Du lịch Việt Nam vất vả tìm biểu tượng

Du lịch Việt Nam vất vả tìm biểu tượng
Sau hơn 1 năm sử dụng tiêu đề và biểu tượng du lịch  đơn điệu, mới đây Tổng cục Du lịch đã phát động cuộc thi "Sáng tác Tiêu đề và Biểu tượng cho Chương trình hành động quốc gia về du lịch 2006 - 2010" 
Du lịch Việt Nam vất vả tìm biểu tượng ảnh 1

Thế nhưng, một số doanh nghiệp và chuyên gia du lịch đang băn khoăn với cách "ra đề" của TCDL.

Định hướng thị trường ở đâu?

Trong thể lệ cuộc thi không đả động đến định hướng thị trường của du lịch Việt Nam giai đoạn 2006 - 2010, gợi ý rất quan trọng để có thể sáng tác thành công Tiêu đề và Biểu tượng.

Ông N.V, giám đốc một công ty lữ hành quốc tế lớn tại Hà Nội cho biết: "Yêu cầu bắt buộc đối với một Tiêu đề và Biểu tượng du lịch của quốc gia là phải bám sát và thể hiện được định hướng kế hoạch thị trường trong thời gian sử dụng Tiêu đề và Biểu tượng đó. Ví như định hướng của DL Việt Nam nhắm đến sản phẩm DL khám phá, DL nghỉ dưỡng hoặc DL giải trí kết hợp mua sắm thì phải có Tiêu đề và Biểu tượng theo chủ đề đó để quảng bá cho khách chứ không thể  hô khẩu hiệu chung chung được".

Lãnh đạo một sở du lịch nhận xét thẳng: "TCDL ra đề mông lung như vậy vì lúng túng chưa định hướng được kế hoạch thị trường giai đoạn 2006 - 2010. Sau 5 năm, TCDL dường như vẫn luẩn quẩn với nội dung "quảng bá điểm đến" nhàm chán, nghèo nàn".

Ông nói thêm, lẽ ra trước tiên TCDL phải tiến hành thống kê, khảo sát rộng rãi du khách, doanh nghiệp du lịch... để biết thị hiếu và đối tượng khách, đâu là thế mạnh của ta... Từ đó xây dựng kế hoạch thị trường cho thời gian tới, cụ thể là xây dựng những sản phẩm du lịch đặc trưng có thể hấp dẫn khách để các doanh nghiệp tập trung thực hiện. Tiếp theo là tìm Tiêu đề và Biểu tượng phù hợp để tiếp thị cho sản phẩm đó.

Thuê tư vấn nước ngoài?

Cuộc thi lần này mở rộng cho tất cả cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước tham gia. Một số doanh nghiệp du lịch cho rằng như vậy cũng tốt nhưng những "đáp án" được đánh giá cao chắc chắn phải đến từ các chuyên gia quảng bá, xúc tiến du lịch.

Song, với 20 giải thưởng của TCDL (cao nhất là hai giải nhất, mỗi giải trị giá 10 triệu đồng và một chuyến du lịch xuyên Việt cho hai người) liệu có thể thu hút được lực lượng này tham gia không ? Nếu tham gia, họ sẽ đầu tư ở mức độ nào?

Tại sao TCDL không đặt vấn đề thuê tư vấn chuyên nghiệp nước ngoài như một số nước trong khu vực vẫn thực hiện? 

Đầu năm 2004, TCDL phối hợp với Tổng công ty Du lịch Sài Gòn và Vietnam Airlines triển khai dự án thuê "vua bếp" Martin Yan (Mỹ) làm 13 tập phim quảng bá du lịch Việt Nam để phát trên các kênh truyền hình thương mại quốc tế trị giá 92.500 USD (TCDL góp 45.000 USD). Tuy nhiên, dự án bất thành mà nguyên nhân sâu xa là vào phút chót, TCDL thông báo "chưa có cơ chế thuê người nước ngoài"!

Chương trình hành động quốc gia về du lịch 2006 - 2010 đòi hỏi phải có một Tiêu đề và Biểu tượng mới. Nhiều người e rằng kết quả công bố vào ngày 27/9/2005 đây có thể không đến nỗi đơn điệu như Tiêu đề và Biểu tượng đang sử dụng nhưng liệu có thành công như mong đợi hay không thì chẳng ai dám chắc.

MỚI - NÓNG