>> Tăng cường 'bơm' ngoại tệ ra thị trường
>> Giá vàng bùng nổ, vượt 34 triệu đồng/lượng
>> Đuổi theo giá đô la...
Ngay sau khi có thông tin Chính phủ bơm ngoại tệ, giá USD đã có biểu hiện giảm nhiệt . Ảnh: Hồng Vĩnh |
Còn tại thị trường TPHCM, giá USD tự do giảm với tốc độ nhanh hơn, còn 20.600 đồng/USD (mua vào) và 20.750 đồng/USD (bán ra).
“Không điều chỉnh tỷ giá ít nhất từ nay đến Tết; không yêu cầu ngân hàng hạ lãi suất VND mà sẽ huy động và cho vay theo tín hiệu thị trường; không tăng lãi suất USD hay đẩy mạnh cho doanh nghiệp vay ngoại tệ...” - Thông tin này được Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia Lê Đức Thúy, công bố sáng qua, sau khi thường trực Chính phủ họp bàn tối 3-11.
Theo ông Thuý, để giải quyết cấp bách vấn đề cung ngoại tệ, Ngân hàng nhà nước (NHNN) sẽ can thiệp bán ngoại tệ cho các ngân hàng thương mại, để bán cho các doanh nghiệp có nhu cầu như doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, phân bón, nhập khẩu thiết bị sản xuất..
“Tình hình kinh tế vỹ mô của đất nước đang sáng sủa; Nhập siêu cả năm nhiều nhất cũng chỉ 12,5 tỷ USD; xuất khẩu tăng 23% so với mục tiêu 18% đề ra trước đó; Lạm phát sẽ kiểm soát ở mức 8,5%...Thường trực Chính phủ nhận định không có lý do gì để điều chỉnh tỷ giá ít nhất là cho đến hết năm, thậm chí là đến Tết” - Ông Lê Đức Thuý nói.
Ông Lê Đức Thúy. |
Điều hành méo mó
Tại sao lại có nghịch lý đồng USD tăng giá so với VND trong khi toàn cầu dự báo USD sẽ mất giá 20% khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát hành thêm tiền (tại các nước có lạm phát cao như Ấn Độ, đồng rupi cũng lên giá)? Theo ông Lê Đức Thuý, nguyên nhân là điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua méo mó, tác động đến cách hành xử của người dân với VND, mà cụ thể ở đây là lãi suất.
“Đầu năm, do lãi suất USD thấp hơn VND, nên rất nhiều DN dù không có nhu cầu sử dụng ngoại tệ vẫn vay USD rồi sau đó đem bán lại trên thị trường. Chính điều này đã tạo nguồn cung ảo cho thị trường, dẫn đến có thời điểm giá USD tự do thấp hơn giá USD các Ngân hàng thương mại (NHTM) bán.
Trong khi đó, dịp cuối năm, đáo hạn vay trả nợ thì nguồn cung dần cạn kiệt trong khi nhu cầu mua của DN tăng. Dẫn đến sự mất cân đối cung- cầu trên thị trường ngoại tệ.
Bên cạnh đó, việc yêu cầu các ngân hàng giảm lãi suất VND (theo hướng vào 10 ra 12%) cùng với những dự báo về lạm phát có thể lên đến 8% đã làm giảm uy tín VND. Chưa kể, đến ngày 14-10, tín dụng bằng USD tăng 52% trong khi tín dụng bằng VND chỉ tăng 14,6%. Quy mô giao dịch ngoại tệ giảm, trạng thái ngoại hối các NHTM cũng giảm, xu hướng các ngân hàng không còn dư thừa ngoại tệ.
Những tác động đó cùng tác động của giá vàng đã khiến tỷ giá tăng. Và chính điều này càng thúc đẩy doanh nghiệp và dân tích trữ ngoại tệ”- Ông Thuý nói.
