Ông Scott Roberton - Chủ tịch Hiệp hội Bảo tồn Động vật hoang dã quốc tế (WCS) và bà Leanne Clark- bác sỹ thú y Chương trình Sức khỏe toàn cầu của WCS trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong.
Từ năm 2009 đến nay, thống kê cho thấy có ít nhất 8 con voi rừng chết không rõ nguyên nhân. Trường hợp mới nhất, con voi rừng chết ngày 5-6 ở Đồng Nai cũng bị nghi chết do trúng độc. Liệu có phải voi chết là do ăn cây cỏ có độc tố tự nhiên?
Ông Scott Roberton: Như chúng tôi được biết, các cơ quan chức năng đã khám nghiệm hiện trường, thu thập chứng cứ và làm các mẫu xét nghiệm. Tuy nhiên, quá trình điều tra vẫn đang tiếp diễn. Chưa thể kết luận voi chết do trúng độc từ cây cỏ tự nhiên.
Tập tính của voi và bản năng của chúng có thể giúp voi tránh các cây cỏ tự nhiên có độc hay không?
Bà Leanne Clark: Đây không phải là câu hỏi dễ trả lời, bởi vì thực sự có rất nhiều yếu tố liên quan và cũng có rất ít nghiên cứu tập trung vào tính độc của cây cối lên các loài hoang dã ăn cỏ. Nhiều người tin rằng, các loài động vật hoang dã (ĐVHD) như voi sử dụng khứu giác và vị giác của chúng để phát hiện độc tố hay chất độc, vì các chất độc thì thường có vị đắng hoặc có mùi khác biệt và khó ngửi. Do đó, ĐVHD sẽ không ăn loại cây đó (nếu nó có mùi khác lạ), hoặc chỉ ăn một lượng nhỏ nhưng không đủ để gây bệnh, rồi sau đó không ăn nữa (nếu chúng cảm thấy thứ chúng nếm gây độc cho chúng).
Không thể chắc chắn rằng con voi chết bởi ăn cây mà bình thường chúng vẫn ăn. Nếu cây đó bị gây độc bởi con người, thì voi không thể nhận ra nên có thể vẫn ăn và ốm, chết.
Xin cho biết việc bảo tồn voi ở Việt Nam hiện nay ra sao? Để xảy ra tình trạng voi chết hàng loạt như vậy có thể do những nguyên nhân gì?
Ông Scott Roberton: Số lượng voi của Việt Nam trong tự nhiên đang đối mặt với nguy cơ tận diệt trên toàn quốc. Việc voi chết liên tiếp trong thời gian gần đây là lời nhắc nhở rằng, chính con người phải chịu trách nhiệm về tình trạng cực kỳ nguy cấp của loài voi. Với tốc độ này, loài voi sẽ tuyệt chủng ở Việt Nam trong vòng 10 năm tới.
Hệ thống luật pháp về bảo tồn của Việt Nam cũng như năng lực, nhân lực và nguồn lực tài chính là hoàn toàn đầy đủ để có thể đảm bảo sự sống còn của các loài ĐVHD trong tự nhiên. Điều mà Việt Nam còn thiếu, chính là việc thực thi hiệu quả các luật đó trong việc chống các tội phạm về ĐVHD và thiếu những thông điệp rõ ràng từ Nhà nước và các vị lãnh đạo về việc loại bỏ tội phạm về ĐVHD. Đây cũng có thể là một phần lý do cho cái chết của voi.
Từ năm 2009 đến nay có ít nhất 8 con voi rừng chết Ảnh: Kim Anh. |
Việt Nam có thể học hỏi được gì từ kinh nghiệm bảo tồn voi thành công trên thế giới?
Ông Scott Roberton: Không chỉ voi mà rất nhiều loài ĐVHD ở Việt Nam đang bị đe dọa như: linh trưởng, rùa, hổ có nguy cơ tuyệt chủng trong 10 năm tới. Nếu chúng ta không hành động ngay và có những thay đổi lớn trong công cuộc bảo tồn thì các loài ĐVHD này sẽ không còn nữa.
Có nhiều nước là tấm gương trong việc bảo tồn động vật hoang dã thành công. Điểm chung mấu chốt là các nước này đều thực thi luật một cách hiệu quả. Loài hổ đang tăng số lượng ở nhiều khu bảo tồn tại Ấn Độ vì họ bảo vệ chặt chẽ các khu này; tê giác đã được cứu khỏi bờ vực tuyệt chủng ở Nepal thông qua việc thực thi pháp luật một cách hiệu quả và mạnh mẽ.
Điều đặt ra ở đây là cần tăng cường thực thi pháp luật đối với tội phạm liên quan đến ĐVHD từ việc ngăn chặn cho đến phát hiện và khởi tố thích đáng các đối tượng vi phạm. Các cơ quan của Việt Nam qua hành động thực tế cần nêu rõ quan điểm tới công chúng rằng, họ sẽ không khoan nhượng với tội phạm liên quan đến ĐVHD. Chúng ta không cần thêm bất kì bài phát biểu hay kế hoạch hành động hay đánh giá nào nữa mà đã đến lúc phải bắt tay vào hành động ngay, trước khi quá muộn.
Cảm ơn ông, bà.