Nhập khẩu tăng đột biến

Nếu không quản lý chặt nguyên liệu làm ra các loại thuốc cảm cúm có tiền chất PSE, tội phạm có thể thu gom chiết xuất thành ma túy tổng hợp. Ảnh: L.N
Nếu không quản lý chặt nguyên liệu làm ra các loại thuốc cảm cúm có tiền chất PSE, tội phạm có thể thu gom chiết xuất thành ma túy tổng hợp. Ảnh: L.N
TP - Nguyên liệu Pseudoephedrin HCL (PSE) dùng để sản xuất thuốc trị cảm cúm được nhập khẩu tăng đột biến trong 6 tháng đầu năm. PSE cũng được coi là tiền chất tổng hợp ma túy. Trong khi, hôm qua (30-8), Cục Quản lý Dược và các đơn vị nhập nguyên liệu này cho rằng việc nhập nguyên liệu tuân thủ đúng quy định.

> Bệnh nhân tử vong bất thường do khách quan hay bác sỹ kém?

Nếu không quản lý chặt nguyên liệu làm ra các loại thuốc cảm cúm có tiền chất PSE, tội phạm có thể thu gom chiết xuất thành ma túy tổng hợp. Ảnh: L.N
Nếu không quản lý chặt nguyên liệu làm ra các loại thuốc cảm cúm có tiền chất PSE, tội phạm có thể thu gom chiết xuất thành ma túy tổng hợp. Ảnh: L.N.
 

Đột biến

Nguyên liệu tiền chất tổng hợp ma túy PSE cũng là một thành phần dùng sản xuất các loại thuốc trị cảm cúm được 45 công ty ở Việt Nam nhập khẩu từ nhiều năm nay. Trước đây số lượng nhập rất ít, nhưng 6 tháng đầu năm 2011, chất này được ào ào nhập về.

Những đơn vị nhập nhiều là Công ty cổ phần Dược phẩm BV Pharma, Công ty dược phẩm Thai Nakorn, Công ty CP Dược phẩm Pharbaco, Công ty CP Dược phẩm Savi và Công ty Dược phẩm OPV.

Được biết năm 2010, Công ty BV Pharma được cấp phép mua 1.100kg PSE. Đơn vị này dùng hết hơn 776kg, và còn tồn kho hơn 323kg. Thế nhưng, tại biên bản kiểm tra ngày 13-7-2011 của Cục Quản lý Dược cho thấy, trong 6 tháng năm 2011, công ty này đã mua trong nước hơn 3.555kg nguyên liệu PSE và trực tiếp nhập khẩu khoảng 500kg. Tổng lượng nguyên liệu PSE đã nhập kho phục vụ sản xuất thuốc tại công ty từ tháng 12-2010 đến 30-6-2011 là hơn 4.055kg.

Theo đại diện công ty, số nguyên liệu trên được dùng để sản xuất các mặt hàng thuốc thành phẩm có chứa PSE là Activenose, Biviflu Night và một số thuốc khác. Trong 6 tháng 2011, Công ty BV Pharma sản xuất khoảng 80 triệu viên các loại, bán cho 5 công ty, trong đó, Công ty Dược phẩm Việt Thái mua hơn 40 triệu viên.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, Công ty Dược phẩm Thai Nakorn được mua 3.000kg nguyên liệu PSE năm 2010, thì 6 tháng 2011 là 1.700kg. Năm 2010 Công ty CP Dược phẩm Savi mua hơn 524kg, thì 6 tháng 2011 tăng lên hơn 1.481kg.

Ông Nguyễn Quốc Dũng- Tổng Giám đốc Công ty BV Pharma cho biết, hai tháng qua, đoàn kiểm tra của Cục Quản lý Dược và Sở Y tế TPHCM đã làm việc với công ty về việc nhập khẩu, mua bán và sản xuất thuốc liên quan đến nguyên liệu PSE. Theo kết luận của các cơ quan này, công ty thực hiện đúng quy định.

Ông Trần Tựu- Tổng Giám đốc Công ty CP Dược phẩm Savi cũng cho hay, công ty đã báo cáo Cục Quản lý Dược và Sở Y tế TPHCM việc mua nguyên liệu PSE và sản xuất thuốc đều đúng quy định, không có chuyện khuất tất.

Vào cuộc

Ngày 30-8, trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trương Quốc Cường- Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho biết, Cục đã cấp phép nhập khẩu nguyên liệu tiền chất PSE đúng các quy định hiện hành. “Chúng tôi đang yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ các thông tin về việc có khuất tất trong việc nhập nguyên liệu này về Việt Nam mà báo chí phản ánh”- ông Cường cho biết.

Trong công văn gửi cơ quan truyền thông, ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược cho rằng, thuốc thành phẩm có chứa tiền chất dùng làm thuốc thuốc PSE có hàm lượng dưới 120mg/viên và ở dạng phối hợp là thuốc không kê đơn. Điều này thực hiện đúng quy định tại Thông tư 08/2009/TT-BYT.

Cục Quản lý Dược xét duyệt dự trù nguyên liệu Pseudoephedrin HCl cho các đơn vị sản xuất thuốc trong nước theo đúng quy định của Thông tư 11/2010/TT-BYT. Theo đó, người đứng đầu cơ sở chịu trách nhiệm về số lượng thuốc hướng thần, tiền chất dự trù và tiền chất phải phù hợp với nhu cầu sử dụng của đơn vị. Khi dự trù số lượng thuốc hướng thần và tiền chất vượt quá 50% so với số lượng sử dụng kỳ trước, các cơ sở dự trù phải nói rõ lý do.

Theo ông Thanh, việc duyệt dự trù, cấp số đăng ký lưu hành thuốc thành phẩm dạng phối hợp chưa PSE của Cục Quản lý Dược thời gian qua đều tuân thủ quy định. “Hồ sơ đăng ký thuốc được thẩm định qua tất cả tiểu ban và xét duyệt tại Hội đồng xét duyệt thuốc của Bộ Y tế”- ông Thanh cho biết.

Nguồn tin của Tiền Phong hôm qua cho biết, Văn phòng Chính phủ vừa có công văn yêu cầu Bộ Công an chủ trì phối hợp với Bộ Y tế, Bộ Công Thương chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể việc tăng cường kiểm soát, quản lý tiền chất, hóa chất, dược phẩm có liên quan đến ma túy, đặc biệt các tiền chất, hóa chất, dược phẩm mà tội phạm có thể lợi dụng để sản xuất methamphetamine-một chất gây nghiện.

 
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG