Sau khi xây dựng kế hoạch chi tiết, Trung đoàn cho tuyên truyền vận động đến từng chiến sĩ bằng thư ngỏ nêu ý nghĩa của việc thực hành tiết kiệm, góp phần hướng tới tương lai.
Tiếp đó, BCH Đoàn tổ chức diễn đàn thanh niên với chủ đề sống giản dị, tiết kiệm bằng những hình thức như sân khấu hóa, kể chuyện về gương sáng giản dị, tiết kiệm; nêu những câu danh ngôn, tục ngữ, thành ngữ liên quan.
Tiếp đến, Trung đoàn tổ chức cho từng chiến sĩ xây dựng và đăng ký kế hoạch thực hiện, nêu những dự định sử dụng số tiền gửi tiết kiệm sau khi xuất ngũ...
Theo đó, sau khi lấy tiền phụ cấp hằng tháng, mỗi chiến sĩ tự cân đối đủ số tiền cần thiết phục vụ chi tiêu cá nhân trong tháng (như mua kem đánh răng, xà phòng…), số tiền còn lại tự nguyện gửi tiết kiệm cho đến khi hết thời hạn phục vụ trong quân ngũ.
Cơ quan tài chính Trung đoàn chủ động cử cán bộ tham mưu và phối hợp với Đoàn thanh niên lập sổ theo dõi, tiếp nhận và quản lý số tiền gửi tiết kiệm đến từng trường hợp (số tiền này được gửi ngân hàng với lãi suất không kỳ hạn).
Trường hợp gia đình, bản thân chiến sĩ gặp khó khăn đột xuất, đơn vị sẽ rút tiền thanh toán, đáp ứng nhu cầu.
Hiệu quả thiết thực của việc gửi tiết kiệm thu hút tất cả chiến sĩ của đơn vị tự nguyện tham gia. Các chiến sĩ trích tiền phụ cấp hằng tháng gửi tiết kiệm từ 200.000đồng-400.000đồng.
Tổng số tiền gửi tiết kiệm của cả Trung đoàn hiện nay được gần 400 triệu đồng. Binh nhất Nguyễn Minh Nhật (nhập ngũ tháng 2 - 2011, quê xã An Phú Tây, huyện Bình Chánh, TP HCM) tâm sự: “Nhờ tham gia phong trào, tôi có được ý thức sử dụng đồng tiền hợp lý, hiệu quả, không chi tiêu lãng phí. Còn ít tháng nữa ra quân, tôi sẽ sử dụng số tiền gửi tiết kiệm để học nghề”.
“Phong trào giúp giáo dục ĐVTN thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; đồng thời xây dựng ý thức, trách nhiệm, kỹ năng sống cho thế hệ trẻ, biết sống và chăm lo cho cuộc sống tương lai của gia đình và bản thân sau này”, Thượng tá Lê Lương Quyền, Chính ủy Trung đoàn nhấn mạnh. |