Trình độ nhiều giáo viên tiếng Anh dưới chuẩn bốn bậc

Trình độ nhiều giáo viên tiếng Anh dưới chuẩn bốn bậc
TPO - Tại hội nghị triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020, có ý kiến cho biết, nhiều giáo viên dạy tiếng Anh dưới chuẩn từ 3 - 4 bậc.

Hôm nay (19 – 10), Hội nghị triển khai đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 – 2020 (Đề án dạy và học ngoại ngữ 2020) được Bộ GD&ĐT tổ chức trực tuyến tại năm địa phương: Hà Nội, Thái Nguyên, Đà Nẵng, TP.HCM, Cần Thơ.

Đây được đánh giá là đề án lớn, kéo dài hơn 10 năm, liên quan đến gần 80.000 giáo viên và hơn 200 triệu học sinh, sinh viên.

Nhiều giáo viên chưa đạt chuẩn

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Đề án được phê duyệt ngày 30 – 9 – 2008 nhưng đến tháng 6 – 2011 mới được cấp kinh phí từ chương trình mục tiêu Quốc gia về GD&ĐT. Bộ GD&ĐT đã vận dụng và huy động những nguồn vốn khác để có thể tiến hành các công việc chuẩn bị thiết yếu cho Đề án và đã chính thức triển khai được chương trình thí điểm dạy Tiếng Anh tiểu học trong năm học 2010 – 2011”. Như vậy, gần ba năm sau khi đề án được phê duyệt, mới có bước triển khai thực tế đầu tiên.

Cũng theo thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, khó khăn trước mắt và nhiều nhất là khâu đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn. Thực tế này cũng khiến Sở GD&ĐT nhiều địa phương gặp khó.

Ông Lương Văn Cầu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Dương cho biết, hạn chế nhất là giáo viên được đào tạo từ các nguồn khác nhau: “Số giáo viên được đào tạo chính quy từ những cơ sở đào tạo về ngoại ngữ có chất lượng còn thấp, chưa kể số giáo viên được đào tạo không chính quy, hoặc giáo viên chuyển từ tiếng Nga sang dạy tiếng Anh”.

Như vậy, “so với chuẩn của đề án, số giáo viên chưa đạt trình độ theo yêu cầu chiếm tỉ lệ cao ở cả ba cấp, một số lượng nhỏ giáo viên trình độ năng lực thấp hơn so với chuẩn từ 3 – 4 bậc” - ông Cầu nhận định.

Theo đại diện các Sở GD&ĐT, bên cạnh trình độ năng lực ngoại ngữ chưa đáp ứng được, nhiều giáo viên còn yếu về phương pháp giảng dạy, do ý thức tự bồi dưỡng chưa cao và vì chưa có nhiều cơ hội được tham gia các lớp bồi dưỡng do các chuyên gia nhiều kinh nghiệm giảng dạy; ít cơ hội giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của giáo viên từ những nước nói tiếng Anh.

Thứ trưởng Hiển cho biết, Bộ GD&ĐT nhấn mạnh, cần tiến hành tổ chức rà soát trình độ giáo viên, quy hoạch, xây dựng kế hoạch đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng giáo viên, giảng viên trong các cơ sở giáo dục và đào tạo.

“Kết quả kiểm tra rà soát trình độ năng lực tiếng Anh đối với giáo viên tiếng Anh dạy tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông cho thấy, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn không cao. Số lượng giáo viên tiếng Anh bậc tiểu học còn thiếu về số lượng và yếu về năng lực ngoại ngữ, cũng như kỹ năng sư phạm tiếng Anh tiểu học”- Thứ trưởng Hiển cho hay.

Thu hút tình nguyện viên nước ngoài

Góp ý về các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo viên, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân- Trưởng ban chỉ đạo của Chính phủ về thực hiện Đề án dạy và học ngoại ngữ 2020 cho rằng, cần dần dần hình thành hệ thống giáo viên tình nguyện dạy tiếng Anh cho các địa phương.

Theo Phó thủ tướng, các địa phương cần có kế hoạch để 2 – 3 năm tới, tất cả giáo viên phổ thông phải được ra nước ngoài, tham quan, học nghiệp vụ ở các trường nói tiếng Anh, làm việc vài tuần ở môi trường ngoại ngữ.

Đại diện ĐH Hà Nội cho rằng, việc tuyển giáo viên dạy chuyên ngành bằng ngoại ngữ đã khó, việc giữ được các giáo viên này còn khó hơn.

Do đặc thù công việc, việc soạn bài, giảng dạy của nhóm giáo viên này thường mất nhiều thời gian, công sức trong khi thù lao theo giờ giảng dạy không cao, do học phí không thể tăng hơn mức quy định.

Trong khi đó, một giáo viên dạy kế toán bằng tiếng Anh có thể thu nhập 2.000 USD/tháng khi làm cho một công ty kiểm toán nước ngoài, còn dạy ở trường đại học, lương chỉ 4-5 triệu đồng/tháng.

Chính vì vậy, cần có chính sách khuyến khích đội ngũ giáo viên này như học bổng đào tạo nâng cao trình độ tại nước ngoài đi kèm với cam kết làm việc cống hiến cho trường. Cơ bản và bền vững nhất là tăng thù lao giờ dạy thông qua chính sách học phí linh hoạt hơn.

Sở GD&ĐT Hải Dương đề xuất, cần hỗ trợ các địa phương, trường trong việc xúc tiến hợp tác quốc tế, tăng cường đội ngũ giáo viên tình nguyện nước ngoài (mỗi tỉnh khoảng 10-15 người) cho các tỉnh.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT Hải Dương còn đưa ra những giải pháp rất thực tế như tạo điều kiện cho đội ngũ cán bộ chỉ đạo chuyên môn và giáo viên ngoại ngữ cốt cán của các tỉnh được đi học tập, bồi dưỡng ngắn hạn hoặc dài hạn ở nước ngoài.

Ông Trần Minh Cả, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, theo đề án dạy và học ngoại ngữ 2020, ngành giáo dục của tỉnh Quảng Nam đang thiếu khoảng 200 giáo viên đủ tiêu chuẩn dạy tiếng Anh bậc Tiểu học, 300 giáo viên đạt chuẩn với bậc THCS. Đa số giáo viên của tỉnh nói tiếng Anh theo kiểu... Việt Nam.

“Chúng tôi đã tiến hành phối hợp với các tổ chức phi chính phủ và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam để thu hút một số người nước ngoài đang làm việc ở Quảng Nam vào làm tình nguyện viên dạy tiếng Anh trong một số trường phổ thông. Cách làm này rất hiệu quả”- ông Cả chia sẻ.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Về Quảng Ninh xem các 'bóng hồng' diện váy đá bóng
Về Quảng Ninh xem các 'bóng hồng' diện váy đá bóng
TPO - Hơn 500 đoàn viên, thanh niên của Quảng Ninh tham gia giao lưu các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao tại xã Đại Dực, huyện Tiên Yên. Đây là hoạt động nằm trong Ngày hội văn hóa, thể thao thanh niên năm 2024, chào mừng thành công Đại hội đại biểu toàn quốc Hội LHTN Việt Nam lần thứ IX, nhiệm kỳ 2024-2029.