10. Môi giới nhà đất
“Nhân viên môi giới nhà đất phải làm việc nhiều giờ mỗi ngày, liên tục dẫn khách hàng đi hết nơi nọ đến chỗ kia và thuyết phục khách mua ít nhất một căn trong số đó. Nghề này căng thẳng vì tính cạnh tranh rất khốc liệt, họ phải hoàn thành định mức nhà bán được và đối mặt với áp lực hạn chót. “Những nhân viên môi giới thành công phải là một chuyên gia thực sự trong lĩnh vực bán hàng”, hãng nghề nghiệp CareerCast nói.
9. Sếp ngành quảng cáo
“Dù không yêu cầu nhiều về thể chất, nghề quảng cáo đòi hỏi rất cao về chất xám và cảm xúc. Tính cạnh tranh và áp lực trong lĩnh vực này khiến các nhà lãnh đạo luôn cảm thấy căng thẳng, làm việc liên tục, không cố định giờ giấc. Nghề quảng cáo còn đòi hỏi phát huy tối đa tính sáng tạo, quan tâm đến từng chi tiết nhỏ. Do đó, nó được xếp hạng 9 trong số những nghề căng thẳng nhất nước Mỹ.
8. Quan hệ công chúng
Chuyên gia quan hệ công chúng (PR) phải diễn thuyết và thuyết trình rất nhiều trước đám đông. Đây cũng là lĩnh vực có tính cạnh tranh cao nên người làm nghề luôn phải đưa ra quyết định nhanh chóng, luôn có rất nhiều hạn chót phải hoàn thành.
7. Cảnh sát công lộ
Cảnh sát công lộ thường phải làm việc ngày lẫn đêm, cả cuối tuần và những ngày nghỉ. Đặc biệt ở Mỹ, người làm nghề còn đối mặt với nhiều rủi ro như đua xe trên đường hay những vụ đấu súng, vốn không hiếm tại quốc gia này.
6. Phi công thương mại
Đối với những người làm phi công cho máy bay thương mại, căng thẳng đến từ áp lực phải duy trì sự thoải mái và an toàn cho hàng khách. Đồng thời họ đối mặt với lịch bay liên tục, kéo dài cả chục giờ đồng hồ mỗi chuyến, đôi khi còn trong điều kiện thời tiết xấu. Giờ giấc không ổn định và tình trạng lệch múi giờ liên tục cũng khiến các phi công cảm thấy mệt mói.
5. Cảnh sát
Hơn ai hết, cảnh sát ở Mỹ đối mặt với các tình huống mang tính đe dọa hàng ngày. Ca làm việc kéo dài nhiều giờ với nhiều hiểm nguy, đặc biệt trong những tình thế khẩn cấp là nguyên nhân khiến các chú cảnh sát cảm thấy stress liên tục. Họ không những phải có trí tuệ, mà thể chất cũng phải khỏe mạnh.
4. Bác sĩ phẫu thuật
Bác sĩ phẫu thuật cũng phải làm việc không theo giờ giấc cố định. Nhiều cuộc phẫu thuật còn kéo dàng hàng tiếng đồng hồ. Nghề này đặc biệt căng thẳng ở chỗ đòi hỏi tính chính xác cao đến từng chi tiết. Một quyết định trong tích tắc cũng có thể ảnh hưởng đến sự sống và cái chết của bệnh nhân.
3. Tài xế taxi
Giờ giấc cũng là yếu tố khiến lái taxi trở thành một trong những nghề căng thẳng nhất nước Mỹ. Tài xế phải làm việc liên tục ngày lẫn đêm. Kể cả ngày nghỉ, lễ tết họ cũng không được nghỉ ngơi vì nhu cầu đi lại của khách hàng luôn thường trực. Nhất là ở các thành phố lớn của Mỹ, nơi có áp lực giao thông lớn, tỷ lệ tai nạn cao càng khiến các bác tài thêm phần căng thẳng. Không những thế, tài xế taxi luôn là đối tượng nằm trong vòng nguy hiểm vì bọn trộm cắp thường nhắm đến túi tiền của họ.
2. Giám đốc doanh nghiệp
Tính cạnh tranh khốc liệt trên thị trường kinh doanh, tài chính Mỹ khiến các giám đốc doanh nghiệp cảm thấy luôn căng thẳng. Một ngày của họ kín lịch từ sáng đến tối, luôn phải đưa ra các quyết định có thể ảnh hưởng đến hàng trăm nhân viên cũng như kết quả kinh doanh của cả công ty.
1. Nhân viên cứu hỏa
Mặc dù đây có rất ít tính cạnh tranh, cứu hỏa được xem là nghề căng thẳng bậc nhất ở Mỹ, vì nhân viên phải làm giờ giấc không cố định. Bất cứ khi nào, kể cả giữa đêm họ vẫn phải lên đường đi dẹp lửa mỗi khi có cuộc gọi. Ngoài ra, nhân viên cứu hỏa luôn phải đối diện với hiểm nguy như bị bỏng, ngạt khói hay những chấn thương nghiêm trọng. Nhiều khi họ làm việc liên tục trong thời tiết giá lạnh để dập lửa trong những trận cháy lớn.
Phượng Uyên
Theo CNBC