Muối rớt giá, ai đỡ diêm dân?

Muối rớt giá, ai đỡ diêm dân?
TP - Được mùa mất giá, điệp khúc đó luôn tồn tại và đẩy người làm muối vào cảnh đánh bạc với trời.

Xoay quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Xuân, Cục trưởng Cục Chế biến, Thương mại Nông lâm Thủy sản và Nghề muối (TMNLTS&NM - Bộ NN&PTNT).

Muối rớt giá, ai đỡ diêm dân? ảnh 1
Muối đầy ruộng ở Đông Hải, Bạc Liêu - Ảnh: Gia Thọ


Thời gian qua, giá muối giảm kỷ lục, theo ông, đâu là nguyên nhân?

Hiện nay trên toàn quốc có 2.500ha muối công nghiệp (chiếm gần 18% diện tích sản xuất muối nói chung). Muối sản xuất công nghiệp có chất lượng tốt hơn nên có giá bán cao và ổn định hơn muốn sản xuất thủ công. Vì thế, người sản xuất muối thủ công gặp nhiều khó khăn, thu nhập chưa đảm bảo được lãi 30%.

Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu dẫn tới giá muối giảm trong năm nay là do muối được mùa cộng với lượng tồn năm 2009 nên rơi vào tình trạng cung lớn hơn cầu, hiển nhiên sẽ làm cho giá muối bị rớt.

Có nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm giá muối còn do lượng muối nhập khẩu tràn về đúng dịp diêm dân được mùa. Quan điểm của ông thế nào?

Vấn đề xuất nhập khẩu muối thuộc chức năng, thẩm quyền của Bộ Công Thương, tôi xin miễn bình luận.

Tuy nhiên, theo tôi trước tình hình này, các cấp ngành liên quan cần tăng cường việc kiểm tra nhập khẩu, nhập lậu muối. Vì nhập khẩu muối chính ngạch phải chịu mức thuế 50% nên việc nhập lậu muối thực sự ảnh hưởng giá muối trong nước.

Hiện nay, muối sản xuất công nghiệp trong nước đủ sức cạnh tranh với nước ngoài nhưng muối sản xuất thủ công thì không đủ sức cạnh tranh. Vì thế vấn đề mấu chốt ở đây là Nhà nước cần có chính sách giúp dân sản xuất muối thủ công đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm nâng cao chất lượng muối.

Muối rớt giá, ai đỡ diêm dân? ảnh 2
Diêm dân đang khốn đốn vì muối rớt giá


Thực tế, Nhà nước có biện pháp cụ thể giúp diêm dân?

Về lĩnh vực đầu tư, phát triển diêm nghiệp, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định 161 vào năm 2007, trong đó đã hoạch định những chỉ tiêu cho năm 2010 và 2020.

Đến nay, việc thực hiện đã vượt chỉ tiêu đề ra (chỉ tiêu năm 2010 đạt 15.000ha, năm 2009 đã đạt 14.500ha thì hết năm 2010 chắc chắn không những đạt mà vượt chỉ tiêu).

Tuy nhiên, cũng trong quy hoạch 161, đề ra diện tích muối công nghiệp phải đạt 6.000ha thì hết năm 2009 chỉ đạt 2.500ha do mức độ đầu tư vốn, nguồn lực cho muối công nghiệp chưa đáp ứng được, hết năm 2010 có thể đạt được chỉ tiêu nếu được đầu tư nhiều hơn.

Quy hoạch 161 đề ra năm 2015 cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất, tiêu dùng trong nước. Năm 2020 hướng khuyến khích xuất khẩu. Thực tế, năm 2009 chúng ta đã xuất khẩu muối sang Nhật Bản được trên 500.000 tấn.

Theo Quyết định 161 các địa phương dùng ngân sách nhà nước cho các hoạt động đầu tư xây dựng đê bao, trạm bơm, hệ thống kênh mương, công trình giao thông, trường học, trạm xá, khu tái định cư, vốn đầu tư chế biến và tiêu thụ muối...

Trong tình hình này, ông có yêu cầu, khuyến cáo gì tới diêm dân?

Bên cạnh việc các ngành chức năng đầu tư nhiều hơn nữa cho ngành muối để giảm chi phí sản xuất nhằm nâng cao lãi suất cho bà con, bà con diêm dân nên áp dụng kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao chất lượng, sản lượng để có giá bán phù hợp, đảm bảo thu nhập.

Hiện tại chúng ta đã triển khai nhiều mô hình sản xuất muối như trải bạt trên nền ô kết tinh nhằm giảm thời gian phơi, muối có độ trắng đẹp hơn, chất lượng và sản lượng tăng.

Đối với muối phơi cát thì chuyển ô kết tinh ra giữa ruộng để giảm chi phí vận chuyển... Đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất sẽ là “phao cứu hộ” cho diêm dân lúc này.

Cảm ơn ông.

Nhật Minh
Thực hiện

Muối đầy ruộng, diêm dân chát lòng

Báo Tiền Phong số 80 có bài phản ánh về tình trạng diêm dân ở Bến Tre sản xuất muối không bán được vì rớt giá. Tình trạng này xảy ra tương tự ở Bạc Liêu.

Đến tháng 3-2010, tổng sản lượng muối đã thu hoạch của Bạc Liêu được gần 87 ngàn tấn nhưng phần lớn chưa tiêu thụ được vì giá rớt, hiếm người mua.

Dự kiến, vụ muối 2010, tỉnh Bạc Liêu đạt sản lượng trên 140 ngàn tấn. Vấn đề tiêu thụ muối cho diêm dân đang quá sức với chính quyền nơi đây.

Những ngày này, giá muối đen tại ấp Danh Điền (xã Long Điền Tây, Đông Hải, Bạc Liêu) chỉ 15- 16 ngàn đồng/giạ (năm trước giá muối đen ở mức 50 ngàn đồng/giạ), muối bạt 22 ngàn đồng/giạ nhưng không có ai mua.

Từ đầu năm đến nay, tại huyện Đông Hải, giá muối liên tục rớt. Thời điểm đầu vu, giá muối bạt từ 25 ngàn đồng đến 27 ngàn đồng đồng/giạ, muối đen 20 ngàn đồng/giạ, thì nay muối trắng chỉ còn 22 ngàn đồng/giạ, muối đen 15 - 16 ngàn đồng/giạ.

Mức giá này chỉ bằng nửa giá muối so với cùng thời điểm năm ngoái. Dù giá rớt thảm hại nhưng diêm dân vẫn không bán được muối vì hiếm người mua.

Tại huyện Đông Hải, hàng chục ngàn tấn muối chưa có người mua, muối chất đầy bờ ruộng, còn diêm dân khô mắt trông đợi người mua.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu, Phan Minh Quang cho biết: “Từ đầu tuần, sở đã có văn bản đề nghị Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương ngưng nhập muối. Đồng thời đề nghị các Cty mua muối dự trữ cho diêm dân.

Tỉnh cũng đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng kho dự trữ muối (15 ngàn- 25 ngàn tấn) tại xã Điền Hải, huyện Đông Hải, Bạc Liêu”.

MỚI - NÓNG