiếu, một người kinh doanh tiền lẻ kiêm luôn vai người trông xe phố Đinh Lễ (Hoàn Kiếm) khẳng định chắc nịch: “Bây giờ mà vào ngân hàng đổi tiền lẻ thì không bao giờ có. Nếu là khách hàng thường xuyên, may ra cháu chỉ đổi được tiền mệnh giá cao từ 10.000 – 50.000 đồng. Chẳng hạn, nếu cháu đổi 5 triệu đồng, quy ra cũng chỉ được hai xấp 20.000 đồng và một xấp 10.000 đồng, 5 triệu đồng mà được loại mệnh giá nhỏ mới hiếm."
Không chỉ nhộn nhịp ở các địa điểm trên, dịch vụ đổi tiền lẻ, tiền mới còn tràn lên các trang rao vặt trên mạng như website www.doitien.vn, www.dichvudoitien.com, www.vatgia.com. Khách hàng đổi với số lượng nhiều sẽ được mang đến tận nơi và có giá ưu đãi. Đổi bao nhiêu cũng có, đổi nhiều có thể thương lượng…
Không chỉ đổi tiền lẻ mà cả USD cũng được rao bán khá rầm rộ với mức giá lên tới 25.000 đồng/tờ mệnh giá 1 USD, 49.000 hoặc 50.000 đồng/tờ mệnh giá 2USD. Những tờ 2 USD có seri đẹp được rao bán với giá từ 100-200 ngàn đồng/tờ.
Siêu lợi nhuận...
Năm nay, từ thông tin các ngân hàng khan tiền lẻ, thị trường chợ đen “được mùa” “đội” giá lên cao. Theo giới kinh doanh dịch vụ này, tiền “phí” (tức là khoản tiền khách hàng sẽ mất khi đổi tiền) cao hơn so với năm ngoái.
Giá cả đổi tiền được các chị ngoài chợ “đen” hét như sau: Loại tiền 10 nghìn thì 10 ăn 8 (tức 100 nghìn thì đổi lấy 80 nghìn), tiền mệnh giá 1, 2, 5 nghìn thì tỷ lệ sẽ là 10 ăn 8. Riêng loại tờ 500 đồng thì giá cao hơn rất nhiều: Mua 1 triệu loại tiền 500 đồng phải trả 1,3 triệu. Riêng loại tiền có mệnh giá 200 đồng thì hiện theo người này cho biết cực kỳ khó kiếm.
Tại các bàn đổi tiền ở các cửa đền, phủ thì các mệnh giá 10 nghìn, 20 nghìn, 50 nghìn có cứ một triệu mất thêm 30 nghìn. Tiền 500 đồng giá thành 650 đồng.
Còn mức phí được rao trên các trang website cũng lên đến 55%. Phí đổi tiền mệnh giá 200 đồng mới là 55%, mệnh giá 500 đồng có mức phí là 25%, 1.000 đồng có mức phí là 14%, 2.000 đồng có mức phí là 16%...
Tuy nhiên, các mức phí trên chỉ áp dụng cho khách hàng đổi tiền với số lượng lớn (trên 5 triệu đồng). Theo đánh giá của một số khách hàng, mức phí này là khá “mềm” so với thị trường bên ngoài.
Cầm trên tay cọc tiền 1 triệu mệnh giá 500 đồng, chị Nguyễn Thanh Lan, phố Ngọc Lâm, quận Long Biên mặt méo xệch: “Gia đình tôi hay đi lễ chùa vào dịp đầu năm mới nên rất cần tiền lẻ. Lo cuối năm hiếm tiền lẻ nên tuần trước tôi đã đến một số ngân hàng thương mại để đổi tiền. Đi một vòng qua 3 ngân hàng mà không đổi được tiền, tôi thực sự bức xúc khi bị từ chối với lý do ngân hàng chỉ đổi tiền cho khách quen là doanh nghiệp với số lượng lớn.”
Không còn cách nào khác, tôi đến Phủ Tây Hồ - nơi dịch vụ đổi tiền lẻ diễn ra khá rầm rộ. Một phụ nữ chuyên đổi tiền cho khách đi Phủ ra giá: “Đổi tiền mệnh giá 1.000 đồng thì 1,2 triệu ăn 1 triệu đồng, mệnh giá 500đ thì 1,3 triệu ăn 1 triệu đồng”. Để có được 1 triệu đồng tiền lẻ với mệnh giá 500 đồng, tôi đã phải mất 300.000 đồng cho người đổi tiền. Tôi không hiểu sao các ngân hàng đều nói không có tiền đổi mà sao “ngân hàng vỉa hè” lại có nhiều tiền lẻ đến vậy?”
Một người phụ nữ tên Mẫn trên Phủ Tây Hồ cho biết: Năm nay đắt và khan nhất là tờ mệnh giá 500 đồng và 20.000 đồng và 50.000 đồng còn những mệnh giá khác không hiếm lắm.”
Cũng cùng cảnh như chị Lan, sau một thời gian nhờ vả người quen đổi tiền không thành, chị Trần Thị Sáu ở Hoàng Mai, Hà Nội đành chấp nhận ra đổi tiền lẻ tại đầu phố Quang Trung của mấy bà bán nước. “Họ hàng nhà mình ở quê chỉ có một mình mình ở trên Hà Nội nên các bác và cô gọi điện lên nhờ đổi hộ ít tiền lẻ để mừng tuổi và đi chùa, nhưng hơn một tuần nay mình chạy vạy khắp nơi mà không thể đổi được. Giờ mình đành chấp nhận mất phí cao, không có thì “không có đường về quê.”
“Tưởng dành dụm được ít tiền về quê tiêu Tết, ai ngờ lại phải trả phí cao thế này, thôi từ sang năm trở đi mình sẽ phải khất họ hàng ngay từ khi nghe điện thoại,” chị Sáu than thở.
Đối với tiền ngoại tệ mệnh giá 2 USD cũng vậy, những tờ đặc biệt thì giá cao hơn hẳn năm ngoái. Tết 2010, nếu giá một tờ 2 USD có số xêri “22222” hoặc “8888” từ 800.000-1.200.000 đồng thì năm nay giá đội lên đến 2 triệu đồng.
Tại Hà Nội, giới công sở cũng như một bộ phận người dân, nhất là những người trẻ, đang diễn ra một cuộc săn lùng ráo riết đồng 2 USD.
Một chuyên gia về tiền tệ nhận định, do xu hướng chuộng ngoại tệ lạ vì tin vào những điều may mắn đôi khi rất mơ hồ, chủ quan chỉ vì đồn thổi mà vô tình nhiều người đã đẩy giá trị các ngoại tệ lạ lên cao so với thực tế và không cần thiết.
Theo Minh Thúy
Thông Tấn Xã Việt Nam