>> Bài 1 : Công nghiệp không khói nhả khói
>> Bài 2: Tiếng than trên vùng nuôi tôm công nghiệp
Nhà máy Thép POSCO (Tân Thành BR-VT) phải tiết giảm điện, khiến DN thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Ảnh: Phạm Hùng . |
Ngồi trên lửa
Hai tháng nay, lãnh đạo Khu công nghiệp luyện kim Vạn Lợi (ở xã An Hồng, An Dương, Hải Phòng) như ngồi trên đống lửa. Ông Đinh Trường Sơn, Phó TGĐ Cty Cổ phần Thép Vạn Lợi nói: “Vì thiếu điện, suốt hai tháng nay nhà máy chỉ hoạt động khoảng 30% công suất, sản phẩm làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu của khách.
Nhiều hợp đồng với khách hàng chúng tôi phải hủy, chấp nhận bị phạt, mất cả uy tín. Điện liên tục bị cắt, ngắn thì 3 đến 4 ngày, dài nhất đến 16 ngày. Trong khi đó, DN vẫn phải trả lãi ngân hàng, khấu hao tài sản cố định. Tính ra gần 1.000 công nhân của doanh nghiệp này một tháng chỉ làm việc có 10 ngày vì mất điện. Tổng thiệt hại do bị cúp điện, khoảng hơn 30 tỷ đồng”.
Ông Đàm Quốc Vinh, Phó TGĐ Cty Cổ phần Thép Cửu Long Vinashin (Quán Toan, Hồng Bàng, Hải Phòng) lắc đầu ngán ngẩm: “Nhà máy của chúng tôi những ngày cao điểm của tháng 5 và 6 bị cúp điện, chỉ chạy được hơn 30% công suất. Các hợp đồng đã ký với khách hàng đành khất, hơn 1.500 công nhân liên tục phải nghỉ việc, ảnh hưởng đến cuộc gia đình họ. Tổng thiệt hại đối với doanh nghiệp chúng tôi trong đợt mất điện liên tục này lên đến hơn 50 tỷ đồng. Doanh nghiệp phải chịu thôi, biết kêu ai bây giờ...”.
Còn ông Huỳnh Tấn Hoàng - Giám đốc kỹ thuật Cty Thép TVP (Long An) than phiền việc cắt điện đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động sản xuất của công ty. Ông Hoàng tính toán: “Cty có 4 xưởng sản xuất tôn định hình, mỗi lần cúp điện, một xưởng sẽ có khoảng 100 m tôn bị hỏng và khi đổi nguồn điện cũng mất chừng ấy sản phẩm bị hỏng. Vị chi, mỗi lần cúp, đổi nguồn điện sẽ bị thiệt hại khoảng 16 triệu đồng/phân xưởng. Kế hoạch giao hàng cũng bị chậm tiến độ từ 2 đến 3 tháng. Việc trang bị máy phát đủ để phục vụ tất cả các khâu sản xuất là một khó khăn không nhỏ vì đầu tư lớn. Trong khi đó, việc phát điện bằng máy phát đã khiến cho chi phí tăng gấp 2,5 lần so với sử dụng điện lưới quốc gia. Nên bị cúp điện, các doanh nghiệp sản xuất thép, tôn gần như không có lời...” .
Ông Cao Hoàng Phát - Phó giám đốc Cty Thiết bị điện (THIBIDI) chuyên sản xuất máy biến thế tại Khu công nghiệp Biên Hòa 1 (Đồng Nai) cho biết, việc cúp điện đã ảnh hưởng lớn đến sản xuất của đơn vị. Chẳng hạn, công đoạn ủ, sấy máy biến thế đòi hỏi phải làm trong 2 ngày liên tục nên nếu cúp điện 1 ngày thì cũng xem như mất một mẻ sấy (2 ngày). Trong khi mỗi tuần bị cúp điện 2 ngày, Cty mất đến 4 ngày ngưng công đoạn sấy máy. Mỗi mẻ sấy gồm khoảng 50 máy 1 pha, 20 máy 3 pha. Do vậy, thay vì mỗi tháng sản xuất 400 máy 3 pha thì khi bị cúp điện chỉ còn được 350 máy, tức sản lượng của công ty bị giảm sút khoảng 20%”.
Trong một cuộc họp với các doanh nghiệp có sản lượng tiêu thụ điện lớn trên địa bàn TP. Vũng Tàu, lãnh đạo Sở Công Thương BR-VT bày tỏ lo ngại về khả năng khó bảo đảm chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu trong quý II-2010 và cả năm. Từ tháng 5 tới hết tháng 6-2010, do thiếu điện, các đơn vị sản xuất kinh doanh trong các KCN tập trung tại BR-VT áp dụng hai phương thức: tự tiết giảm 2 ngày/tuần và thỏa thuận chấp nhận bị cắt điện 2 ngày/tuần. Các nhà máy thép tự tiết giảm 2 ngày/tuần.
Điện lực BR-VT lấy mức tiêu thụ điện tháng 3-2010 làm chuẩn đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục tiết giảm khiến các doanh nghiệp than trời. Hầu hết các doanh nghiệp đều nỗ lực tìm giải pháp tự tiết giảm điện, tuy nhiên đa số đều khẳng định nếu ngành điện tiếp tục hạ chỉ tiêu sản lượng tiêu thụ xuống thì họ không thể tiết giảm được thêm nữa.
Viễn thông cũng méo mặt
Ngành Viễn thông cũng gặp khó vì chi phí tăng cao do phải chạy máy phát cho các trạm phát sóng. Mỗi khi cúp điện, hàng trăm trạm phát sóng của Viettel tại BR-VT phải sử dụng máy phát điện. Nhân viên Viettel nháo nhào chở máy phát rải khắp các trạm phát sóng bị cúp điện. Tới hôm sau, các trạm này có điện thì nhân viên lại phải nháo nhào chở máy phát đến khu vực khác bị cúp.
Các doanh nghiệp may mặc, da giày xuất khảu tại BR-VT cũng bị thiệt hại nặng vì phải chạy máy phát điện bằng dầu diesel để sản xuất. Đại diện Công ty Giày xuất khẩu Uy Việt TP Vũng Tàu cho biết: “Mỗi ngày chạy máy phát tốn khoảng 50 triệu đồng. Trong thời buổi cạnh tranh phải hạ giá thành sản phẩm, nay chi phí tăng cao chúng tôi vẫn cắn răng chịu, vì nếu không sẽ bị phạt hợp đồng, do không giao hàng đúng hẹn”.
(Còn nữa)