Lỗ nặng nhất trong số các doanh nghiệp đã công bố kết quả kinh doanh hai quý đầu 2009 là CTCP Đầu tư & Vận tải Dầu khí Vinashin (mã chứng khoán VSP).
Sáu tháng đầu năm 2009, Vinashin lỗ hơn 200 tỷ đồng. Ba doanh nghiệp cùng ngành khác là CTCP Vận tải &Thuê Tàu biển Việt Nam (VST) và CTCP Vận tải biển Vinaship (VNA), CTCP Hàng hải Sài Gòn (SHC) cũng bị lỗ lần lượt 63,6 tỷ đồng, 15,8 tỷ đồng và hơn một tỷ đồng sau sáu tháng đầu năm.
Theo VSP, doanh nghiệp này thua lỗ chủ yếu do giá thuê tàu và giá cước vận tải biển giảm quá mạnh trong năm 2009. Việc các công ty con của Vinashin (VSP) thua lỗ nặng, nhiều dự án bị ngưng trệ, giá tàu xuống thảm hại cũng góp phần đưa VSP lên đầu bảng lỗ trong thời điểm này.
Đáng ngại hơn cả là mục tiêu đạt lợi nhuận năm 2009 lên tới 150 tỷ đồng của doanh nghiệp có thể không đạt được khi mà nợ dài hạn VSP đang mắc lên đến 1.600 tỷ đồng. Lý do lỗ của VST,VNA, SHC cũng không khác mấy so với VSP.
Tuy nhiên VNA còn có lãi trong quý 1 và VST đã giảm khoản lỗ quý 2 xuống còn 86 triệu đồng so với hơn 62 tỷ trong quý 1.
Một doanh nghiệp vận tải khác là Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) cũng lỗ hơn 46,7 tỷ trong quý 2 dù quý 1 lãi 19,7 tỷ đồng mà nguyên nhân chính là cước giảm và đơn đặt hàng ít.
Các doanh nghiệp thuộc nhóm ngành thủy sản cũng thua lỗ nặng trong nửa đầu năm 2009. Nguyên nhân chủ yếu là do xuất khẩu của nhóm ngành này gặp khó khăn.
Cty Nam Việt (ANV) lỗ hơn 80 tỷ đồng, Cty Thủy sản Bạc Liêu (BLF) cũng lỗ và Cty Basa (BAS) lỗ 4,85 tỷ.
Nhóm các Cty cáp và vật liệu viễn thông cũng gặp bất lợi khi CTCP Viễn thông Thăng Long (TLC) tiếp tục lỗ 3,7 tỷ đồng trong quý 2 và đây là quý thứ sáu liên tục doanh nghiệp này thua lỗ. Còn CTCP Dây và Cáp điện Taya (TYA) lỗ 9,1 tỷ đồng.
Riêng Công ty Cổ phần Cáp và Vật liệu Viễn thông (SAM) nếu không có khoản lợi nhuận hơn 170 tỷ đồng từ hoàn nhập đầu tư tài chính thì cũng gặp nhiều khó khăn do phải bán hàng dưới giá vốn hơn 61 tỷ đồng.
Cái chết báo trước và bất ngờ
Ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Nghiên cứu & Phân tích CTCK SBBS cảnh báo, nhà đầu tư nên thận trọng nếu chỉ xem xét vào tăng trưởng lợi nhuận của các công ty vì khoảng 40 phần trăm là tăng trưởng bất thường từ hoàn nhập chi phí dự phòng đầu tư tài chính và hàng tồn kho. |
Ngoài nhóm các doanh nghiệp trên, việc CTCP Tribeco (TRI) và CTCP Vitaly (VTA) tiếp tục lỗ lũy kế sáu tháng đầu năm 36,7 tỷ đồng và hơn 11 tỷ đồng được dự báo trước sau hàng loạt bê bối năm 2008.
Nhưng việc CTCP chứng khoán Hải Phòng (HPC) lại bị lỗ 15,8 tỷ đồng trong quý 2 do trích lập dự phòng, nâng mức lỗ sáu tháng lên 31,4 tỷ đồng đang bị nhiều nhà đầu tư thắc mắc.
Đầu tháng 6, HPC công bố lợi nhuận trước thuế tính đến hết tháng 5 là 7,4 tỷ đồng. Trong số ba doanh nghiệp trên, tình hình tại TRI hiện đáng lo ngại nhất vì vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đang âm hơn 41 tỷ đồng.
CTCP Bông Bạch Tuyết (BBT) có cổ phiếu đang bị ngừng giao dịch từ 3/8 với khoản lỗ và nợ hàng chục tỷ đang có nguy cơ biến mất khỏi TTCK niêm yết.
Một trường hợp cũng gây bất ngờ khác là CTCP Xây dựng và Kinh doanh địa ốc Hòa Bình (HBC)- lỗ 5,7 tỷ đồng trong quý 2/2009 do lỗ hơn 29 tỷ đồng từ chuyển nhượng đất dự án Hòa Bình Tower.