Có một 'Quốc văn Giáo khoa Thư' mới

Bộ sách lớp một do nhóm Cánh Buồm biên soạn. Ảnh: L.L
Bộ sách lớp một do nhóm Cánh Buồm biên soạn. Ảnh: L.L
TP - Cuối cùng, nhóm Cánh Buồm, dưới sự chủ trì của nhà giáo Phạm Toàn, tức nhà văn Châu Diên, cũng biên soạn xong bộ sách lớp một. Họ tự tin bộ mới “đúng hơn, đẹp hơn, hấp dẫn hơn, dễ thực hiện hơn“ và tái hiện những phần ưu tú nhất của 'Quốc văn Giáo khoa Thư'.
Bộ sách lớp một do nhóm Cánh Buồm biên soạn. Ảnh: L.L
Bộ sách lớp một do nhóm Cánh Buồm biên soạn. Ảnh: L.L.

Trong quá trình biên soạn, Cánh Buồm kế thừa kết quả thực nghiệm công nghệ giáo dục do TS Hồ Ngọc Đại thiết kế và tổ chức hàng chục năm qua. Toàn bộ bản thảo được chuyển tới Nhà xuất bản (NXB) Tri Thức. Nhân dịp này, NXB Tri Thức mời nhóm Cánh Buồm dạy mẫu một số tiết theo đúng sách giáo khoa do chính họ biên soạn để giới thiệu trên truyền hình, trên mạng internet, như một quảng cáo trực quan.

Học thuộc lòng - Cũ mà vẫn mới

Nhóm Cánh Buồm đã thực hiện giấc mơ có một Quốc văn Giáo khoa Thư (QVGKT) ngày xưa. Đương nhiên, không ai dại gì lại vác nguyên xi chúng ra làm làm sách giáo khoa cho học trò bây giờ. Mơ ở đây là mơ một chừng mực biên soạn cùng phương pháp của các thày giáo giỏi lại hết lòng vì học trò của mình hồi đó gồm Trần Trọng Kim, Nguyễn Văn Ngọc, Đặng Đình Phúc, và Đỗ Thận.

Nhà giáo Phạm Toàn cho rằng “Sách ta này cũng dùng văn chương để chuyên chở ngữ pháp, cũng dùng chủ điểm để cung cấp từ ngữ và, qua phần văn chương, kết hợp đem đến cho học sinh kiến thức lịch sử, đạo đức, địa lý, khoa học thường thức hoặc văn hóa”.

Về phương pháp học, nhà giáo Phạm Toàn trích nguyên xi bài khóa số 51: “Thằng Bút…đọc cả bài ngụ ngôn - văn vần hai ba lượt, rất có ý và nhận nghĩa cho thật hiểu. Nó đọc câu đầu, rồi không nhìn vào sách đọc lại không sai chút nào. Nó học sang câu thứ hai. Thuộc rồi, đọc lại cả câu đầu. Rồi nó học luôn như thế cho đến câu cuối cùng. Sau, Bút đọc lại cả bài năm bảy lần. Lúc bấy giờ, gấp sách lại, đọc làu làu…”.

Cách học thuộc lòng như thế lại bị các nhà sư phạm hiện đại ngày nay lên án là “tầm thường và sai lầm tai hại về khoa học”.

Trong khi đó, nhà giáo - ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo lại một mực coi học thuộc lòng ca dao, tục ngữ là cách thích hợp nhất với trẻ nhỏ. Không học thuộc lòng, trẻ làm sao học nói được đây. Với lại, cách học ngoại ngữ tiên tiến và hiệu quả hiện nay không gì khác vẫn là học thuộc lòng những câu mẫu, và chưa cần biết văn phạm, cú pháp là gì.

Hơn một lần, Cao Xuân Hạo chỉ ra rằng: “Trong mấy năm đầu tiểu học, nhiệm vụ của nhà trường là dạy cho học sinh biết đọc và biết viết. Thích hợp nhất với mấy năm đầu học chữ chính là kho tàng ca dao, tục ngữ, chứa đựng trăm nghìn áng văn đẹp nhất, hay nhất, bổ ích nhất…Trẻ cần thuộc lòng để thấm nhuần những mẫu mực về hành văn chứa đựng linh hồn tiếng Việt dưới hình thức giản dị và súc tích nhất”.

Đánh vần a bờ cờ - Cũ lại càng cũ

Học thuộc lòng các bài ca dao, tục ngữ khác hoàn toàn với việc bắt trẻ học chữ thông qua đánh vần rối rắm a bờ cờ hôm nay. Đánh vần là lối học lạc hậu, thế giới đã bỏ từ lâu. Đố ai học tiếng Pháp, tiếng Anh lại bắt đầu từ đánh vần. Trong tiếng Pháp, o, oh, au, eau, aux, eaux, haut… đọc ráo là ô tất.

Với cách dạy a bờ cờ hôm nay, các sách giáo khoa tiếng Việt lại cứ thể như đoạn tuyệt ca dao, tục ngữ. Vì sao vậy? Một là, ca dao, tục ngữ không cho phép máy móc áp ngữ pháp châu Âu để phân tích văn phạm đâu là chủ ngữ đâu là vị ngữ. Hai là, trong ca dao, tục ngữ của ta, lại không thấy các thời của động từ như “đã, đang, sẽ” như các ngôn ngữ hệ Ấn - Âu. Cũng như nhiều tiếng trong vùng Đông Nam Á, tiếng ta là một ngôn ngữ không có thời (a tenseless language).

'Quốc văn Giáo khoa Thư' gồm những tập cho lớp đồng ấu-enfantin (lớp một), dự bị-préparatoire (lớp hai), sơ đẳng-élémentaire (lớp ba). Bộ sách được xuất bản năm 1935, với nội dung tương thích thời nước ta còn tăm tối thuộc Pháp. Thực tế, nó phải xếp sau sách học tiếng Pháp ở trường tiểu học dành cho trẻ con thuộc địa như Le Livre Unique de Francais.

Cái hay, cái đẹp của ca dao tục ngữ luôn được tự hào là hàm ý, hàm ngôn. Không chỉ không phân tích theo các tiêu chuẩn ngôn ngữ Ấn - Âu được, mà còn rất khó diễn nghĩa.

Ví dụ, Ăn vóc học hay, không phải ai cũng hiểu ngay được là ăn cho có sức vóc, học để hiểu để biết, để hay. Tương tự với câu Rắn mai tại lỗ, rắn hổ về nhà là bị rắn mai cắn, chết ngay tại chỗ, còn bị rắn hổ mổ, còn lết được về nhà…

Chính nhà giáo Phạm Toàn cũng phải đặt câu hỏi thắc mắc là vì sao QVGKT lại thành công đến thế: “Nhiều người là học trò thời QVGKT chỉ được học tiếng Việt trình độ cỡ thằng Bút. Lên tiếp bậc trung học, họ học toàn tiếng nước mẹ (tiếng Pháp). Vậy tại sao có nhiều người sau này giỏi tiếng Việt đến vậy”.

Rõ ràng là từ cái gốc cơ bản học QVGKT mà yêu tiếng Việt, rồi tự trau dồi mà thành. Vậy ra điều cốt yếu của sách giáo khoa là làm sao cho học trò hứng thú học, học chăm, học giỏi để cất cho mình lâu đài kiến thức, văn hóa, đạo đức, đặng lớn lên làm người văn minh, bác ái.

MỚI - NÓNG