Nhiều khu công nghiệp, ít trường mầm non

Trẻ em tại các nhóm trẻ gia đình. Ảnh: Đức Minh
Trẻ em tại các nhóm trẻ gia đình. Ảnh: Đức Minh
TP - “Mấy ngày nay, xem ti vi thấy cảnh người ta hành hạ trẻ nhỏ, lo cho con mình quá”, chị Nguyễn Thị Nga, làm ở khu công nghiệp Biên Hòa 2 (Đồng Nai) nói. Phần lớn công nhân xa quê, có con nhỏ đều gửi con ở nhóm trẻ gia đình.

>> Khởi tố và bắt tạm giam bảo mẫu Trần Thị Phụng

Trẻ em tại các nhóm trẻ gia đình. Ảnh: Đức Minh
Trẻ em tại các nhóm trẻ gia đình. Ảnh: Đức Minh.

Những cụ già làm bảo mẫu

Quê ở Thanh Hóa, chị Nga vào làm công nhân tại một nhà máy trong khu công nghiệp (KCN) Biên Hòa 2 ở TP Biên Hòa. Hai năm trước, chị lập gia đình, chồng chị cũng là công nhân, hai ngươì thuê nhà ở trọ tại phường Long Bình. Không đủ điều kiện thuê người trông con tại nhà và cũng không có trường lớp nào nhận giữ cháu bé mới 8 tháng tuổi, chị Nga đành phải gửi con tại nhà bà Năm Là trong khu phố.

Bà Năm Là trên 60 tuổi, đang trông giữ 5 đứa trẻ. Đứa nhỏ nhất là con chị Nga, đứa lớn nhất 2 tuổi, tất cả đều là con công nhân ở trọ. Bà cho biết mấy năm trước sức khỏe tốt, bà trông đến 7 - 8 cháu.

Ở khu nhà trọ tại phường Trảng Dài, sáng nào cũng vậy, cứ 6 giờ 30 là mẹ con chị Lan dắt nhau rời nhà trọ, mẹ đi làm còn con đi gửi trẻ, đến tối mịt hai mẹ con lại đưa nhau về. Cu Bin con chị Lan, 3 tuổi và gần 3 năm cháu có lộ trình như vậy. Hỏi học trường nào, cháu bi bô kể chuyện đi học, học ở trường bà Sáu, lớp có 3 bạn.

Chị Lan cho biết, chị gửi con ở chỗ bà Sáu từ ngày cháu mới được 7 tháng tuổi. Cháu tới tuổi học mẫu giáo rồi, cũng muốn cho cháu đến trường, nhưng cả hai đều làm công nhân thường phải làm tăng ca, giờ giấc không phù hợp nên rất khó gửi cháu ở trường.

Tìm hiểu nhiều gia đình công nhân, hầu hết gia đình trẻ không có chỗ ở ổn định, thời gian làm việc luôn thay đổi, phải tăng ca, đổi ca liên tục, nên họ khó có thể gửi con đến nhà trẻ, trường mẫu giáo và các trường cũng không nhận giữ trẻ dưới 18 tháng. Do đó, những nhà trẻ tự phát tại gia theo kiểu một cô vài ba trò là sự lựa chọn duy nhất đối với nhiều gia đình công nhân.

Nhiều trẻ em đang sống tại các khu phòng trọ ngày ngày chỉ biết quanh quẩn với cô bảo mẫu lớn tuổi hoặc người thất nghiệp lấy nhà ở, thậm chí là phòng trọ làm nơi giữ trẻ. Đến đây, các cháu chỉ biết ăn và ngủ, không được dạy các kỹ năng cần biết ở độ tuổi của mình.

Trong những năm qua, tỉnh Đồng Nai phát triển hàng chục KCN. Tất cả các huyện, thị, thành phố trong tỉnh đều có KCN, cụm công nghiệp, thu hút trên 278.000 công nhân nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Chờ xã hội hóa

Theo Sở GD&ĐT Đồng Nai, hiện nay số lượng trẻ em trong độ tuổi mầm non rất nhiều, đặc biệt là ở vùng có KCN hoặc những nơi có nhiều người dân làm công nhân, buôn bán không có điều kiện chăm sóc con, trong khi đó mỗi xã chỉ có một trường mầm non hay trường mẫu giáo công lập. Số trẻ trong độ tuổi nhà trẻ được đến lớp rất hạn chế do thiếu cơ sở vật chất, giáo viên.

Bà Chu Như Ý, Trưởng phòng mầm non - Sở GD&ĐT Đồng Nai, cho biết, một nghị định năm 2002 quy định tập trung đầu tư cơ sở vật chất xây dựng trường mầm non cho khu vực vùng sâu, vùng xa nên từ nhiều năm nay khu vực TP Biên Hoà không phát triển thêm trường mầm non, vì vậy chủ yếu kêu gọi xã hội hóa giáo dục. Trong khi đó, với mật độ KCN lớn, nhu cầu trường lớp cho trẻ mầm non rất cao. Hiện nay, gần 35 ngàn cháu ra lớp, chưa kể nhiều cháu đang được gửi ở các cơ sở giữ trẻ không phép.

Phần lớn các doanh nghiệp không chú trọng việc đầu tư cơ sở giáo dục cho con em công nhân. Hiện nay, trên địa bàn Đồng Nai mới chỉ có tập đoàn Phong Thái đầu tư một trường mầm non ở huyện Trảng Bom để phục vụ nhu cầu gửi con của công nhân và Cty Tín Nghĩa đầu tư xây tặng 2 trường mầm non cho huyện Long Thành và Nhơn Trạch, chủ yếu phục vụ cho con em công nhân.

Bà Nguyễn Phước Mạnh, Trưởng ban nữ công Liên đoàn Lao động Đồng Nai cho rằng, nghịch lý là phụ nữ chỉ được nghỉ hộ sản 4 tháng, trong khi không có cơ sở giữ trẻ ở độ tuổi này. Đồng Nai có tỷ lệ công nhân, đặc biệt là công nhân nữ đông và số chị em lập gia đình mỗi năm tăng, nhưng thiếu cơ sở giữ trẻ cho con công nhân. Tuy nhiên, luật không có quy định buộc doanh nghiệp phải lo đầu tư cơ sở giáo dục cho con em công nhân.

Trước nhu cầu gửi trẻ cao, các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đã phát triển nhanh, giảm bớt gánh nặng cho ngành giáo dục về đầu tư cơ sở vật chất. Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở GD&ĐT Đồng Nai, các cơ sở mầm non tự phát thường có quy mô nhỏ, hầu hết không đủ điều kiện để hoạt động, cơ sở vật chất chưa phù hợp, chủ yếu là tận dụng phòng sinh hoạt chung với gia đình để làm nơi giữ trẻ, chật hẹp, thiếu ánh sáng, vệ sinh môi trường không đảm bảo.

Người giữ trẻ đa số lớn tuổi, không có chuyên môn nghiệp vụ. Các nhà, nhóm trẻ phát sinh do chủ nhà không có việc làm, lúc đầu giữ vài cháu cho người thân, rồi hình thành nghề giữ trẻ. Nhiều cơ sở đã thu hút phụ huynh bằng cách thu học phí thấp nên chất lượng bữa ăn thấp và điều kiện phục vụ chưa đảm bảo.

Theo thống kê của Sở GD& ĐT Đồng Nai, hiện TP Biên Hòa là nơi có các trường mầm non, nhóm trẻ ngoài công lập nhiều nhất tỉnh với 21 trường mầm non tư thục, 383 nhà trẻ, nhóm trẻ. Riêng nhóm trẻ không phép, nhóm giữ trẻ chui, Sở GD&ĐT cho rằng rất khó quản lý, và đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Trong khi đó, các địa phương nơi có nhiều nhóm trẻ tự phát nhìn nhận, cấp phường, xã có trách nhiệm cấp phép cho các nhóm trẻ, nhưng không có cán bộ chuyên trách nên cũng không thể nắm hết được các nhóm giữ trẻ chui.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sàn thương mại điện tử 1688 của Trung Quốc ra bản tiếng Việt và ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam Ảnh: Ngọc Linh
1688 ồ ạt quảng cáo bán hàng vào Việt Nam
TP - Chỉ một thời gian ngắn sau khi xuất hiện bản tiếng Việt, sàn thương mại điện tử bán buôn 1688 của Trung Quốc liên tiếp tung ra các chương trình khuyến mại, tiếp thị nhằm vào người tiêu dùng Việt Nam với mức giá khá rẻ so với các sàn thương mại điện tử trong nước.