'Làng ung thư', nhà máy và môi trường

'Làng ung thư', nhà máy và môi trường
TP - Trong khi một số quan chức y tế Việt Nam cho rằng, không có chuyện các “Làng ung thư” như báo chí nêu thời gian qua vì tỷ lệ mắc và tử vong do ung thư ở đó giống như các vùng khác, một nhà khoa học Việt Nam công tác ở Úc có ý kiến ngược lại.

GS Nguyễn Văn Tuấn đang làm việc tại Trường ĐH New South Wales và Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan, cơ quan nghiên cứu hàng đầu của Úc về y học. Ông trao đổi với PV Tiền Phong xung quanh vấn đề Làng ung thư ở Việt Nam.

Cuối năm 2005, phát biểu với báo chí về hiện trạng làng ung thư Thạch Sơn (tỉnh Phú Thọ), một thứ trưởng y tế nói: “Tỷ lệ ung thư tại Thạch Sơn tương đương các tỉnh thành phía Bắc. Chưa có bằng chứng về sự liên quan của tình trạng ô nhiễm môi trường và bệnh ung thư”. Một chuyên gia ung thư khác thì nói: “Tỷ lệ mắc bệnh ung thư của Thạch Sơn không phải là cao”. Ông có chia sẻ gì về các nhận định nêu trên?

Phản ứng của ngành y tế dè dặt đến độ ngạc nhiên. Có lẽ xuất phát từ đánh giá như thế của các quan chức, mà ngành y tế chưa có động thái nào để kiểm soát tình hình các làng ung thư chăng?

Tôi đã thu thập một số dữ liệu về các làng ung thư ở Việt Nam. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Phòng chống Ung thư, ở Việt Nam, cứ 100.000 dân số thì có 106 nam và 59 nữ tử vong vì bệnh ung thư. Áp dụng tỉ lệ này cho xã Thạch Sơn (huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ) với dân số khoảng 7.000, chúng ta kì vọng sẽ có khoảng 6 người tử vong vì bệnh ung thư. Nhưng thực tế, ở xã này, mỗi năm có 15 người chết vì ung thư.

Nói cách khác, tỉ lệ tử vong vì ung thư ở Thạch Sơn cao hơn tỉ lệ quốc gia đến 2,6 lần! Như vậy, không thể nói rằng “Tỉ lệ mắc bệnh ung thư của Thạch Sơn không phải là cao”.

Thật ra, số liệu mà tôi thu thập (rất có thể chưa đầy đủ) cho thấy ở bất cứ làng ung thư nào mà báo chí nêu, tỉ lệ tử vong do bệnh ung thư đều cao từ 3 đến 9 lần so với tỉ lệ tử vong của cả nước. Chẳng hạn như làng Kim Thành (huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) chỉ 1.900 dân, mà trong thời gian 7 năm có đến khoảng 100 người tử vong vì ung thư. Tỷ lệ này cao gấp 9 lần so với tỉ lệ của toàn quốc.

Làng ung thư có phải là hiện tượng ngẫu nhiên không?

Hiện tượng làng ung thư mà giới dịch tễ học nước ngoài hay gọi là cancer cluster (cụm ung thư) không phải là một hiện tượng mới. Ở Mỹ, người ta đã chú ý đến những trường hợp ung thư tập trung ở một số địa điểm.

Cũng như ở Việt Nam, những địa điểm này thường có các nhà máy kỹ nghệ lớn và có dấu hiệu ô nhiễm môi trường. Trước hiện tượng này và trong khi chưa có dữ liệu nghiên cứu, người ta thường nghĩ đó là hiện tượng ngẫu nhiên.

Với một số giả định dịch tễ học và vài phép tính xác suất, chúng ta có thể dễ dàng thấy xác suất mà tần số ung thư xảy ra theo cụm như trên là rất thấp (dưới 8 phần vạn). Nói cách khác, tỉ lệ tử vong trong các làng ung thư trên không phải là do các yếu tố ngẫu nhiên. Tỉ lệ tử vong ở các làng ung thư này là một hiện trạng bất thường, không thể nói là tương đương với các tỉnh miền Bắc được.

Nếu không phải do yếu tố ngẫu nhiên thì do yếu tố nào?

Trong vài thập niên qua, trên thế giới đã có hàng trăm công trình nghiên cứu dịch tễ học cho thấy các yếu tố môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc phát sinh ung thư. Nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy những cư dân sống trong vùng phải dùng nước giếng (khoan từ lòng đất) có nguy cơ mắc bệnh ung thư đường ruột cao gấp 2 lần so với nguy cơ trung bình trong dân số.

Nghiên cứu ở Nhật cho thấy nồng độ NO2 và SO2 trong không khí có ảnh hưởng đến sự phát sinh ung thư phổi.

Ở Mỹ, có nhiều nghiên cứu dịch tễ học cho thấy người bị phơi nhiễm diesel có nguy cơ mắc bệnh ung thư phổi cao gấp 1,4 lần so với nguy cơ trong dân số. Do đó, không thể nói rằng “Chưa có bằng chứng về sự liên quan của tình trạng ô nhiễm môi trường và bệnh ung thư”.

Như tôi đã nói ở trên, mẫu số chung của các làng ung thư này là sự hiện diện của các nhà máy kỹ nghệ và xuống cấp môi trường. Cho dù hiện nay chưa có dữ liệu để kết luận mối liên quan giữa sự hiện diện các nhà máy này và ung thư, các nghiên cứu từ các cụm/làng ung thư ở Mỹ cho chúng ta biết rằng, các chất sau đây làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư trong cộng đồng: arsenic (thạch tín), cadmium, chronium, nickel (kền), asbestos và benzene.

Các chất hóa học này cũng giải thích tại sao cư dân thành phố và cư dân sống trong vùng gần nhà máy kỹ nghệ có nguy cơ mắc bệnh ung thư cao hơn cư dân trong các vùng nông thôn.

Theo GS, cần làm gì để hạn chế và giảm dần các làng ung thư?

Trước sự gia tăng các làng ung thư, cần phải có biện pháp điều nghiên và xác định nguyên nhân hay yếu tố nguy cơ tử vong ở các làng ung thư. Chỉ có thể qua điều nghiên cẩn thận mới có thể tiến đến một chiến lược phòng ngừa. Các chuyên gia ung thư quốc tế ước tính có đến 50% trường hợp ung thư được xem là có thể phòng ngừa bằng cách thay đổi cách sống khỏe hơn, và thay đổi môi trường sống lành mạnh hơn.

Cư dân các làng ung thư có quyền đòi hỏi môi trường sống của họ lành mạnh hơn để giảm thiểu những cái chết vì ung thư.

Cảm ơn ông

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG