Luật né vấn đề gay cấn của giáo dục

Luật né vấn đề gay cấn của giáo dục
TP - Dự thảo Luật Giáo dục Đại học không có gì mới và tránh né nhiều vấn đề gay cấn của giáo dục.

Chờ 'khoán 10' trong giáo dục đại học

Ý kiến trên được nêu ra trong hội nghị lấy ý kiến xây dựng Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội tổ chức ngày 28 và 29 - 4, tại TPHCM.

GS Phạm Phụ cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, Bộ GD&ĐT trình Quốc hội một dự thảo luật như vậy là không đúng lúc và không có gì mới. “Luật phải là hành lang pháp lý cho một chính sách. Nhưng hiện chúng ta chưa có chiến lược giáo dục cụ thể. Năm 2008, 2009, chúng ta có 2 năm để soạn chiến lược giáo dục và đưa ra xã hội góp ý. Nhưng sau đó, Bộ GD&ĐT lại để rơi vào… im lặng. Tiếp đó, có thông báo kết luận của Bộ Chính trị, yêu cầu Bộ chuẩn bị chiến lược giáo dục trình Đại hội Đảng XI nhưng vẫn không có hồi âm”, GS Phụ nói.

Theo GS Phụ, chưa có chiến lược mà “nhảy vào làm luật” là quy trình ngược. Do đó, nhiều vấn đề có tính chất “gay cấn, then chốt” thì dự thảo luật này đều tránh né. Cơ cấu hệ thống của một trường ĐH hiện nay của chúng ta như thế nào? Văn bằng như thế nào? Vấn đề phân tầng ĐH còn nhiều rắc rối… “Nên soạn thảo lại luật để trình Quốc hội nghiêm túc hơn, chứ không phải tránh né vấn đề then chốt, liệt kê những vấn đề lặt vặt”, GS Phụ đề nghị.

GS.TSKH Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, nói: “Chúng ta đang đào tạo theo tín chỉ nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, nhưng trong dự thảo lại không đề cập vấn đề này”. PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, Phó hiệu trưởng ĐH Cửu Long cũng cho biết: Trong quy định đào tạo theo tín chỉ do Bộ GD&ĐT ban hành năm 2007 có nói: Đến 2010, tất cả các trường ĐH-CĐ phải thực hiện đào tạo theo quy chế này. “Nhưng đến năm 2010, có rất ít trường thực hiện. Trước việc này, Bộ cũng chỉ thông tin về số liệu thống kê mà không có chế tài hoặc giải pháp cụ thể. Do vậy, nhiều trường chưa vội áp dụng đào tạo theo tín chỉ”, PGS Tống nói.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG