Luật mới, nội dung không mới

Luật mới, nội dung không mới
Luật giáo dục đại học (GDĐH) phải xác lập được quyền tự chủ của các trường ĐH theo tinh thần tự trị ĐH, có những quy định rõ ràng và nhất quán với các văn bản hiện hành về tài chính và quyền sở hữu...

Dự thảo Luật Giáo dục Đại học:

Luật mới, nội dung không mới

> Cải cách giáo dục để giải những bài toán khó
> Cần quy chế phù hợp

Luật giáo dục đại học (GDĐH) phải xác lập được quyền tự chủ của các trường ĐH theo tinh thần tự trị ĐH, có những quy định rõ ràng và nhất quán với các văn bản hiện hành về tài chính và quyền sở hữu...

Đó là những vấn đề được đại diện các trường kiến nghị góp ý với dự thảo Luật GDĐH đang được xây dựng trong hội thảo do Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập tổ chức tại Hà Nội ngày 15-4.

Đông đảo thí sinh và phụ huynh đến nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM (sáng 15-4-2011). Hiện có nhiều ý kiến đề nghị bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH. Ảnh: Như Hùng
Đông đảo thí sinh và phụ huynh đến nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH tại Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM (sáng 15-4-2011). Hiện có nhiều ý kiến đề nghị bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH. Ảnh: Như Hùng.

Có thật sự cần thiết?

PGS.TS Bùi Thiện Dụ, hiệu trưởng Trường ĐHDL Phương Đông, đưa ra ý kiến: “Nếu những nội dung của Luật GDĐH vẫn nằm trong phạm vi nội dung của Luật giáo dục hiện hành, thực tế của GDĐH cũng chưa có vấn đề gì quá bức bách, cấp thiết phải cần đến một bộ luật riêng để giải quyết, thì có lẽ không cần phải soạn thêm một luật nữa”.

Trong khi đó, đại diện nhiều trường ngoài công lập khác bày tỏ quan điểm ủng hộ có một luật riêng cho GDĐH. TS Lê Trường Tùng - hiệu trưởng Trường ĐH FPT - cho rằng: “Cần thiết phải có Luật GDĐH” với lý do “Luật sẽ chi phối một cách thống nhất các hoạt động quản lý của Chính phủ, Bộ GD-ĐT và các cơ quan khác đối với GDĐH và các trường ĐH. Có luật sẽ có một hành lang pháp lý chung cho GDĐH và quản lý GDĐH, không để tình trạng bị hạn chế bởi những văn bản dưới luật như hiện nay”.

Tương tự, bà Trần Thu Hà, hiệu trưởng Trường ĐH Bà Rịa - Vũng Tàu, cho rằng: “Chúng tôi mong mỏi có một luật riêng và một luật mới hơn so với Luật giáo dục”.

Dù còn đôi chút khác nhau trong đánh giá về sự cần thiết nhưng đại diện các trường đều thống nhất quan điểm: Luật GDĐH phải thể hiện được quyền tự chủ của các trường ĐH. Đại diện Trường ĐH Thành Tây, nguyên phó thủ tướng Nguyễn Công Tạn - giờ đây với vai trò sáng lập và quản lý một trường ĐH ngoài công lập - cho rằng: “Cốt tử của Luật GDĐH là phải xác lập quyền tự chủ của các trường ĐH. Nếu không có được tinh thần này, luật vẫn chỉ là những văn bản xa rời thực tế, không tạo ra được sự phát triển thật sự cho GDĐH”.

Có luật để khỏi xin - cho

Ban soạn thảo không tham dự

Trong khi đại diện các trường từ Hải Phòng, Hòa Bình, Hưng Yên, thậm chí từ Vũng Tàu về tham dự hội thảo góp ý cho Luật GDĐH vừa được Bộ GD-ĐT công bố bản dự thảo lần thứ tư, hội thảo lại thiếu vắng sự hiện diện của Bộ GD-ĐT dù đã được mời.

Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên, nhi đồng của Quốc hội - cơ quan sẽ thẩm tra luật này, cử đại diện đến nhưng ban soạn thảo Luật GDĐH đã không có đại diện nào ghi nhận những ý kiến đóng góp cho chính dự thảo luật của mình đang trong quá trình lấy ý kiến để hoàn thiện.

Trên quan điểm đó, ông Nguyễn Công Tạn đánh giá “những quy định trong dự thảo Luật GDĐH đã được Bộ GD-ĐT công bố đều đúng cả nhưng chưa phải là những quy định để làm GDĐH phát triển”.

Ông Bùi Thiện Dụ nhấn mạnh: “Khi đã làm luật cho GDĐH thì phải thể hiện được tinh thần tự trị ĐH. Các quy định trong luật không thể tiếp tục thể hiện cơ chế xin - cho trong quản lý GDĐH như hiện nay”.

Theo TS Lê Trường Tùng, Luật GDĐH phải đảm bảo được một số mục tiêu cơ bản: nâng cao chất lượng đào tạo; mở rộng cơ hội tiếp cận với GDĐH, cơ hội được học tập lên cao sau giáo dục trung học của người học và tạo điều kiện để thu hút đầu tư vào GDĐH. Đạt được ba mục tiêu đó có thể nói luật đã làm phát triển GDĐH.

“Căn cứ những điều trong nội dung dự thảo đang được Bộ GD-ĐT công bố, Luật GDĐH hiện chưa tiếp cận được cả ba mục tiêu này” - ông Tùng đánh giá.

Cần “chính xác hóa”

Chính vì thế, ông Lê Trường Tùng cho rằng, xây dựng Luật GDĐH chính là thời điểm để cơ quan quản lý nhà nước “chính xác hóa” nhiều khái niệm trong GDĐH và có sự thống nhất trong quản lý giai đoạn tới. Đó là những khái niệm và quy định liên quan đến “ĐH - trường ĐH”, “CĐ-CĐ nghề”, “giám đốc ĐH - hiệu trưởng trường ĐH”, “chương trình khung - khung chương trình”, “ngành - chuyên ngành”...

Ông Tùng dẫn chứng “quy định về ngành và chuyên ngành trong dự thảo Luật GDĐH của bộ hiện nay vừa sai vừa đọc không thể hiểu được. Không thể đưa vào luật những quy định mà để hiểu kiểu gì cũng được”. Ý kiến này được nhiều đại biểu tham dự hội thảo tán thành.

Ông Nguyễn Công Tạn kiến nghị: “Khi soạn thảo Luật GDĐH, để những quy định trong luật có giá trị thực tiễn và áp dụng được lâu dài, Bộ GD-ĐT cần có những thay đổi căn bản trong quản lý GDĐH và được cụ thể hóa vào luật.

Với quan điểm “Không thể bàn làm luật cao siêu đâu đâu nhưng còn thực tế cuộc sống lại khác xa”, ông Tạn đề nghị bộ cần thực hiện ngay việc bỏ kỳ thi tuyển sinh ĐH hiện nay, bỏ quy định về xin mở mã ngành đào tạo và bỏ việc giao, phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh. Những vấn đề đó cần trả về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các trường ĐH.

Ngoài ra, “để chống xu hướng chạy theo số lượng nhằm đạt mục tiêu kinh tế, thương mại hóa trường ĐH, móc túi người dân để nuôi một số người, bộ phải kiên quyết ban hành các tiêu chí quản lý chất lượng” - ông Nguyễn Công Tạn kiến nghị.

Công tư không thể như nhau

Bà Trần Thu Hà cho rằng, trong dự thảo luật có điểm rất mâu thuẫn. Luật xác định có ba loại hình trường: trường công lập, trường ngoài công lập và trường có yếu tố đầu tư nước ngoài. Nhưng các quy định về tài chính trong dự thảo luật lại gom chung cho cả ba loại hình. Vì thế có những quy định không phù hợp, thậm chí bất hợp lý, không khả thi với từng loại hình trường.

Bà Hà đề nghị trong luật phải cơ cấu lại quy định về tài chính, phải có ba điều riêng cho ba loại hình trường khác nhau

Ông Lê Trường Tùng cũng bày tỏ quan điểm gộp hai loại hình trường công, trường tư vào một để quản lý trong khi trên thực tế hai loại hình trường này hoạt động theo hai cơ chế riêng biệt, khác hẳn nhau - một bên là đơn vị sự nghiệp có thu, một bên hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp - là không khả thi.

Theo Thanh Hà
Tuổi Trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG