Không thể ‘nhốt’ học sinh đến 19h

Không thể ‘nhốt’ học sinh đến 19h
TPO – “Những học sinh chỉ học hai tiết thì sao có thể bắt các em ở lại trường đến 19h mới về được” – Ông Đỗ Đức Hòa – Hiệu trưởng Trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) cho biết.

 > Học đến 19h, học sinh... đói

Cảnh tan học lúc 19h tại trường THPT Quang Trung
Cảnh tan học lúc 19h tại trường THPT Quang Trung.

Không thể giữ học sinh

Ngay sau khi nhận quyết định của UBND, Sở GD-ĐT thành phố Hà Nội, trường THPT Quang Trung (Đống Đa, Hà Nội) tổ chức thay đổi thời khóa biểu, đảm bảo việc bắt đầu lịch học từ 7h, kết thúc lúc 19h hàng ngày. Nhà trường cũng trang bị khoảng 500 mét dây điện, dẫn bóng điện ra sân trường, chiếu sáng phục vụ công tác giảng dạy ngoài trời…

Trước thông tin cho rằng, tất cả các học sinh THPT đều phải tan trường đúng 19h, thầy Đỗ Đức Hòa – Hiệu trưởng nhà trường cho biết, có những lớp chỉ học hai hoặc bốn tiết, nên phải cho học sinh về sớm. “Học sinh chỉ học có hai tiết, tại sao lại có thể giữ các em thêm ba tiết nữa để đến 19h mới được về".

“Theo tôi, không thể giữ học sinh ở trường như thế được. Nếu giữ lại, phải có phòng, có giáo viên để quản lý. Mà học sinh ở lại trường, gây ồn, các lớp khác không thể học tập được” – Thầy Hòa phân tích.

Theo thầy Hòa, việc đổi giờ học của học sinh THPT chỉ nhằm mục đích điều chỉnh giờ tan trường tránh trùng với giờ cao điểm, gây ách tắc giao thông, chứ không có văn bản nào quy định chính xác tất cả các học sinh đến trường đều phải ở lại trường đến 19h mới được về.

“Trường cũng bố trí cho các học sinh học hai, bốn tiết ra về trước, nhưng trong trật tự để không ảnh hưởng tới giao thông ngoài cổng trường” – Thầy Hòa nói.

Cô, trẻ trường mầm non cũng khổ

Theo cô Nguyễn Thị Hiền Tâm, hiệu trưởng trường Mầm Non Đống Đa, những ngày đầu đổi giờ học, giờ làm, hầu hết các bậc phụ huynh đều đưa đón con đến đúng giờ. Trường vẫn bố trí đón các cháu sớm như bình thường để tạo điều kiện cho các bậc cha mẹ phải đi làm sớm.

Theo cô Tâm, chưa biết hiệu quả giảm ách tắc giao thông ra sao, nhưng vấn đề quan trọng nhất bây giờ là việc giáo viên mầm non phải làm thêm giờ quá nhiều vì theo quy định mới, phải bố trí giáo viên ở lại muộn hơn, chờ phụ huynh đón trẻ về.

“Giáo viên mầm non luôn bị áp lực rất lớn với sự an toàn của các cháu. Đặc biệt cuối giờ chiều, các cháu rất hiếu động, nghịch ngợm" - Cô Tâm cho biết.

Cô Tâm cũng lo ngại, việc đổi giờ học, giờ làm cũng thay đổi lịch trình, nhịp sinh học của các trẻ mầm non. Bình thường, giờ giấc đã được ổn định,xây dựng một cách khoa học, hợp lý, nhưng bây giờ, tất cả các mốc thời gian, cho ăn, đi ngủ, học bài, vui chơi, ttập hể dục… đều phải thay đổi theo chiều hướng chậm lại.

Thầy trò cùng đói

Để thích nghi với giờ học mới, riêng giờ ra chơi tiết thứ ba, trường THPT Quang Trung cho học sinh nghỉ khoảng 15 phút để học sinh mua bánh mỳ, mỳ tôm, kẹo, bánh, nước uống chống đói, nhằm đảm bảo sức khỏe cho các em tiếp tục học đến 19 giờ.

Mọi khi, 17h20 là tan trường, các em học sinh về nhà ăn cơm cùng gia đình. Theo lịch học mới, giờ tan trường muộn hơn hai tiếng, quá bữa nên em nào cũng mệt mỏi, kiệt sức vì đói. Nhà trường phải tạo điều kiện để đảm bảo sức khỏe học sinh – thầy Hòa cho biết.

Theo quan sát của phóng viên Tiền Phong, giờ ra chơi tiết 3, tiết 4, nhiều học sinh phải xuống căng tin trường mua bánh mỳ, mỳ tôm... để ăn chống đói. Thời gian nghỉ có 10 phút, nhiều em không kịp mua bánh, phải nhịn đói học đến tận 19h.

Theo thầy Hòa, học sinh THPT đang tuổi ăn, tuổi lớn. Về học muộn thế này, nhà xa, tắm giặt, ăn uống đã đến khuya, lại còn học hành, làm sao đảm bảo được sức khỏe. Chưa kể, buổi sáng các cháu còn phải đến trường từ rất sớm.

Không chỉ học sinh, ngay cả các thầy cô cũng phải tiếp sức bằng bánh mỳ để tiếp tục làm việc đến 19h. Vừa nhai miếng bánh mỳ đã ỉu, thầy Hóa cho biết, mọi ngày, khi trường tan xong, thầy còn hoạt động thể dục, thể thao được, nhưng kể từ ngày 1 – 2, mọi hoạt động thể thao phải gác lại, thậm chí đến 20 – 21h thầy mới về đến nhà.

“Có thầy cô giáo còn phải đón con về trường, sau đó để con chơi ở sân trường, vào lớp tiếp tục dạy học, khi hết tiết mới về” – Thầy Hòa nói.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
CEO Acecook Việt Nam bị làm giả chữ ký
TPO - Công ty CP Acecook Việt Nam cho biết, trên nhiều trang mạng xã hội như Facebook, Zalo… lừa đảo bằng cách giả dạng thông tin tuyển dụng, làm giả cả chữ ký của tổng giám đốc trên thông tin tuyển dụng rồi đưa vào các trường đại học tuyển ứng viên. Đối tượng lừa đảo yêu cầu ứng viên nộp tiền tuyển dụng vào tài khoản, từ 150.000 - 300.000 đồng/người.