Bình luận về thông tin này, Tổng Giám đốc Hanoimilk Trần Đăng Tuấn, lắc đầu: “Không thể hiểu nổi”. Giá sữa trong nước hiện chênh lệch quá lớn so với nước ngoài. “Tôi đảm bảo, nếu tăng giá nữa, họ không thể bán được hàng bởi giá quá cao”- ông Tuấn nói.
Theo một số chuyên gia ngành sữa, việc tăng thuế nhập khẩu lúc này là động thái quá chậm. Bởi cả năm 2008, các doanh nghiệp sữa hưởng lợi từ mức thuế nhập khẩu quá thấp, dưới cả cam kết với Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Các doanh nghiệp trục lợi từ sự ưu đãi này. Giá sữa chỉ tăng và tăng trong bối cảnh nguyên liệu giảm mạnh.
Các doanh nghiệp này cho rằng, thay vì tăng thuế nên hỗ trợ nông dân nuôi bò sản xuất những sản phẩm có chất lượng, giá cạnh tranh với sữa nhập khẩu. Thực tế điều này là vô cùng khó. Các doanh nghiệp sữa, chỉ coi sữa bò tươi trong nước là đối trọng để đàm phán giá với nhà nhập khẩu.
Theo ông Nguyễn Đăng Vang, nguyên Cục trưởng Cục Chăn nuôi, sữa tươi trong nước phải chiếm 40 phần trăm tổng lượng sữa tiêu thụ thì nông dân mới đảm bảo được quyền lợi của mình. Hiện nay, rất ít doanh nghiệp tập trung vào vùng nguyên liệu trong nước.
Neslte định đầu tư hơn 20 triệu USD vào vùng nguyên liệu sữa tại Ba Vì. Nhưng vì không cạnh tranh nổi với sữa nhập, doanh nghiệp này phải ngậm đắng nuốt cay rút lui, bán lại nhà xưởng cho một công ty tư nhân.
Nói lại điều này để thấy, nếu không có một chính sách phát triển dài hạn, nhà nước luôn bị các doanh nghiệp sữa làm xiếc. Hiện giá thành sản xuất sữa nước từ sữa bò tươi của nông dân cao hơn 30% so với nhập sữa bột ngoại về làm, nhưng không có sự khác biệt về giá bán.
Chính sự nhập nhằng giữa sữa hoàn nguyên và sữa tươi trong nước mà đến 90% sữa nước trên thị trường là từ sữa bột nhập ngoại. Những sản phẩm này được các doanh nghiệp gọi là sữa công thức: Sữa bột + khoáng chất.
Giá nguyên liệu giảm - giá sản phẩm tăng
Nhiều loại sữa nước ngoài đang được bày bán tại thị trường Việt Nam. Ảnh: Phạm Yên |
Trao đổi với Tiền Phong chiều qua, Phó Tổng Giám đốc Vinamilk Trần Bảo Minh khẳng định: “Đối tượng phải giảm giá là sữa bột ngoại chứ chúng tôi không thể giảm giá”. Bởi giá sữa bột của Vinamilk không bằng một nửa so với sữa bột ngoại. Vinamilk cho rằng, nguyên liệu giảm chỉ giúp dễ thở hơn chứ không thể giảm giá.
Bà Bùi Thị Hương - Giám đốc đối ngoại của Vinamilk, lý giải: Sữa bột ngoại bán tại thị trường Việt Nam có giá cao do việc nhập khẩu phải cõng nhiều chi phí như thuế quan, vận chuyển, chi phí nhân công, mặt bằng cao, chi phí làm thị trường và vô vàn chi phí khác nữa. Ngoài ra, một số người tiêu dùng vẫn có tâm lý thích dùng đồ ngoại chứ không phải lượng sữa sản xuất trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu.
Các bà mẹ lầm tưởng, sữa ngoại đắt tiền là tốt hơn, nhưng thực tế nguyên vật liệu sản xuất như nhau, thành phần bổ sung các vi chất dinh dưỡng theo tiêu chuẩn cho phép, sản phẩm đều được sản xuất trên dây chuyền thiết bị công nghệ hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới có ngành công nghiệp sữa phát triển.
“Thực tế hiện nay Vinamilk đang hàng ngày xuất khẩu sản phẩm sữa bột sang nhiều nước trên thế giới nhưng nhiều bà mẹ trong nước lại đang mua sữa ngoại cho con em mình vì họ nghĩ là giá cao hơn là chất lượng tốt hơn” - bà Hương nói.
Một số ý kiến cho rằng, tăng thuế lúc này là không chia sẻ với người tiêu dùng. Nhưng cả năm qua, khi được hưởng lợi từ thuế, nguyên liệu giá thấp đã có doanh nghiệp sữa nào nghĩ đến người tiêu dùng chưa?
Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên bày tỏ, khi tăng hay giảm thuế Chính phủ luôn cân nhắc đến lợi ích chung. Việc tăng thuế nhập khẩu sữa hay không sẽ được xem xét cẩn trọng.