Ba trạm nghỉ 40 tỷ đồng: Thành chùa Bà Đanh

Trạm nghỉ Mường Khến (Hòa Bình) được đầu tư khá bài bản nhưng hầu như không có xe dừng nghỉ. Ảnh: Trần Võ
Trạm nghỉ Mường Khến (Hòa Bình) được đầu tư khá bài bản nhưng hầu như không có xe dừng nghỉ. Ảnh: Trần Võ
TP - Hơn 40 tỷ đồng đầu tư xây dựng thí điểm ba trạm nghỉ, nhưng đến nay các trạm nghỉ này đang trong cảnh "vắng như chùa Bà Đanh" do các xe khách không mặn mà ghé thăm.
Trạm nghỉ Mường Khến (Hòa Bình) được đầu tư khá bài bản nhưng hầu như không có xe dừng nghỉ. Ảnh: Trần Võ
Trạm nghỉ Mường Khến (Hòa Bình) được đầu tư khá bài bản nhưng
hầu như không có xe dừng nghỉ. Ảnh: Trần Võ .


Khách thờ ơ

Trong khi các trạm nghỉ, nhà hàng tư nhân hoạt động khá sôi động trên các tuyến quốc lộ thì các trạm nghỉ do Nhà nước đầu tư 40 tỷ đồng (trong đó Nhật Bản viện trợ không hoàn lại 250.000 USD/trạm) lại vắng lạ thường.

Đầu năm 2009, ba trạm nghỉ đường bộ chính thức được đưa vào sử dụng là trạm nghỉ Mường Khến (Hòa Bình), Ninh Bình (thị xã Ninh Bình) và Song Khê (Bắc Giang) với mục tiêu bảo đảm an toàn giao thông, hạn chế tình trạng cơm tù, cơm nhốt gây bức xúc dư luận thời gian qua. Theo tính toán, mỗi trạm nghỉ như vậy có thể cùng lúc đáp ứng nhu cầu nghỉ ngơi, ăn uống của hàng trăm hành khách.

Tuy nhiên, những trạm nghỉ đường bộ này lại không thu hút được xe khách và hành khách. Ông Lại Thanh Sơn - Giám đốc Sở GTVT Bắc Giang cho biết: Trạm Song Khê được xây tại Km120 thuộc QL1A qua Bắc Giang được UBND tỉnh giao cho Cty Bắc Hà khai thác. Đây là trạm nghỉ được đầu tư khoảng 20 tỷ đồng xây dựng. Ngoài chức năng cung cấp miễn phí các dịch vụ nghỉ ngơi, thư giãn, vệ sinh cho lái xe, hành khách, trạm nghỉ còn cung cấp các dịch vụ về du lịch, giao thông và đặc sản địa phương.

Tuy nhiên, theo ông Sơn, những ngày đầu đưa vào khai thác, xe khách gần như thờ ơ với trạm nghỉ này. Sau một thời gian tuyên truyền, vận động, đến nay trạm nghỉ đạt khoảng 40 xe/ngày với khoảng 250 khách vào trạm, doanh thu 12 triệu đồng/ngày.

Chiều 25-5, có mặt tại trạm nghỉ Song Khê, chúng tôi thấy một không khí vắng vẻ. Trong bãi xe khá rộng trước khuôn viên của trạm nghỉ chỉ có hai chiếc xe con của khách đỗ trước cửa để khách vào nhà hàng ăn uống, giải trí. Trong gian trưng bày sản phẩm và dịch vụ, chúng tôi cũng chứng kiến sự vắng vẻ đến lạ thường. Có lẽ khách ghé vào đây chỉ để ăn uống và giải trí tại nhà hàng của Cty Bắc Hà nằm ngay cạnh và tiện cho việc làm bãi đỗ xe của nhà hàng dù đó không phải là mục đích để xây dựng các trạm nghỉ đường bộ.

Trạm nghỉ Ninh Bình tại Km267 QL 1A gần như bất động. Xây được trạm nghỉ này, Nhà nước tốn 13,5 tỷ đồng. Trạm được giao cho Xí nghiệp Bến xe khách Ninh Bình quản lý. Đáng lẽ nằm tại một vị trí có lưu lượng phương tiện qua lại lớn như vậy, trạm nghỉ này phải thu hút được nhiều xe khách. Tuy nhiên, theo báo cáo của trạm, lưu lượng bình quân chỉ đạt khoảng 20 xe với khoảng 300 khách/ngày đêm, trạm đạt doanh thu khoảng 5 triệu đồng/tháng. Thực tế mỗi tháng hoạt động, trạm này phải bù lỗ nhiều triệu đồng.

Èo uột hơn là tại trạm dừng nghỉ Mường Khến (Hòa Bình) tại km101 trên QL6. Trạm này tốn gần 10 tỷ đồng tiền đầu tư, được đưa vào khai thác cách đây 1 năm nhưng đến nay mỗi ngày cũng chỉ có hơn 10 xe ghé thăm, khiến việc duy trì hoạt động và tổ chức công việc cho 13 cán bộ, nhân viên tại trạm nghỉ gặp nhiều khó khăn...

Một trạm dừng chân tư nhân trên Quốc lộ 1A, đoạn Hà Nội - Ninh Bình. Ảnh: Phạm Yên
Một trạm dừng chân tư nhân trên Quốc lộ 1A, đoạn Hà Nội - Ninh Bình.
Ảnh: Phạm Yên.


Đơn điệu

Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ xe khách không mặn mà với trạm nghỉ xây bằng tiền thuế của dân vì vị trí xây dựng các trạm nghỉ thí điểm hiện nay không thật sự phù hợp với lộ trình, thời gian chạy xe của khách đường dài. Hà Nội đóng vai trò trung tâm, đầu mối cho hầu hết các tuyến vận tải khách đường dài. Song khoảng cách giữa các trạm nghỉ chỉ 50 - 100km là quá gần để hành khách, lái phụ xe dừng chân nghỉ ngơi, ăn uống. Đây là lý do khiến hệ thống trạm nghỉ đường bộ đến nay "vắng như chùa Bà Đanh”.

Thực tế này đối lập với hoạt động tại các nhà hàng, trạm nghỉ tư nhân đang rất được lòng hành khách và lái xe. Một trong những lý do khiến lái xe thích đưa khách vào các nhà hàng, trạm nghỉ tư nhân là vào đó họ được ưu đãi về ăn uống, nghỉ ngơi.

Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cho rằng các trạm nghỉ đường bộ do Nhà nước đầu tư xây dựng chưa thu hút được khách là do thiết kế chưa phù hợp, hàng hóa và các dịch vụ tại đây còn đơn điệu.

Tuy nhiên, cũng theo ông Quyền, Luật Giao thông đường bộ mới đã quy định trên các tuyến quốc lộ phải có trạm nghỉ đường bộ theo quy hoạch. Vì vậy, sắp tới sẽ có thông tư hướng dẫn cụ thể về hoạt động này.

MỚI - NÓNG