'Bơi' với chủ trương dạy... bơi

'Bơi' với chủ trương dạy... bơi
Gần một năm sau khi Bộ GD-ĐT phát công văn yêu cầu dạy bơi để phòng chống đuối nước cho học sinh ngay từ cấp tiểu học, vẫn chưa thấy sự chuyển biến nào đáng kể.

Người Việt phải biết bơi:

'Bơi' với chủ trương dạy... bơi

> Người Việt phải biết bơi

Gần một năm sau khi Bộ GD-ĐT phát công văn yêu cầu dạy bơi để phòng chống đuối nước cho học sinh ngay từ cấp tiểu học, vẫn chưa thấy sự chuyển biến nào đáng kể.

 Tập bơi tại trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4, TP.HCM. Ảnh: Đ.N.T
Tập bơi tại trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, quận 4, TP.HCM. Ảnh: Đ.N.T.

Khắp nơi đều... khó

Một khó khăn điển hình là thiếu người dạy bơi. Trường nào cũng có ít nhất một giáo viên thể dục, nhưng không phải ai cũng được đào tạo để có thể dạy học sinh bơi - Ông Phùng Khắc Bình, Nguyên vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT)

Theo ghi nhận của PV, trên địa bàn TP Hà Nội, phụ huynh sẵn sàng đóng góp kinh phí để nhà trường có thể tổ chức việc dạy bơi cho học sinh (HS). Tuy nhiên, hầu như chưa có bất cứ một trường công lập nào thực hiện được mong muốn này.

Ông Đỗ Quang Hợp, Hiệu trưởng trường Tiểu học Cát Linh (Q.Đống Đa, Hà Nội) bày tỏ: không chờ đến khi Bộ GD-ĐT có văn bản thì chúng tôi cũng hết sức mong muốn “xóa mù” bơi cho tất cả HS có thể lực phát triển bình thường của nhà trường. Tuy nhiên, với điều kiện như hiện nay thì “lực bất tòng tâm”.

Chưa nói đến việc có bể bơi ở trong khuôn viên nhà trường, nếu đưa HS đi bơi ở bể bơi cũng không khả thi. Gần trường Tiểu học Cát Linh nhất (cách trường khoảng 3 km) có bể bơi 10.10, nhưng nhà trường lại có đến hơn 1.700 HS, vì vậy việc đi lại, bố trí giáo viên, thời khóa biểu như thế nào cũng là cả vấn đề.

Còn bà Bùi Thị Vân Anh, Trưởng phòng Giáo dục Q.Cầu Giấy khi trao đổi về việc dạy bơi cho HS tiểu học đã nêu lên một thực tế đáng buồn: “Mong muốn là có thật nhưng không thể lên một kế hoạch quá xa rời thực tế được. Tất cả các trường đều chưa có bể bơi đã đành, cả Q.Cầu Giấy cũng chỉ có duy nhất một bể bơi công cộng phục vụ người dân. Vậy thì chưa thể tính đến chuyện dạy bơi cho HS tiểu học được".

Có lẽ chính vì những lý do đó mà hiện nay Sở GD-ĐT Hà Nội chưa có văn bản nào hướng dẫn các phòng giáo dục các quận huyện về việc đưa môn bơi vào trường tiểu học Hà Nội, dù chỉ là thí điểm.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Mai Sỹ Nhật, Trưởng phòng Công tác học sinh, sinh viên (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho rằng: năm vừa qua đã tiến hành tập huấn cho giáo viên cốt cán của các trường về phòng chống tai nạn, thương tích cho HS, trong đó có kỹ năng bơi lội để có thể triển khai đến các em trong dịp hè.

Tuy nhiên, việc các trường tiến hành đến đâu lại chưa có quy định nào ràng buộc. Ông Phùng Khắc Bình, nguyên Vụ trưởng Vụ Công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD-ĐT) cũng cho rằng: khó khăn có tính phổ biến hiện nay là thiếu nơi để dạy bơi. Nếu dạy bơi cho từng cá nhân trong từng gia đình thì việc này có vẻ rất đơn giản với một đất nước sẵn ao hồ, sông ngòi như nước ta.

Nhưng, dạy bơi trong nhà trường thì nơi để dạy phải đạt được những quy chuẩn nhất định. Một khó khăn điển hình khác là thiếu người dạy bơi. Trường nào cũng có ít nhất một giáo viên thể dục, nhưng không phải ai cũng được đào tạo để có thể dạy HS bơi.

Không thể ngồi chờ

Theo ghi nhận của PV, ở những TP lớn, đa số phụ huynh đã ý thức được việc phải trang bị cho con khả năng bơi lội ngay từ khi còn nhỏ. Chính từ mong muốn đó mà trên diễn đàn của web Trẻ thơ, đề tài “Cho con đi học bơi ở đâu tốt?” thu hút sự tham gia của rất đông cha mẹ có con nhỏ. Có bà mẹ dù con mới 3 tuổi nhưng đã ráo riết tìm chỗ cho con học bơi; có người thì chia sẻ kinh nghiệm cho con đi học bơi từ lúc 4 tuổi...

Khi những thông tin về tai nạn, thương tích xảy ra ở khắp nơi, phụ huynh có chung một “nỗi niềm”: muốn tìm một trường học cho con đi học về những kỹ năng cơ bản để sống sót và sinh tồn đồng thời bảo vệ mình khỏi những tai nạn, thương tích mà khó quá. Hiện nay, người dân vẫn phải đối phó với thảm họa theo kiểu bản năng, ít người biết những cách sinh tồn thực sự khoa học, nhất là trẻ em.

Mong muốn cho con học bơi của phụ huynh chỉ được đáp ứng ở một số trường dân lập hoặc trường quốc tế có quy mô không quá lớn. Ví dụ, trường Tiểu học Dream House, trường Tiểu học quốc tế Thăng Long (Q.Hoàng Mai) mùa hè năm nay cũng quyết định đưa môn bơi vào dạy cho HS dưới hình thức sinh hoạt ngoại khóa. Nhà trường đứng ra tổ chức toàn bộ và phụ huynh nộp kinh phí xe đưa đón HS đến bể bơi, vé vào cửa.

Theo Tuệ Nguyễn
Thanh Niên

1.000 trường chỉ có 20 hồ bơi

Trường nào cũng nhận thức rõ về hiệu quả của môn bơi lội, nhưng hồ bơi không có nên đành chịu thua.

 Ảnh: Đ.N.T
Ảnh: Đ.N.T.

Bắt đầu từ năm học 2010-2011, chương trình Phổ cập bơi lội học đường được Sở GD-ĐT TP.HCM triển khai ở các trường từ tiểu học cho đến THPT. Theo ông Nguyễn Hoài Chương - Phó giám đốc Sở GD-ĐT, thì đây là hoạt động nhằm nâng cao kiến thức tự phòng tránh tai nạn chết đuối và phổ cập kỹ năng nổi người, bơi lặn, cứu đuối cho HS các cấp. Bên cạnh đó, Sở cũng đã ký kết liên tịch với Liên đoàn Thể thao dưới nước để cơ quan này có trách nhiệm hướng dẫn trung tâm thể thao của các quận, huyện hỗ trợ cơ sở vật chất, kinh phí, chuyên môn…

Ông Lê Văn Quang - Chuyên viên môn Giáo dục thể chất của Sở cho biết: "Môn bơi được đưa vào giờ học các môn tự chọn và tùy từng bậc học, số tiết dao động từ 12-20 tiết/năm. Đây là môn học không chỉ có tác dụng giáo dục, rèn luyện thể chất mà nó còn giúp HS vui chơi, thư giãn sau giờ học căng thẳng".

Ngay khi triển khai chương trình này, từ lãnh đạo quận, huyện cho đến hiệu trưởng các trường đều hào hứng và nhận định rằng: "Việc cho HS học bơi là vô cùng cần thiết. Không chỉ cung cấp cho HS kỹ năng bảo vệ mình, đề phòng tai nạn đuối nước mà còn là môn thể thao lành mạnh giúp tránh xa những trò chơi nguy hại khác, tạo cơ hội dễ hòa đồng trong cuộc sống".

Tuy nhiên, khi đưa vào thực tế thì hoạt động này vẫn chưa thể hiện được tính phổ cập như tên gọi của nó. Ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng phòng GD Q.Tân Bình cho biết: "Phòng chỉ khuyến khích thôi còn trường nào có điều kiện thì triển khai, trường nào không có cũng đành thông cảm. Bởi lẽ, lấy đâu ra trường học có sẵn hồ bơi, còn hồ bơi của trung tâm thể dục thể thao cũng phục vụ không xuể số lượng HS. Ngoài ra phải kể đến yếu tố khoảng cách giữa trường học và hồ bơi vì ảnh hưởng đến điều kiện đi lại của HS".

Đề cập vấn đề này, ông Quang nhận định: "Cơ sở vật chất phục vụ cho môn học này quá nghèo nàn, hạn chế bởi từ bậc tiểu học cho đến bậc THPT với gần 1.000 trường thì có chưa đến 20 trường có hồ bơi. Vì vậy, trường nào thực hiện được phổ cập bơi lội cho HS là điều rất đáng mừng".

Theo lãnh đạo Phòng GD Q.8, địa bàn quận hiện nay không có hồ bơi nên khi tổ chức học môn này các trường phải liên hệ, tìm kiếm các hồ bơi lân cận, sao cho HS được thuận tiện. Vì vậy chỉ có trường THPT Trần Nguyên Hãn gần hồ bơi Hòa Bình thuộc H.Bình Chánh nên HS mới được học bơi. Hay như tại Q.7, ông Nguyễn Văn Đông - Trưởng phòng GD cho biết: "Hiện quận chỉ có HS 2 trường được học bơi. Ngoài trường THCS Nguyễn Hữu Thọ có hồ bơi nên HS được thụ hưởng là chuyện đương nhiên, còn trường THPT Lương Thế Vinh thì qua học tại hồ bơi của khu chế xuất Tân Thuận. Thế nên những trường không có điều kiện thực hiện HS sẽ thiệt thòi".

Đứng ở góc độ quản lý chuyên môn của Sở GD-ĐT, ông Nguyễn Hoài Chương cho biết: "Nếu cứ chờ trường học có hồ bơi mới thực hiện thì không biết đến khi nào. Vì vậy các trường phải tận dụng mọi nguồn lực, mọi cơ sở vật chất để huy động, khuyến khích HS tham gia. Biết bơi, các em không chỉ biết tự bảo vệ bản thân mình dưới nước mà còn có thêm kỹ năng hòa đồng trong cuộc sống".

Theo Bích Thanh
Thanh Niên

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.