Thị trường nhà đất: Nhỏ bán chậm, lớn khó bán

Thị trường nhà đất: Nhỏ bán chậm, lớn khó bán
Mấy phiên đấu giá nhà đất và một vài giao dịch thành công khiến không ít người cho rằng thị trường nhà đất đang ấm lên. Tuy nhiên vấn đề lại không hẳn như vậy.
Thị trường nhà đất: Nhỏ bán chậm, lớn khó bán ảnh 1
Theo giới chuyên môn, thị trường bất động sản sẽ chưa thể phục hồi ít nhất là tới hết 2007

Một số giao dịch thành công đã khiến không ít người cho rằng thị trường sắp sôi động trở lại. Vụ đấu giá 9 thửa đất tại quận Cầu Giấy (Hà Nội) có kết quả ngoài mong đợi khi giá cuối cùng vượt giá khởi điểm 50% là một ví dụ.

Nhà nhỏ bán chậm

Phó Giám đốc Công ty xây dựng và phát triển Đường Lâm, bà Nguyễn Thị Loan cho biết, bà vừa bán 2 căn nhà nhỏ, mỗi căn hơn 30m2 ở khu Tân Mai với giá gần 400 triệu đồng.

Đây là 2 căn nhà do công ty mua từ năm 2003. Mỗi căn chấp nhận bán thấp hơn giá mua gần 40 triệu đồng. Bà Loan cho biết, nếu lấy lãi vay ngân hàng để tính với mức thấp nhất là 1% thì trong vòng 3 năm qua, với tổng số tiền 800 triệu cho 2 căn nhà đã mất đứt khoảng gần 300 triệu.

Ông Vũ Duy Thái - Chủ tịch Hiệp hội Công Thương Hà Nội và cũng đang hoạt động trong lĩnh vực bất dộng sản cho biết, hiện nay những người mua nhà chỉ mua để ở, còn mua kinh doanh thì rất ít.

Các đối tượng kinh doanh chủ yếu tìm cách bán ra thu hồi vốn. Nhưng người mua, người bán vẫn ít tìm được tiếng nói chung vì nhu cầu nhà ở thì vẫn rất cao nhưng không đủ tiền là tình trạng phổ biến.

Nhà lớn khó bán

Theo quan sát của chúng tôi, khá nhiều văn phòng môi giới nhà đất đã đóng cửa. Ngay tại khu vực gần Văn Miếu, Quốc Tử Giám, vào thời điểm này năm ngoái vẫn còn một vài văn phòng môi giới, mỗi văn phòng thường có khoảng 4-5 người làm việc thì tại thời điểm này một số đã đóng cửa.

Dự báo trong tháng 7, công ty Cổ phần Địa ốc ACB sẽ lập tiếp một sàn giao dịch dự án bất động sản tại 29 Nguyễn Đình Chiểu, Q1 – TPHCM.

Gần 30 doanh nghiệp Malaysia cũng sẽ đến tìm hiểu thị trường bất động sản Việt Nam vào cuối tháng 7. Theo giới chuyên môn, thị trường bất động sản sẽ chưa thể phục hồi ít nhất là tới hết 2007.

Anh Nguyễn Quang Bình, vừa giải nghệ cho biết, trước đây mỗi ngày đưa đón khoảng 5 khách xem nhà. Mỗi tháng chỉ cần 2 - 3 vụ giao dịch thành công là đã có trên chục triệu đồng. Tuy vậy, nửa năm nay anh buộc phải tạm ngưng hoạt động vì mỗi tháng mất đến gần chục triệu thuê văn phòng và trả lương nhân viên. Anh Bình cho biết, chưa có gì khả quan và có thể sẽ còn khó khăn hơn ngay cả khi Luật nhà ở có hiệu lực.

Trong những ngày gần đây, nhiều người càng tỏ ra lo ngại khi mua nhà chung cư vì ngày càng phát sinh nhiều chi phí, chưa kể vấn đề chất lượng, dịch vụ quản lý, hạ tầng thiếu đồng bộ và mất cân đối do chủ đầu tư không đầu tư đầy đủ.

Cơ quan quản lý bó tay?

Tuy vậy các chính sách về đất đai vẫn ngày càng phức tạp và rối như tơ vò khiến các nhà kinh doanh bất động sản không khỏi lo ngại và thị trường cũng theo đó mà bị ảnh hưởng không ít.

Một số doanh nghiệp cho biết, thuế trước bạ vẫn là 5%. Trong khi giá đất đã điều chỉnh tăng khiến tiền phải nộp cũng tăng vọt. Bên cạnh đó, Nghị định 181 quy định, thu tiền chuyển quyền sử dụng đất bằng tới 50% giá trị tiền đất cũng rất bất hợp lý vì nhiều diện tích đất thổ cư, nay tách ra để xây nhà cũng phải nộp thêm tới 50% giá đất.

Với vấn đề quản lý đất đai đô thị, nhà đất, công sở..., hiện nay cũng mỗi nơi mỗi kiểu. Các Bộ, ngành và nhiều ý kiến từ phía cơ quan chuyên môn vẫn không tìm được tiếng nói chung, mỗi bộ, mỗi ngành lại có phương pháp và tìm cách quản lý mỗi kiểu từ sổ đỏ tới sổ hồng.

Bộ Tài nguyên Môi trường thì tìm cách đẩy nhanh việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, còn Bộ Xây dựng cũng sẽ cấp Giấy chứng nhận sở hữu nhà khi Luật nhà ở có hiệu lực. Quá nhiều giấy tờ, quá nhiều thủ tục là ý kiến của số đông hiện nay.

Theo Diễn đàn Doanh nghiệp

MỚI - NÓNG