Bọ xít, ve bét: cùng hút máu nhưng truyền bệnh khác nhau

Bọ xít, ve bét: cùng hút máu nhưng truyền bệnh khác nhau
Gần đây các phương tiện truyền thông có phản ánh thông tin về sự xuất hiện loài bọ xít hút máu ở Việt Nam, chúng có thể truyền bệnh. Cùng thời điểm này ở Trung Quốc, hơn 30 bệnh nhân tử vong do ve bét hút máu lây bệnh.

>> Bọ xít hút máu có làm lây nhiễm HIV?
>> Hà Nội : Rệp hút máu người tái xuất
>> Bọ xít hút máu: Mắn đẻ, thích nghi nhanh và mang trùng roi

Có người vội vàng nghĩ rằng hai căn bệnh này liên quan với nhau nhưng thực tế hoàn toàn khác biệt.

Bọ xít hút máu ở Việt Nam lan truyền bệnh gì?

Theo một số nhà chuyên môn, mật độ ký sinh trùng họ Trypanosoma rất cao trong các con bọ xít, còn loài cụ thể thì cần thời gian để xác định gen. Ký sinh trùng nội bào này tương đối giống với loài Trypanosoma evansi, gây bệnh surra cho các gia súc có móng guốc như trâu, bò, dê, cừu, lừa, ngựa, lạc đà, heo... Chó, mèo, chuột cũng có thể mắc bệnh surra.

Bệnh surra bùng phát vào mùa mưa. Những con vật bị surra thường sốt, vàng da, nổi mề đay, phù chi, xuất huyết niêm mạc, thiếu máu, suy giảm miễn dịch... và chết nếu suy kiệt hoàn toàn.

Loài Trypanosoma cruzi lây truyền do rận, rệp... gây bệnh Chaga ’s thường có mặt ở một số nước châu Mỹ. Loài Trypanosoma brucei lây truyền qua ruồi vàng, ruồi tsetse lại gây ra bệnh ngủ cho khá nhiều nước châu Phi.

Nhiều chuyên gia về ký sinh trùng ở nước ta đều nhận xét “bọ xít hút máu ít có khả năng lan truyền bệnh”, do đó mọi người “đừng quá hoang mang trước việc bọ xít hút máu người”.

Bọ chét, ve bét hút máu ở Trung Quốc thì sao?

Ngày 8-9-2010, khoa y tế cộng đồng tỉnh Hoa Nam thông báo có 557 bệnh nhân mắc bệnh HGA và đã có người tử vong. Bệnh HGA gây ra do vi khuẩn Anaplasma phagocytophylum, vi khuẩn này tấn công các tế bào bạch cầu hạt (granulocyte), là những tế bào có khả năng thực bào (ăn vật lạ) nên rất quan trọng trong việc bảo vệ cơ thể chống các tác nhân xâm nhập.

Khi bạch cầu hạt bị tấn công, cơ thể không còn khả năng chống nhiễm trùng. Bệnh HGA được lây truyền cho con người từ ve bò, hươu. Người bị bệnh HGA có nhiều dạng, từ rất nhẹ đến rất nặng, có thể gây chết người.

Bệnh thường bắt đầu với sốt, đau đầu dữ dội, đau nhiều bắp cơ như cúm, suy kiệt nhanh chóng...

Dựa vào xét nghiệm PCR (Polymerase Chain Reaction), bệnh HGA được chẩn đoán khá dễ dàng. Việc điều trị bệnh HGA cũng đơn giản, chỉ cần dùng các kháng sinh họ tetracyline, như doxycycline, với liệu trình điều trị hai tuần.

* Côn trùng, đặc biệt côn trùng hút máu, là những vectơ truyền vô số bệnh cho con người: nhẹ có thể gây dị ứng, sưng nề, xuất huyết da, nặng hơn có thể là nhiễm độc tố... Do đó, cần có những biện pháp phòng tránh như: mang vớ (tất) bảo hộ khi lao động ở những nơi có mật độ côn trùng cao, giường ngủ phải có màn tránh côn trùng xâm nhập...

* Các nhà khoa học, cơ quan chức năng cần nhanh chóng xác định “danh tính” loại vi sinh vật gây bệnh. Việc xác định này vô cùng quan trọng để chẩn bệnh và có hướng điều trị cũng như dự phòng thích hợp.

TS.BS Trần Bá Thoại (Bệnh viện Đà Nẵng)
Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG