Dân có quyền được biết tiền vay nợ nước ngoài

Dân có quyền được biết tiền vay nợ nước ngoài
TP - Nếu tôi không nhầm- đại đa số dân chúng mới biết một con số chấn động liên quan đến đời sống của mọi người dân: Từ 2006, mỗi năm chúng ta phải trả nợ 2 tỷ USD.

Trong bài viết “PMU 18, nhìn từ Tokyo”, đăng trên báo Tuổi trẻ mới đây GS.TS Trần Văn Thọ cho biết: Ngay từ năm 1947, chỉ 2 năm sau thảm bại vì chiến tranh, Chính phủ Nhật đã công bố cuốn Sách trắng kinh tế nói rõ tình trạng kiệt quệ của đất nước để toàn dân góp sức vào việc phục hưng đất nước.

Nhờ quản lý chặt chẽ viện trợ Mỹ, đồng thời hạn chế tiền vay nước ngoài (năm 1958, vay nhiều nhất, cũng chỉ chiếm 5% tổng vốn đầu tư), nên Nhật đã có bước phát triển thần kỳ. Chúng ta cũng từng biết không ít nền kinh tế trên thế giới sụp đổ, hoặc đất nước mất độc lập vì không còn đủ sức trả nợ nước ngoài.

Từ kinh nghiệm thành công và cả đau đớn trên thế giới, từ kiểu phung phí tiền vay nợ ở PMU18, thiết nghĩ việc công khai nợ quốc gia (nợ nước ngoài và cả những khoản “nợ xấu”, “nợ khó đòi” của các Ngân hàng quốc doanh) cần tiến hành khẩn cấp và bằng nhiều cách sinh động để vừa có tác động mạnh đến suy nghĩ mọi người, vừa có sự ràng buộc trách nhiệm, trước hết với những ai sử dụng tiền vay nợ hoặc ký cho vay.

Mọi sự thật sớm muộn cũng sẽ được biết; sự thật về các khoản nợ nếu bị bưng bít thì “lãi mẹ đẻ lãi con” sẽ ngày càng lớn thêm và nghiêm trọng hơn là tạo ra hình ảnh giả dối dẫn đến ảo tưởng về thực trạng nền kinh tế quốc gia.  

Xin thử nêu vài cách “công khai” có thể tạo ý thức nhắc nhở trách nhiệm của mọi người về những món nợ của quốc gia:

+ Định kỳ (tháng hay quý) công bố trên các báo chí tổng số nợ và nợ đã trả; số “nợ xấu” khó đòi của mỗi ngân hàng quốc doanh…; tương tự như hồi chiến tranh hàng ngày công bố số máy bay địch bị bắn rơi, chỉ khác là bây giờ người dân sẽ được khích lệ khi thấy con số nhỏ dần.

+ Trên mỗi công trình đang hoặc đã xây dựng, có bảng lớn ghi đại ý: “Đây là công trình vay nợ, mấy trăm tỷ đồng, đến năm nào phải trả. Ghi tên người ký vay nợ - tức chủ đầu tư và người giám sát công trình”.

Nếu có những tấm bảng như thế trước cổng các công trình xây xong rồi bỏ phí mà địa phương nào cũng có, hay đang hư hỏng (như cầu Văn Thánh chẳng hạn!) thì nhất định sẽ tạo dư luận thúc đẩy các cơ quan hữu trách phải xử lý những kẻ phạm tội.

+ Mỗi dự án vay vốn nước ngoài không chỉ buộc phải công khai tên chủ dự án mà buộc họ công khai tài sản khi ký dự án, vì chúng ta đều biết rất nhiều dự án thua lỗ, xí nghiệp phải tháo bỏ, nhưng người ký vay nợ vẫn ngày một giàu sang…

Tuy các vị đứng đầu ngành tài chính và ngân hàng Việt Nam từng bảo đảm là việc vay nợ vẫn trong tầm kiểm soát được, nhưng điều đó không làm giảm sự lo lắng của người dân.

Nhân dân có quyền đòi biết sự thật, nhất là những con số nợ mà có thể nhiều thế hệ nữa mới trả hết, nếu chúng ta không có biện pháp hữu hiệu ngăn chặn kiểu “đốt” tiền vay nợ như ở PMU18.                        

MỚI - NÓNG
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
‘Giá vàng’ và ‘bão Yagi’ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2024
TPO - Cốc Cốc vừa phát hành Báo cáo xu hướng tìm kiếm và lướt web 2024, nhìn lại những mối quan tâm nổi bật của người dùng Việt Nam trên internet. Theo đó, “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi” cùng từ lóng “đỉnh nóc kịch trần bay phấp phới” gây bão tìm kiếm. “Bão Yagi” và “giá vàng” dẫn đầu danh sách từ khóa nổi bật nhất.