Tập đoàn Dầu khí Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển thành Cty TNHH một thành viên ngày 18 -6 -2010 (trong ảnh: Nhà máy lọc dầu Dung Quất). |
Phóng viên Tiền Phong phỏng vấn ông Trần Hữu Huỳnh - Trưởng Ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
Ông Huỳnh cho biết: Luật Doanh nghiệp quy định việc chuyển đổi DNNN chậm nhất trong thời hạn 4 năm kể từ ngày luật này có hiệu lực (1-7-2006). Theo đó, DNNN phải chuyển đổi thành Cty TNHH hoặc Cty cổ phần. Luật đã cho thời hạn tới 4 năm để chuyển đổi, lẽ ra phải ban hành nghị định hướng dẫn việc chuyển đổi sớm, nhưng mãi sau này mới ban hành dẫn đến tình trạng dồn toa như hiện nay.
Đứng ngoài luật
Theo ông, sau ngày 1-7, với DNNN chưa chuyển đổi sang Cty TNHH một thành viên, hậu quả pháp lý sẽ thế nào, hoạt động của DNNN chịu sự điều chỉnh của luật gì?
Đáng lẽ quy trình chuyển đổi phải được làm sớm, chứ tình trạng dồn toa, cùng một lúc tháo khoán như bây giờ sẽ dẫn đến nhiều rủi ro. Việc thực thi một quyết định hành chính đồng loạt như vậy là chưa chủ động thực thi Luật Doanh nghiệp.
Vậy nên, nay những doanh nghiệp không chuyển đổi được từ ngày 1-7, là vi phạm luật vì không thực hiện nghĩa vụ bắt buộc do luật quy định. Luật Doanh nghiệp chỉ điều chỉnh các doanh nghiệp đã chuyển đổi. Cho nên, với những doanh nghiệp chưa chuyển đổi thì hiện nay không có luật để điều chỉnh về thành lập, tổ chức, hoạt động...
Như vậy sẽ có hàng chục DN hoạt động ngoài luật, nên rủi ro sẽ rất lớn, thưa ông?
Ông Trần Hữu Huỳnh. |
Đúng vậy. Rủi ro thứ nhất là bây giờ, chủ sở hữu căn cứ vào luật nào để điều chỉnh mối quan hệ với các DNNN. Rủi ro thứ hai là các DNNN chưa chuyển đổi, trong nội bộ cơ cấu quản lý điều hành của nó sẽ phải hoạt động theo luật nào?
Có người bảo hoạt động theo điều lệ, nhưng điều lệ bao giờ cũng phải được xây dựng trên cơ sở luật gốc. Ví dụ, các Cty TNHH một thành viên hiện nay xây dựng điều lệ của doanh nghiệp liên doanh phải căn cứ theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
Rủi ro thứ ba là mối quan hệ giữa doanh nghiệp với các đối tác bên ngoài, bao gồm các đối tác làm ăn, người tiêu dùng (nếu có hoạt động mua bán hàng hoá dịch vụ), các mối quan hệ khác với cơ quan nhà nước (thuế, môi trường...). Ngay như việc ký kết hợp đồng, anh dựa vào địa vị pháp lý nào để ký kết và địa vị đó dựa vào luật nào?
Triệt tiêu can thiệp hành chính
Thưa ông, việc DNNN chuyển đổi thành Cty TNHH một thành viên có ý nghĩa như thế nào so với DNNN trước đây?
Trong Luật Doanh nghiệp quy định trách nhiệm pháp lý của Cty TNHH một thành viên tương đối cụ thể. Nó là một pháp nhân, độc lập với chủ sở hữu. Nó chịu trách nhiệm về các khoản nợ của Cty TNHH một thành viên bằng vốn điều lệ của mình.
Sau này, trong các vấn đề (khoanh nợ, giãn nợ, bơm thêm vốn, các hình thức khác...) nhà nước không thể can thiệp bằng các quyết định hành chính trực tiếp, mà việc đó do hội đồng thành viên doanh nghiệp quyết định.
Từ nay, với một sân chơi chung là Luật Doanh nghiệp, sẽ dần xoá đi quan niệm làm ăn với DNNN đáng tin hơn các loại hình doanh nghiệp khác. Uy tín của DN có được bằng chính thực lực của nó, chứ không phải bằng những niềm tin không dựa trên căn cứ pháp lý như lâu nay. |
Quá trình chuyển đổi DNNN sang Cty TNHH một thành viên có thể hiểu là một quá trình Cty hóa. Nói chính xác về mặt pháp lý là nó mới thực sự là một Cty.
Và khi nó thực sự là một Cty thì việc quản trị nội bộ trong Cty phải tuân thủ theo Luật DN và điều lệ được lập phù hợp với Luật DN.
Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, việc chuyển đổi dồn dập này dẫn tới tình trạng “bình mới rượu cũ”?
Dù chưa có thống kê nhưng việc chuyển DNNN sang Cty TNHH một thành viên thực tế cho thấy một số doanh nghiệp đã hoạt động có hiệu quả hơn. Nếu chuyển đổi có sự chuẩn bị thì chúng ta rất chủ động trong việc sắp xếp, chọn được người giỏi. Còn hiện nay quá cập rập. Và giục tốc bất đạt. Dù bộ khung quản trị tốt nhưng nếu không được thực hành bởi những con người có chọn lọc, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì khó thành công.
Ngoài ra việc thay tên đổi họ có giúp DNNN mạnh hơn không còn tuỳ thuộc vào việc chủ sở hữu có nâng cao được năng lực giám sát, có kiểm tra hoạt động theo đúng tinh thần của một người chủ sở hữu hay không. Nếu chủ sở hữu không nâng cao năng lực của chính mình, không tái cơ cấu, tổ chức lại cho chuyên nghiệp mà vẫn nặng về hành chính thì chỉ gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Cảm ơn ông
Phong Cầm (thực hiện)
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định chuyển Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thành Cty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu. Theo đó, tại thời điểm chuyển đổi, vốn điều lệ của SCIC là 19 nghìn tỷ đồng. SCIC kinh doanh trong 4 ngành, nghề chính gồm: Đầu tư và quản lý vốn đầu tư; tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp; quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp; thực hiện nhiệm vụ hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh vốn. |