Nhiều trường hưởng ứng đổi khối thi

Nhiều trường hưởng ứng đổi khối thi
Trước thông tin về cải tiến tuyển sinh ĐH của Bộ GD-ĐT dự kiến triển khai trong năm 2012, một số trường đã có phương án đổi khối thi tuyển sinh trong khi nhiều trường tuyên bố vẫn tuyển sinh như cũ.

Nhiều trường hưởng ứng đổi khối thi

Trước thông tin về cải tiến tuyển sinh ĐH của Bộ GD-ĐT dự kiến triển khai trong năm 2012, một số trường đã có phương án đổi khối thi tuyển sinh trong khi nhiều trường tuyên bố vẫn tuyển sinh như cũ.

Thí sinh dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 sẽ có nhiều khối thi hơn để chọn. Trong ảnh: học sinh học luyện thi ĐH khối A tại Trung tâm bồi dưỡng văn hóa và luyện thi ĐH Vĩnh Viễn chiều 30-11
Thí sinh dự kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 sẽ có nhiều khối thi hơn để chọn.
Trong ảnh: học sinh học luyện thi ĐH khối A tại Trung tâm bồi dưỡng văn hóa và
luyện thi ĐH Vĩnh Viễn chiều 30-11. Ảnh: Như Hùng

Theo nhiều chuyên gia tuyển sinh, cách tuyển sinh “3 chung” được thực hiện nhiều năm qua đã không còn phù hợp với thực tế. Vì vậy, việc đổi mới kỳ thi tuyển sinh ĐH của Bộ GD-ĐT là điều cần làm để tạo thêm nhiều cơ hội cho thí sinh.

Chọn ngoại ngữ thay môn hóa

TS Trần Thế Hoàng, trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, đánh giá đây là sự đổi mới theo hướng có lợi cho thí sinh khi có thêm nhiều lựa chọn phù hợp với năng lực và sở trường của họ. Quan trọng hơn, việc này cũng phù hợp với mục tiêu tuyển sinh cho từng ngành đào tạo của các trường.

Chính vì thế, TS Hoàng cho biết: “Nếu có sự thay đổi trong tuyển sinh, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM sẽ cân nhắc chọn môn ngoại ngữ thay vì môn hóa. Vì nếu chọn môn văn sẽ ảnh hưởng đến phổ điểm chung của trường. Chuẩn đầu ra hiện nay của trường yêu cầu chuẩn ngoại ngữ ở tất cả các hệ đào tạo”.

Vẫn theo “3 chung”

Về thông tin Bộ GD-ĐT sẽ giao dần tự chủ cho một số trường trong việc lựa chọn phương án tuyển sinh, TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM, cho biết: “Đến nay Bộ GD-ĐT vẫn chưa có văn bản cụ thể về việc này.

Vì vậy, hiện chúng tôi vẫn chưa có phương án tuyển sinh riêng chính thức nào. Năm 2012, ĐHQG TP.HCM sẽ tiếp tục tuyển sinh theo “3 chung” của Bộ GD-ĐT”.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình, hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội, cũng khẳng định: “Chúng tôi đã chờ đợi cải tiến này từ lâu”.

Theo PGS Bình, trường ông đã nhiều lần đưa ra đề nghị nên thi toán, lý, ngoại ngữ - tạm gọi là khối A1 - cho thí sinh thi tuyển vào ngành công nghệ thông tin.

Như vậy là thêm cơ hội cho thí sinh chứ không phải thay hoàn toàn cho khối A truyền thống. Thí sinh thi vào ngành công nghệ thông tin có thể thi theo khối A hay khối A1 đều được.

Lãnh đạo một số trường khác cũng ủng hộ chủ trương này và cho biết khi Bộ GD-ĐT có thông báo chính thức, trường sẽ đưa ra quyết định về khối thi của mình cho phù hợp.

Lo cập rập

Tuy nhiên, điều mà các trường, giáo viên, học sinh lo lắng là nhiều vấn đề liên quan đến cải tiến không được công bố sớm. Càng chậm công bố bao nhiêu, việc chuẩn bị của các trường và thí sinh càng cập rập bấy nhiêu. Còn rất nhiều vấn đề mà các trường và thí sinh quan tâm chưa được trả lời.

TS Trần Thế Hoàng cho rằng Bộ GD-ĐT cần quy định thí sinh chỉ được chọn thi theo các khối thi truyền thống hoặc thi theo tổ hợp các môn. Nếu thí sinh được chọn cả hai thì kỳ tuyển sinh sẽ kéo dài.

“Bộ cần thảo luận kỹ với các trường về phương án đổi mới này và sớm thống nhất để thông báo rộng rãi, tránh làm xáo trộn tâm lý thí sinh. Đồng thời việc này cũng liên quan nhiều đến vấn đề kỹ thuật trong tổ chức tuyển sinh nên các trường cần có thời gian chuẩn bị” - TS Hoàng nói.

