“Virus H5N1 không chịu nổi sự tấn công của dung dịch” - TS Nguyễn Hoài Châu, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường (IET) thuộc VAST, nói tại hội thảo mang tên “Dung dịch hoạt hóa điện hóa - Vũ khí lợi hại phòng chống dịch cúm gia cầm” tổ chức ở Hà Nội ngày 24/12/2005.
Theo TS Phương Song Liên, Giám đốc Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương (NCVD) thuộc DAH, các thử nghiệm tiến hành tại NCVD đúng là đem lại tín hiệu đáng mừng trên.
“Từ khi dịch cúm gia cầm xảy ra lần đầu ở Việt Nam, tháng 12/2003, đến nay, hàng triệu tấn chất sát trùng các loại được sử dụng cho công tác tiêu độc khử trùng virus cúm trong môi trường - TS Liên nói - Việc tìm kiếm một chất khử trùng có hiệu quả cao lại không gây độc cho môi trường được rất nhiều người quan tâm”.
Các kỹ thuật viên ở NCVD thấy virus H5N1 bị tiêu diệt chỉ trong vòng 5-10 phút sau khi tiếp xúc với dung dịch điện hóa chế tạo từ nước muối loãng mà nhiều người từng biết đến với tên “nước ozone”.
Tia sáng hy vọng
Từ dung dịch gốc có hiệu giá ngưng kết hồng cầu (HA) bằng 9log2, các nhà khoa học pha loãng (bằng nước đặc dụng chứ không phải nước lã) thành các nhóm dung dịch có HA đạt 7log2, 3log2, và 0log2.
Để loại trừ rủi ro dù nhỏ nhất, họ dùng que thử nhanh của Hàn Quốc kiểm tra thì thấy tất cả đều dương tính, đám virus H5N1 vẫn sống nhăn.
Vũ khí thử nghiệm để tiêu diệt virus H5N1 không gì khác ngoài “nước ozone”, thứ dung dịch giá thành cao nhất cũng chỉ 200 đồng/lít, rẻ hơn rất nhiều so với các dung dịch khử trùng hiện hành như Clormin B, Formalin, hay Surfanios vốn từ 6.000 đồng/lít trở lên.
Thú vị nhất là nó hầu như không độc hại mới với môi trường do được chế tạo từ nước muối loãng và sản xuất vô cùng nhanh ở bất cứ vùng sâu vùng xa nào nếu được trang bị máy với giá thành hoàn toàn chấp nhận được.
Đổ nước ozone vào nước độc kia được pha loãng ở các mức khác nhau như đã nêu. Một phút sau, kiểm tra định tính bằng que thử nhanh của Hàn Quốc. Thật bất ngờ, âm tính.
Sau 5 phút, rồi 10 phút, cho kiểm tra lại, tất thảy đều âm tính. Kiểm tra kỹ hơn bằng phản ứng HA, kết quả không khác gì, virus H5N1 trong tất cả các hỗn dịch bị tiêu diệt hoàn toàn ở nhiệt độ bình thường và áp suất bình thường.
Chưa hài lòng, các nhà khoa học cho virus H5N1 vào trứng gà có phôi để thử thách tiếp nước ozone. Thông thường, trứng gà có phôi sẽ chết trong vòng 72 giờ nếu bị virus H5N1 tấn công.
Theo TS Liên, virus H5N1 tại Việt Nam có độc lực cao nhất lập kỷ lục tiêu diệt phôi trứng gà là chỉ sau 18 giờ kể từ ngày nó xâm nhập.
Nhóm trứng thứ nhất cho tiêm “độc dược” virus H5N1 với các nồng độ pha loãng như thí nghiệm trên. Nhóm trứng thứ hai thêm nước ozone với liều tiêm chỉ 0,2ml/quả.
Sau cùng một thời gian, hai nhóm trứng trên bảo quản và theo dõi trong điều kiện như nhau được đem mổ để xem bệnh tích và kiểm tra HA.
Không nằm ngoài dự đoán, các nhà khoa học vẫn chảy nước mắt khi trực tiếp đọc kết quả thử nghiệm mà nội dung của chúng làm nhen lên hy vọng về một vũ khí vô cùng rẻ và an toàn.
Nhóm trứng thứ nhất, các dung dịch với các nồng độ virus khác nhau đều giết chết phôi trứng. Các bệnh tích đều thấy xuất huyết, dấu hiệu thực thể cho thấy phôi bị virus H5N1 tấn công.
Đem nước trứng lấy từ các quả trứng ấy xét nghiệm, đều thấy dương tính, virus H5N1 vẫn sống sờ sờ.
Nhóm trứng thứ hai hoàn toàn ngược lại. Phôi không những không chết mà cũng không tìm thấy bệnh tích nào. Đem dịch trứng phân tích bằng phản ứng HA cũng như que thử nhanh, tất cả đều cho kết quả âm tính, H5N1 bị tiêu diệt hoàn toàn.
Cần có sự vào cuộc ở cấp cao nhất
Nhóm nghiên cứu nhắc đi nhắc lại đây mới là thử nghiệm bước đầu và cần nhiều thử nghiệm khác quy mô lớn hơn với mức độ phức tạp hơn.
Nhưng điều đáng nói nhất chính là, lần đầu tiên ở Việt Nam và cũng là lần đầu tiên trên thế giới, nước muối loãng hoạt hóa được chứng minh bước đầu có khả năng tiêu diệt con H5N1 một cách an toàn, rẻ tiền và không làm ô nhiễm môi trường.
Các thử nghiệm trên nếu được khẳng định là đúng ở mức quốc gia và quốc tế sẽ mở ra giai đoạn mới cho việc dùng đại trà nước ozone để làm sạch vệ sinh môi trường các vùng dịch.
Bước tiếp theo, cần nghiên cứu xem tác dụng của nước ozone đối với con virus tồn tại trong tế bào trong cơ thể cơ vật hoặc người mang bệnh ra sao.
Những việc ấy có lẽ một mình hai đơn vị khoa học trên làm không nổi nếu biết họ tự bỏ hàng chục triệu đồng chỉ để làm mấy thí nghiệm kia. VAST và DAH, hai cơ quan quản lý trực tiếp hai đơn vị khoa học trên, cũng chưa giúp được gì do không có kinh phí.
Cần có sự vào cuộc, tập trung sức lực của các ngành Khoa học & Công nghệ, Tài chính, Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, khẩn trương xem xét và hỗ trợ nhóm nghiên cứu để, nếu thấy đúng, lập hẳn đề tài cấp nhà nước nhằm sớm đi đến kết luận.