Đại tu con tàu vỡ

Đại tu con tàu vỡ
TP - Tái thiết Vinashin theo hướng thu gọn, Chủ nhiệm, Bộ trưởng VPCP Nguyễn Xuân Phúc cho biết như vậy tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ, chiều qua (4-8).

>> Bắt tạm giam nguyên Chủ tịch HĐQT Vinashin

>> Vinashin: Hải trình đứt gãy

>> Vinashin chưa tuột khỏi tay chúng ta

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, tập đoàn Vinashin (VNS) bước đầu đã hình thành được cơ sở vật chất kỹ thuật quan trọng và khá đồng bộ của ngành công nghiệp đóng tàu biển với 28 nhà máy với trình độ công nghệ tiên tiến, sản phẩm tàu biển được thế giới công nhận, tốc độ tăng trưởng giai đoạn 1996-2007 đạt 35-40%, doanh thu thuần năm 2008 đạt gần 29 ngàn tỷ đồng.

Quản lý sơ hở

Bước sang 2008 do khủng hoảng kinh tế cùng những dự báo không chính xác đã khiến VNS thêm khó khăn. Các dự án đầu tư của VNS quá dàn trải, dẫn đến vượt khả năng cân đối tài chính, có dự án chưa thật cần thiết, nhiều dự án chỉ được phân bổ vốn chưa đến 50% tổng mức đầu tư, có dự án đầu tư bằng 100% vốn vay. Hầu hết các dự án đầu tư đều triển khai dở dang, như các dự án giải phóng mặt bằng khu công nghiệp, đóng tàu xuất khẩu... chưa đưa vào sử dụng vẫn phải trả lãi.

Đầu tư phát triển đội tàu trong đó có nhiều tàu mua của nước ngoài quá cũ, hoạt động kém hiệu quả; đầu tư ra ngoài ngành sản xuất kinh doanh chính, phải vay nợ mới để trả nợ cũ, vay ngắn hạn trả dài hạn thậm chí lấy vốn lưu động để chi đầu tư.

Đến tháng 6-2010, tổng tài sản của VNS khoảng 104.000 tỷ đồng nhưng số nợ đã lên tới 86.000 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu gần 11 lần, mất cân đối tài chính nghiêm trọng, đứng trước nguy cơ phá sản, sản xuất đình đốn, công nhân chuyển việc, bỏ việc gần 17.000 người, mất việc gần 5.000 người.

Chính phủ khẳng định những yếu kém, sai phạm nghiêm trọng của lãnh đạo Tập đoàn VNS là nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu đẩy VNS đến tình cảnh hiện nay. Việc quản lý đầu tư, tài chính lỏng lẻo, trái quy định pháp luật; báo cáo không đúng thực trạng về sử dụng vốn: năm 2009 và quí 1/2010 thua lỗ nhưng vẫn báo cáo có lãi.

“Khuyết điểm này của lãnh đạo, trước hết của người đứng đầu tập đoàn làm cho cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ sở hữu cấp trên không nắm đúng thực trạng nên chỉ đạo không kịp thời, đầy đủ”- Ông Phúc nói.

Chính phủ cũng thừa nhận, việc quản lý nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu của Chính phủ đối với DNNN, tập đoàn kinh tế nói chung và VNS nói riêng còn nhiều bất cập, kém hiệu quả. Thể chế, cơ chế thực hiện quyền và trách nhiệm của chủ sở hữu chưa đủ rõ, còn sơ hở. Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho DNNN, tập đoàn kinh tế là cần thiết, nhưng thể chế, cơ chế thẩm định, kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán, quản lý tài chính nội bộ còn kém hiệu quả.

Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền, từ năm 2005 đến nay có tất cả 13 cuộc thanh tra, kiểm tra, kiểm toán và cả giám sát của Quốc hội đối với Tập đoàn VNS.

Công tác thanh, kiểm tra rất thường xuyên chứ không xao nhãng, và cũng phát hiện được một số vi phạm, tuy nhiên chưa xử lý được. Đầu 2010, khi Ủy ban Kiểm tra T.Ư vào cuộc đã phát hiện thêm nhiều vi phạm và hiện nay Thanh tra Chính phủ đang tiến hành thanh tra toàn diện về sai phạm ở tập đoàn này.

Tái cơ cấu toàn diện

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, ngay từ năm 2006, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo kiểm tra, giám sát việc huy động, sử dụng vốn của tập đoàn VNS, yêu cầu cắt giảm từ gần 200 dự án còn 13 dự án vào năm 2010.

Chính phủ chủ trương tái cơ cấu toàn diện với sự hỗ trợ trực tiếp, mạnh mẽ từ kinh tế nhà nước và các định chế tài chính tín dụng để duy trì và từng bước ổn định, phát triển VNS với hiệu quả trả được nợ ngày càng cao: trả được nợ, thu hồi được vốn và làm được vai trò nòng cốt của ngành đóng tàu biển; với mục tiêu ít thiệt hại nhất và có lợi nhất về kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.

VNS sẽ được tái cơ cấu theo hướng thu hẹp ngành nghề, chỉ còn tập trung vào đóng, sửa chữa và các ngành phụ trợ đóng tàu; bỏ chức năng vận tải biển. Dự báo đến 2013-2014 bắt đầu có lãi, và sau 2015 phát triển ổn định. Đó là một VNS mới không còn đa ngành như trước.

Nhà nước sẽ cấp đủ vốn điều lệ từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp DN, bằng các nguồn tài chính thích hợp cho VNS vay để trả nợ nước ngoài đến hạn, cơ cấu lại nợ tín dụng, hoàn thành các dự án dở dang, các con tàu đang đóng để đưa vào sử dụng, bán và hoàn trả vốn vay. Chính phủ sẽ thành lập Ban chỉ đạo do Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách cùng các bộ ngành để xử lý các vấn đề về tái thiết VNS.

Liên quan đến xử lý vi phạm, ông Phúc cho biết các cá nhân vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của Đảng và pháp luật.

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
Hoa hậu Việt Nam 2024 toàn diện về nhan sắc, văn hóa, trí tuệ và sự cống hiến
TPO - Nhà báo Phùng Công Sưởng - Tổng Biên tập báo Tiền Phong, Trưởng Ban tổ chức cuộc thi Hoa hậu Việt Nam năm 2024 - cho biết: "Với bốn trụ cột Nhan sắc - Văn hóa - Trí tuệ - Cống hiến, cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2024 hướng tới tìm kiếm những đại diện xuất sắc, hội tụ vẻ đẹp toàn diện về nhan sắc, trí tuệ, nền tảng văn hóa, tâm hồn và bản lĩnh”.