Mùa nắng nóng, cảnh báo bùng phát bệnh mụn cơm

Mùa nắng nóng, cảnh báo bùng phát bệnh mụn cơm
TP - Các bác sỹ da liễu cảnh báo số bệnh nhân đến khám và điều trị mụn cơm trong những tháng nóng bức vừa qua tăng mạnh, nhất là ở nhóm tuổi nhỏ và dậy thì.

Chỉ riêng tại Viện Da liễu quốc gia, thống kê tháng 5/2006, tháng đầu mùa hạ, cho thấy có 135 bệnh nhân đến khám và điều trị. Trong khi đó, tháng 1 năm nay, đang giữa mùa đông, chỉ có 84 bệnh nhân.

Đến tháng 6, số bệnh nhân thuộc nhóm bệnh khó chịu này lên đến 169. Những ngày đầu tháng 7, mỗi ngày trung bình có 5-10 bệnh nhân đến yêu cầu được chữa trị.

Dấu hiệu đề kháng yếu

Mụn cơm thường xuất hiện và mất đi một cách đột ngột trên tay, chân và khuỷu tay. Tuy không nguy hại, nhưng là bệnh gây khó chịu. Mụn cơm là bệnh ngoài da phổ biến nhất. Theo các nhà nghiên cứu, nó là dấu hiệu của hệ miễn dịch yếu. Vì thế, bệnh thường xuất hiện ở trẻ em và tuổi mới lớn.

Theo BS Nguyễn Thành, Trưởng khoa Khám bệnh - Viện Da liễu, mụn cơm là bệnh gây nên bởi virus với nhiều tổn thương và đẻ rất nhanh. Mụn có thể mọc ở bất cứ chỗ nào trên da. Virus Papilloma thường thấy nhiều nhất trong mụn cơm vì đây là nơi có độ ẩm và nhiệt độ thích hợp nhất đối với chúng.

Papilloma xuất hiện ở nhiều nơi, trên mặt đất, khăn lau mặt, trong bể bơi hoặc buồng tắm hơi. Chúng thâm nhập vào những vết thương rất nhỏ trên biểu bì và sinh sôi nảy nở.

Mục đích cuối cùng của chúng là tiếp cận với chất kerartin trên biểu bì. Thời gian kể từ khi thâm nhập cho đến khi thành mụn kéo dài nhiều tuần, có khi nhiều tháng.

Bệnh gia tăng vào mùa hè và ngày càng có nhiều ở bạn trẻ. “Các bạn trẻ là đối tượng thích tụ tập nơi đông người. Đi bể bơi là một trong những nguy cơ cao gây lây lan các bệnh ngoài da trong đó có mụn cơm” - BS Thành nói.

Nhiều trường hợp, mụn cơm có thể chữa được bằng phương pháp dân gian.

Lá cây

Buổi tối, lấy lá tía tô tươi, rửa sạch, giã rồi vắt lấy nước chấm vào các hạt cơm, để qua đêm. Kiên nhẫn làm như vậy liên tục hàng ngày mụn cơm có thể lặn mất sau 4-12 tuần.

Lá lốt cũng có tác dụng chữa mụn cơm hiệu quả. Lấy lá lốt ngâm nước gạo, sau đó hơ nóng, đắp vào mụn cơm. Khi lá nguội, thay lá khác, làm nhiều lần sẽ khỏi.

Món ăn

Cháo ý dĩ. Lấy 50 gram ý dĩ, rửa sạch, thêm nước vừa đủ, nấu nhừ thành cháo, thêm đường trắng vừa đủ, ăn một lần hết, mỗi ngày một lần, liên tục trong một tháng là một liệu trình.

Canh suông giá đậu tương. Lấy lượng vừa đủ giá đậu tương, thêm nước vừa đủ, nấu chín nhừ, ăn giá và uống nước, liên tục trong 3 ngày, coi như bữa ăn chính, kiêng dầu mỡ và lương thực khác.

Trời nóng có thể cũng khiến cơ thể yếu hơn vì phải vận động nhiều và hao tổn sức lực. Một khi sức đề kháng giảm, virus càng dễ tấn công.

Dễ chữa

Không trực tiếp gây nguy hiểm tính mạng nhưng theo các bác sĩ da liễu nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến các biến chứng nhiễm trùng cơ hội.

Khi thấy xuất hiện những chiếc mụn khả nghi đừng cho tay vào cậy. Mụn sẽ theo vết nhựa loang từ chỗ được cậy và nhân lên những chiếc mụn mới. Khi thấy xuất hiện chiếc mụn nào nên nhanh chóng xử lý phòng ngừa lây lan.

Hiện nay chưa có thuốc điều trị căn nguyên bệnh này mà chỉ có thể điều trị triệu chứng.

Về Tây y, BS Thành cho biết, có thể điều trị bằng hóa chất, đốt điện hoặc laser. Thông thường, những chiếc mụn cơm bắt rễ rất sâu trong da. Vì thế, các vết thương sau đốt điện, đốt laser thường rất sâu. Sau can thiệp, cần chú ý giữ vệ sinh sạch sẽ chỗ phẫu thuật.

Điều trị bằng laser đôi khi có thể để lại sẹo hoặc tái phát ở chỗ khác. Sau điều trị, phải bôi thuốc theo đúng chỉ dẫn, tránh làm tổn thương mụn để hạn chế lây lan. Có ý kiến cho rằng không dùng nghệ bôi vào những nốt mụn được đốt.

Nếu bệnh tái phát quá nhiều, BS Thành cho rằng cần sử dụng một số thuốc kháng virus đặc hiệu hoặc các thuốc tăng sức đề kháng cho bệnh nhân. Tuy nhiên, tỷ lệ này không nhiều.

Để ngừa mụn cơm tái phát, khi đi ra nắng nên đeo khẩu trang, mặc áo chống nắng.

MỚI - NÓNG