Bội chi ngân sách 2009 là bao nhiêu?

Bội chi ngân sách đã vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP. Ảnh: Hồng Vĩnh
Bội chi ngân sách đã vượt xa tốc độ tăng trưởng GDP. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Những phép toán khá đơn giản, cộng trừ nhân chia, xung quanh thu chi ngân sách năm 2009. Nhưng đáp số lại không rõ ràng. Người ta không thể dứt khoát con số bội chi ngân sách năm qua!

 Thiết nghĩ, Bộ Tài chính cần công khai số liệu và giải thích rõ các khoản thu, các khoản chi để nhân dân và các Đại biểu Quốc hội được biết; và cơ quan Nhà nước nên gương mẫu chấp hành nghiêm chỉnh luật.

Cách đây một năm, tháng 4-2009, trong kỳ họp thứ 5 khóa XII, Quốc hội bàn về bội chi ngân sách 2009. Khi đó Chính phủ đề xuất bội chi ngân sách 2009 là 8% GDP. Quốc hội cho là quá cao. Rồi Quốc hội ra Nghị quyết số 32/2009/QH12 ngày 19-6-2009. Điều 2 của nghị quyết đó quy định: “...Mức bội chi ngân sách nhà nước không quá 7% GDP”. Nghị quyết cũng quy định “Chính phủ sử dụng số bội chi ngân sách Nhà nước tăng thêm chỉ để bù đắp số hụt thu, bảo đảm nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước năm 2009 đã được Quốc hội quyết định”.

Kỳ họp thứ 6 khóa XII (20-10 đến 27-11-2009), Chính phủ báo cáo thực hiện ngân sách năm 2009 và dự trù ngân sách 2010. Khi đó, tổng thu ngân sách Nhà nước cả năm 2009 dự kiến là 390,65 ngàn tỷ đồng, bội chi ngân sách ở mức 6,9% GDP, tương đương với 115,9 ngàn tỷ đồng.

Nói cách khác, theo báo cáo của Chính phủ cho Quốc hội trong kỳ họp thứ sáu, tổng chi ngân sách năm 2009 sẽ là tổng thu + tổng bội chi, tức là: 390,65 + 115,9 = 506,55 (ngàn tỷ đồng).

Theo báo cáo của Chính phủ cho UBTV Quốc hội ngày 14-4-2010 về việc thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2009, thu ngân sách vượt 51.690 tỷ đồng so với dự kiến thu đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 6. Theo nghị quyết trên, số hụt thu đã giảm, nên số bội chi ngân sách cũng phải giảm tương ứng!

Chính phủ không nói rõ khoản vượt thu này là do thu thuế, phí thêm, hay tăng thu từ vay mượn thêm. Nhưng theo Luật Ngân sách, khoản vượt thu này không thể là khoản vay thêm. Nói cách khác, đó là khoản thu thêm được từ nền kinh tế. Nếu lập luận trên là đúng, đây là một thành tích rất xuất sắc của ngành thuế.

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, giá dầu giảm mạnh khiến nguồn thu từ tài nguyên giảm, doanh nghiệp và nhân dân được miễn giảm nhiều khoản thuế nhưng, bất chấp tình hình đó, thu ngân sách 2009 vẫn vượt 13,4% so với dự toán, vượt so với báo cáo của Chính phủ tháng 10-2009 là 51,7 ngàn tỷ đồng. Đấy là một thành tích rất xuất sắc.

Như thế tổng thu ngân sách 2009 thực sự là: 390,65 + 51,69 = 442,34 (ngàn tỷ đồng).

Theo Điểm 1, Điều 59, Luật Ngân sách Nhà nước (2002), “số tăng thu và tiết kiệm chi so với dự toán được giao, được sử dụng để giảm bội chi, tăng chi trả nợ, tăng chi đầu tư phát triển, bổ sung quỹ dự trữ tài chính, tăng dự phòng ngân sách”. Nói cách khác, phần vượt thu 51,69 ngàn tỷ đồng trước hết phải được sử dụng để giảm bội chi.

Thực sự thâm hụt bao nhiêu?

Theo tinh thần đó, hãy xem thực sự thâm hụt ngân sách 2009 là bao nhiêu. Nếu so với con số tổng chi 506,55 ngàn tỷ (theo báo cáo tháng 10-2009 của Chính phủ), thì thâm hụt ngân sách thực chỉ là 506,55 - 442,34 = 64,21 (ngàn tỷ đồng) (chỉ bằng 3,82 % GDP, thấp hơn mức thâm hụt khoảng 5% GDP của nhiều năm trước).

Vậy tại sao UBTV Quốc hội, trong phiên họp ngày 14-4-2010, lại chấp thuận thâm hụt ngân sách là 6,9 % GDP?

Chỉ có thể lý giải tình hình này rằng các cơ quan Nhà nước đã chưa thực hiện nghiêm ngặt Luật Ngân sách. Vẫn còn các khoản chi trước chưa được dự trù, chưa nằm trong danh mục chi ngân sách đã được Quốc hội thông qua.

Có lẽ đúng vậy, nên Bộ trưởng Bộ Tài chính mới phải giải trình rằng mức bội chi ngân sách nhà nước 115,9 ngàn tỷ đồng (là mức mà Bộ đề xuất tương đương với 6,9% GDP để cho không vượt quá mức 7% mà Quốc hội cho phép) “khiến cân đối ngân sách trung ương năm 2009 vẫn còn thiếu và phải xử lý tiếp trong quá trình điều hành ngân sách Nhà nước năm 2010, và các năm tiếp theo”.

Thành tích vượt thu ngân sách thật đáng trân trọng và khen ngợi, nhưng việc “cân đối ngân sách trung ương năm 2009 vẫn còn thiếu” chỉ có thể lý giải rằng có các khoản đã chi rồi nhưng chưa được dự trù, chưa có nguồn, và không thể quyết toán, nên phải xin hợp thức hóa nguồn bằng cách tăng bội chi lên 6,9% GDP thay vì 3,82% GDP như tính toán ở trên.

Rốt cuộc mọi khoản chi ngân sách là chi tiền của dân (thuế, thu từ tài nguyên hay từ nợ mà các thế hệ sau phải đóng thuế để trả). Bởi vậy, minh bạch thu chi ngân sách là đòi hỏi cấp bách và chính đáng của dân và cũng đã được luật hóa.

MỚI - NÓNG
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
Miền Bắc ô nhiễm không khí đỉnh điểm
TPO - Sáng sớm nay (24/12), hầu hết các điểm đo tại Hà Nội và một số tỉnh miền Bắc đã chuyển sang ngưỡng tím – ngưỡng rất có hại cho sức khoẻ con người, cho thấy diễn biến ô nhiễm không khí ở miền Bắc rất đáng lo ngại.