TS Phạm Tấn Hạ, phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), cho rằng khi thực hiện cải tiến cần làm rõ nhiều vấn đề: mỗi đợt sẽ có những khối thi và tổ hợp các môn nào, tổ hợp của từng đợt thi ra sao. Thí sinh được chọn khối thi truyền thống, theo tổ hợp các môn thi mới hay được phép chọn cả hai...

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM, đề nghị thêm: “Cần cân nhắc, tính toán việc xử lý chung kết quả thi. Nếu thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 thì sẽ đi đâu? Các thí sinh thi khối truyền thống có nhiều lựa chọn để tham gia xét tuyển, trong khi thí sinh thi theo tổ hợp các môn việc xét tuyển các nguyện vọng còn lại thực hiện thế nào? Đây là điểm khó nhất của việc đổi mới tuyển sinh lần này”.

Ông Nguyễn Quang Dong, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cho rằng ngay trong năm nay nếu bộ chủ trương cho các trường khối kinh tế tuyển sinh khối A, D1, đồng thời tuyển sinh theo khối mới là toán, lý, ngoại ngữ, hay toán, lý, văn thì có thể sẽ không gây xáo trộn lớn.

Nhưng nếu quy định cứng nhắc việc điều chỉnh môn thi, khối thi sẽ bất cập, ảnh hưởng đến thí sinh. Nếu có điều chỉnh lớn, phải thông báo sớm để thí sinh có thời gian chuẩn bị chứ không thể thực hiện ngay trong năm tới.

Thầy Nguyễn Tấn Tài, phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Trường Toản (Q.12, TP.HCM), lo lắng: “Hiện đang vào cuối học kỳ I, thực tế học sinh đã chọn khối thi từ đầu năm lớp 10 để đầu tư, dồn công sức, thời gian vào khối thi đó. Vì vậy nếu muốn thay đổi thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến học sinh. Có thể năm nay, dù có thêm nhiều phương án khối thi mới, lớp 12 vẫn chọn giải pháp an toàn là thi theo các khối truyền thống như từ trước đến nay đã ôn luyện”.

Một học sinh lớp 12 Trường THPT Võ Thị Sáu, Q.Bình Thạnh, TP.HCM cho rằng bây giờ muốn thay đổi cũng không kịp nữa. Tốt nhất là ôn thi như bình thường, chứ nếu chuyển sang ôn một môn mới thì không kịp vì sau tết học sinh đã phải làm hồ sơ đăng ký dự thi rồi.

Chỉ cần một đợt, nhiều môn thi

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, cho rằng việc cải tiến sẽ giúp thí sinh có nhiều phương án lựa chọn. Tuy nhiên, việc lấy tổ hợp khi chọn xét tuyển nguyện vọng 2 sẽ nảy sinh phiền phức.

“Thí sinh đăng ký nhiều nguyện vọng 2 khác nhau. Bộ có cho phép thí sinh đăng ký đồng thời hai cách này? Vấn đề này cần phải làm rõ cho thí sinh biết. Còn nếu thí sinh chỉ được chọn một để đăng ký nguyện vọng thì phần nào đã hạn chế quyền lợi của họ” - ông Dũng phân tích.

Ông Dũng đề xuất: “Nếu cải tiến cần tính tới việc chỉ tổ chức thi một đợt với sáu môn thi như kỳ thi tốt nghiệp THPT. Cụ thể như đề thi môn toán, hóa (khối A, B), môn văn (khối C, D) thi chung. Ở các môn còn lại lý, sinh, ngoại ngữ... thí sinh được quyền lựa chọn môn thi phù hợp với ngành tuyển những môn tương ứng”.

Theo ông Dũng, việc cho phép thí sinh thi tất cả các môn sẽ tạo thêm cơ cơ hội trúng tuyển cho thí sinh. Từ kết quả đó, lấy tổ hợp điểm theo từng tổ hợp môn thi để xét tuyển.

TS Nguyễn Kim Quang, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM), cũng cho rằng không nên tổ chức một môn thi nhiều lần như hiện nay. Cần có sự điều chỉnh để thí sinh được thi nhiều môn hơn. Các trường cần công bố những môn xét tuyển (theo nhóm ngành, điều kiện hệ số...).

Thí sinh căn cứ vào đó để chọn các môn thi phù hợp với sở trường của họ. Theo đó thí sinh được quyền chọn các môn thi trong số nhiều môn thi trong kỳ thi. Ông Quang nói: “Nếu tổ chức theo tổ hợp sẽ không xét tuyển được các thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1. Tổ hợp là do thí sinh chọn chứ không phải các trường làm việc này”.

Theo Nhóm PV Giáo Dục
Báo Tuổi Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.