Ống kim tiêm, bao cao su rải rác tại bãi đất trống phía trước nhà điều hành Đại học Quốc gia. |
Côn đồ tập kết
Cách đây không lâu, lực lượng dân phòng cùng Công an xã Đông Hòa (Dĩ An, Bình Dương) kiểm tra một phòng trọ trong khu Hội quán sinh viên ở ấp Tân Lập, phát hiện hàng chục viên đạn dùng cho súng tiểu liên, nhiều mã tấu và ống tuýp sắt. Bảy đối tượng đã được đưa về trụ sở Công an huyện Dĩ An để làm rõ.
Người dân trong khu vực cho biết, trước đó, nhóm người này đã gây ra nhiều vụ đánh nhau, trấn lột gây hoang mang cho sinh viên đang sinh sống và học tập tại làng ĐH.
Điều đáng nói là sự xuất hiện của các đối tượng xấu có thể khiến sinh viên trong làng bị lôi kéo vào các tệ nạn, đặc biệt là nghiện ma túy. Kim tiêm đã qua sử dụng được tìm thấy tại nhiều nơi thuộc địa bàn này. Không ít sinh viên khi đi dạo hoặc cắm trại ở một số nơi như hồ đá, bãi cỏ vắng đã giẫm phải kim tiêm.
Một số sinh viên còn bị côn đồ dùng dao, ống tiêm đe dọa nhằm cướp giật, xin đểu. Đơn cử như trường hợp của Cương - một sinh viên năm thứ 4 của ĐH Kinh tế - Luật bị đâm trọng thương và bị cướp xe ngay trước nhà điều hành của Đại học Quốc gia cách đây hơn một tháng.
Ngoài những tay anh chị là người địa phương, còn có sự a dua của một số sinh viên, cung phụng tiền bạc cho nhóm này để gây gổ, đánh nhau... Có những sinh viên chỉ cần là “em” của một “đại ca” nào đó là có thể tác oai, tác quái trong làng.
Bà Tư đang dạy chữ cho trẻ nghèo. Ảnh: Nguyễn Hiền. |
Thất học trong làng đại học
Từ lâu những đứa trẻ ở Làng ĐH Thủ Đức chỉ biết chơi với đất cát, gạch đá. Đứa nào lớn một chút thì đi nhặt rác để kiếm tiền phụ giúp cha mẹ. Những người này đều là dân nhập cư từ các tỉnh miền Tây tới đây làm phụ hồ, bán hàng rong... Phần vì nghèo, phần vì không có giấy khai sinh nên việc đến trường của con cái họ gặp rất nhiều khó khăn.
Làng Đại học Thủ Đức là khu đô thị ĐH quy mô hàng đầu cả nước. Tại đây tập trung các trường lớn như: ĐH Quốc gia (với 8 trường, 2 viện được quy hoạch trên diện tích 650ha), ĐH Việt - Đức, Viện Công nghệ Sinh học, ĐH Nông Lâm, ĐH An ninh, ĐH Thể dục - Thể thao Trung ương 2, khu Công nghệ cao (1.000ha), ĐH Sư phạm kỹ thuật Thủ Đức, ĐH quốc tế Bình Dương và nhiều trường khác… |
Thương những đứa trẻ không có điều kiện học chữ, vợ chồng bà Tư đã mở ra một lớp học tình thương ngay trên khuôn viên làng đại học. Những ngày đầu, lớp chẳng có bàn ghế, học trò phải ngồi bệt xuống đất mà viết. Thấy vậy, ông bà lại đi vận động các chủ lò gạch gần đó ủng hộ tiền xây trường.
Hai phòng học khang trang được xây dựng, nhưng số lượng trẻ đến lớp chỉ đếm trên đầu ngón tay do các gia đình chỉ muốn con cái ở nhà trông em hoặc phụ giúp kiếm tiền. Vợ chồng bà Tư lại đến từng nhà động viên các gia đình cho con đi học. Nhờ vậy, số học sinh ngày tăng dần lên.
Đến nay, đã 16 năm trôi qua kể từ cái ngày đầu tiên mở lớp. Gần 1.000 học sinh được xóa mù chữ và “tốt nghiệp”. Lớp học của ông bà Tư hôm nay có đầy đủ bàn ghế, bảng đen, phấn trắng. Số lượng trẻ theo học cũng tăng lên. Bà Tư nói: “Đa phần trẻ con ở khu này được vận động đi học. Hằng ngày các sinh viên tình nguyện cũng tới phụ giúp dạy học cho bọn trẻ”.
Được biết, tới đây sẽ giải tỏa toàn bộ khu vực này, ông bà Tư nay cũng đã qua cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, chẳng biết còn đứng lớp được bao lâu nữa, lớp học tình thương rồi cũng tới ngày giải tán. Cả một khu làng ĐH rộng lớn không có một ngôi trường dạy chữ cho đám nhỏ. “Ông bà Tư nghỉ dạy thì tui cũng cho con nghỉ học, tiền ăn còn phải lo kiếm từng bữa một thì lấy đâu ra tiền đóng học phí ở trường” - chị Cúc, bán nước mía gần cổng ĐH Khoa học Tự nhiên, nói.
Không còn lớp học, những đứa trẻ này rồi sẽ phải quay lại với nghề vác bao nhặt rác kiếm tiền. Cái vòng luẩn quẩn nghèo đói, thất học rồi sẽ cứ quấn lấy các gia đình từ đời này qua đời khác.