Nói thế không phải là kìm cương những mơ ước (chính đáng) sớm có những Harvard, MIT, Oxford Việt Nam. Song, nên chăng, trước hết hãy đặt vấn đề xây dựng một vài trường đại học đủ những tiêu chuẩn thông thường của đại học quốc tế, để định hướng cho toàn bộ nền giáo dục đại học của đất nước, và lâu dài hơn, làm nền cho những ước mơ cao xa ấy ?
Việc này cũng đòi hỏi nhiều công sức, thời gian (thực tế chắc sẽ không dưới 10 năm), và nhất là đòi hỏi một sự lột xác không dễ dàng về tư duy giáo dục.
Sau đó, với thời gian và song song với sự tiến bộ của nền kinh tế có hàm lượng tri thức cao mà chính họ sẽ góp phần mang lại, những SV, GS được rèn luyện trong các đại học đích thực đó sẽ nâng dần trình độ đại học của mình lên, và lúc đó đẳng cấp sẽ tự đến !
Vì thế, bài viết nhỏ này xin nhắc lại vài tiêu chuẩn được coi là thông thường của đại học trong thế giới hiện nay, thiết nghĩ không lạc điệu so với chủ đề mà báo Tiền Phong đưa ra.
Trước hết, cần nhấn mạnh một tiêu chuẩn mang tính hàn lâm : đại học, với tư cách là vườn ươm tri thức của nhân loại, nơi đào tạo nhân tài cho đất nước trong các ngành khoa học (xã hội, nhân văn hay khoa học tự nhiên), dứt khoát phải là một không gian tự do cho mọi ý tưởng, mọi suy nghĩ được phát huy, được cọ xát với những ý tưởng khác mà không phải chịu những gò bó tư tưởng nào.
Nói không gian tự do về tư tưởng cũng là nói tới yêu cầu tạo cho SV thói quen độc lập suy nghĩ, có thể bình thường cật vấn, lật ngược lại những điều thầy giảng, nếu mình thấy điều được nghe giảng đó có gì không hoặc chưa ổn so với những chiêm nghiệm của mình từ cuộc sống hoặc từ các sách vở khác.
Yêu cầu này cần được thể hiện cả trong học tập và sinh hoạt. Cần xem lại việc “quản lý” sinh viên theo kiểu chính trị hóa học đường hiện nay, xem lại thói quen coi SV như những trẻ vị thành niên chứ không phải là những người đã bước chân (dù mới chỉ là những bước đầu) vào một cuộc sống tự lập, đã được coi là trưởng thành về mặt pháp lý.
Cần tạo điều kiện để giáo sư và SV tiếp cận các nguồn tư tưởng khác nhau thậm chí đối chọi nhau trên thế giới, khuyến khích những tranh luận học thuật không có kết luận tiên quyết.
Bài viết tham gia diễn đàn xin gửi về địa chỉ: hothu_tp@yahoo.com hoặc Tổ phóng viên Giáo dục, 15 Hồ Xuân Hương, Hà Nội. Chân thành cám ơn bạn đọc. |
Tiêu chuẩn về tự do và độc lập suy nghĩ này gắn chặt với một tiêu chuẩn khác của một đại học đích thực: những nhà giáo đồng thời là nhà nghiên cứu, hoặc ít nhất đã trải qua một quá trình được đào tạo trong nghiên cứu khoa học (tiêu chuẩn thông thường: có bằng tiến sĩ với công trình được công bố trên các tạp chí khoa học có uy tín), và phải là những cán bộ toàn phần của đại học- tất nhiên, trừ những giáo sư thỉnh giảng - có lương đủ để không phải lo kiếm sống thêm, để có thể tập trung công sức của mình trong trách nhiệm được giao phó.
Tỉ lệ SV/GS phải ở dưới một giới hạn vừa phải - tỉ lệ này không vượt qua con số 20-25 ở những nước tiên tiến.
Hoạt động của các viện, phòng nghiên cứu trong khuôn viên một đại học, ngoài các chức năng của bản thân nó (tìm tòi, khám phá những bí ẩn của thiên nhiên hay con người, làm giàu kho tri thức của nhân loại, kích thích và đáp ứng những đòi hỏi tiến bộ của nền kinh tế…), còn tạo ra một hấp dẫn mạnh đối với những SV ưu tú, nâng cao trình độ SV muốn vào đại học đó.
Tiêu chuẩn thứ ba, về quản lý, cũng thống nhất với hai tiêu chuẩn trên: đại học phải có quyền tự chủ tối đa về việc tuyển, bổ giáo chức - và trong chừng mực nhất định, về tuyển chọn SV - cũng như về sử dụng ngân sách cho những dự án nghiên cứu và giảng dạy của mình (dĩ nhiên trong khuôn khổ luật pháp).
Việc mời các giáo sư thỉnh giảng từ nước ngoài chẳng hạn, hay việc gửi giáo sư, SV đi dự một hội nghị khoa học quốc tế, không cần phải có sự thông qua của một cấp nào khác ngoài đại học.
Đại học cũng tự chủ về chương trình, tổ chức giảng dạy, không thể bị ép phải dạy theo những “chương trình khung” cứng nhắc như ở trung học. ở những nước có bằng cấp quốc gia, bộ GD giữ quyền xem xét, thông qua các chương trình ấy để công nhận (hay không công nhận) bằng cấp do đại học cấp là bằng cấp quốc gia.
Nhưng, nói chung, các công việc giám sát của bộ là định kỳ vài năm một lần chứ bộ không thể thường xuyên can thiệp vào việc điều hành đại học của ban giám đốc.
Những tiêu chuẩn trên đây cho phép phân biệt đại học với một trường “trung học cấp 4”. Còn lại là những tiêu chuẩn tạm gọi là “kỹ thuật”, như sự phong phú của thư viện, số và chất lượng các phòng nghiên cứu, số máy tính v.v., rất quan trọng song không thể đặt trên những chuẩn mực cơ bản nói trên.
Cần nhấn mạnh, những trường đại học dù là “trung bình” của thế giới vẫn có đủ các chuẩn mực này, và đó chính là nơi đào tạo ra đa số những trí thức trình độ cao của đất nước họ, những kỹ sư, bác sĩ, luật gia, nhà giáo… hoàn toàn tương xứng với một xã hội có nền tri thức, văn hóa và kinh tế cao.
Những người tốt nghiệp Harvard hay MIT, Oxford hay Cambridge, Ecole Normale Supérieure hay Polytechnique v.v., nếu không được sự hỗ trợ - trong phòng thí nghiệm hay trong xí nghiệp - của đông đảo những nhà khoa học, kỹ sư, kỹ thuật viên xuất thân từ các trường “trung bình nhưng vẫn đủ chuẩn mực” kia, e rằng sẽ chỉ như những con én lẻ loi vụt bay qua mà mùa xuân không hề tới.