Thả nổi lãi suất VND
Ông Lê Đức Thuý cho biết: Tháng 9-2010, NHNN mua dự trữ tăng được hơn 300 triệu USD, tháng 10 bán 200 triệu USD can thiệp thị trường. Thời gian tới, sẽ đẩy mạnh cung ngoại tệ cho các hoạt động kinh tế cần thiết.
Ngày 4-11, Thống đốc NHNN đã ra Chỉ thị số 04 nhằm đảm bảo việc điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Theo đó, ngoài tăng cường huy động vốn, kiểm soát chặt chẽ các khoản cho vay để kinh doanh chứng khoán, kinh doanh bất động sản và tiêu dùng, tổ chức tín dụng phải đáp ứng các nhu cầu vay vốn có hiệu quả cho sản xuất nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhu cầu vốn để cung ứng hàng hoá và dịch vụ thiết yếu phục vụ cho sản xuất, tiêu dùng trong những tháng cuối năm 2010 và đầu năm 2011... |
Không tiết lộ con số dự trữ ngoại tệ (lượng dự trữ tương đương 6-7 tuần nhập khẩu), nhưng ông Thuý khẳng định, lượng dự trữ hiện nay thừa sức để ổn định thị trường. “Còn việc tỷ giá tự do vượt cao hơn chính thức 1-2% theo tôi là hoàn toàn bình thường. Thời tôi làm Thống đốc NHNN, nếu như thế có thể kê cao gối ngủ” - Ông Thuý nói.
Cũng theo ông Thuý, thường trực Chính phủ cũng quyết định không yêu cầu ngân hàng hạ lãi suất VND xuống 10% (huy động) và 12%/năm (cho vay) như trước đây nữa. NHNN phải để các NHTM huy động và cho vay theo thị trường, không áp đặt các tổ chức tín dụng về mức huy động và lãi suất cho vay nữa.
“Tuy nhiên, để mức lãi suất VND không tác động đến lạm phát, mức huy động chỉ nên dừng ở 12,5-13%/năm và cho vay thì ở mức 16-17% là hợp lý” - Ông Thuý nói.
Ngoài ra, các NHTM không được tăng lãi suất đồng USD, giảm cho vay ngoại tệ. Liên quan đến thị trường vàng, theo số liệu của Hội đồng vàng thế giới, hiện có khoảng 1.000 tấn vàng đang nằm trong dân tương đương 40 tỷ USD. Đây là một lượng vốn rất lớn, Chính phủ đang yêu cầu các cơ quan chức năng, nghiên cứu, đề xuất giải pháp dài hạn để có thể huy động nguồn vốn này đưa vào nền kinh tế.
Trao đổi với Tiền Phong, TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương, cho rằng đã đến lúc mỗi người dân nên nhìn nhận lại cách đầu tư của mình. Cơn sốt tỷ giá lần này, theo ông nguyên nhấn chính vẫn đến từ việc người ta coi vàng là kênh đầu tư và kỳ vọng sẽ thu được lợi nhuận thông qua việc găm, dự trữ, chính điều đó đã đẩy nhu cầu về vàng, USD tăng đột biến.
USD hạ nhiệt, vàng tăng nhẹ Ngay sau khi có tin Chính phủ ra quyết định bơm ngoại tệ để hạ sốt tỷ giá chợ đen, hôm qua, giá USD hạ nhiệt. Chiều 4-11, giá USD tự do tại Hà Nội từ 21.000 đồng/USD giảm về mức 20.950 đồng/USD (bán ra). Tại thị trường TPHCM, giá USD tự do giảm với tốc độ nhanh hơn, còn 20.600 đồng USD (mua vào) và 20.750 đồng (bán ra). Tuy nhiên, giá vàng tăng nhẹ, vàng SJC là 34,08 triệu đồng/lượng (mua vào) và 34,18 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 30 ngàn đồng/lượng. * Theo số liệu của NHNN, chỉ trong 15 ngày đầu tháng 10 so với cuối tháng 9, tiền tiết kiệm VND của người dân giảm 45.000 tỷ đồng, mà theo các ngân hàng chủ yếu rút ra để mua USD và vàng. |