>81 Bí thư đoàn cơ sở nhận giải thưởng 26-3
>'Thủ lĩnh' Đoàn lao vào việc khó
Là gương mặt trẻ tuổi nhất nhận Giải thưởng 26-3 năm nay, Đỗ Ngọc Nhung (SN 1994), Bí thư đoàn trường THPT Phan Đình Phùng (Hà Nội) gây ấn tượng với nhiều sáng kiến độc đáo, khơi dậy được tinh thần xung kích tình nguyện của các bạn trẻ. Với mô hình CLB tình nguyện mùa xuân, hằng năm cứ vào ngày đi học đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán, CLB phát động phong trào gây quỹ từ thiện kêu gọi sự ủng hộ của học sinh, thầy cô trong toàn trường. Theo Ngọc Nhung, hình thức gây quỹ này rất hiệu quả và ý nghĩa, bởi sau dịp Tết bạn nào cũng có tiền mừng tuổi để ủng hộ. Tết vừa rồi, CLB gây quỹ được gần 18 triệu đồng. Ngoài ra, Nhung thường đi xin tài trợ từ các doanh nghiệp, tổ chức từ thiện gây quỹ để giúp đỡ, thăm hỏi trẻ em nghèo, khuyết tật trên địa bàn Hà Nội, hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong trường. Vào mỗi dịp hè, Nhung thường tổ chức cho các bạn trẻ trong trường đi tình nguyện giao lưu, kết nghĩa với học sinh nghèo vùng cao.
Năng nổ, hăng hái với các hoạt động Đoàn, trong học tập Nhung cũng không kém phần xuất sắc với 12 năm liền là học sinh giỏi; Học sinh giỏi Thủ đô tiêu biểu 2009, 2011… Nhung còn là vận động viên bóng rổ của TP Hà Nội với thành tích huy chương Bạc giải trẻ toàn quốc năm 2011…
Giải thưởng 26-3 năm nay có thêm nhiều gương mặt Bí thư Đoàn cơ sở là người dân tộc thiểu số không ngại dấn thân và sáng tạo giúp ĐVTN địa phương làm giàu. Hờ A Phử (SN 1985), dân tộc H’Mông, Bí thư Đoàn xã Xà Hồ, Trạm Tấu (Yên Bái) có sáng kiến đưa cây táo mèo vào trồng đại trà, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Anh chủ động tìm hiểu kỹ thuật canh tác, trồng và chăm sóc cây táo mèo, vận động ĐVTN thực hiện thí điểm mô hình trồng táo mèo dưới tán rừng phòng hộ trên diện tích 40ha, với hơn 1.000 ngày công. Sau khi trồng đã bàn giao lại diện tích này cho các hộ gia đình chăm sóc; đồng thời khai thác, nhân rộng trong ĐVTN.
Đoàn xã giúp ĐVTN phát triển kinh tế với số vốn vay gần 1,8 tỷ đồng từ các chương trình Đoàn nhận ủy thác từ Ngân hàng chính sách xã hội; phối hợp, giúp đỡ 250 đoàn viên học nghề tại Trung tâm dạy nghề.
Bế Thị Uyên (SN 1985), dân tộc Tày, Bí thư Đoàn xã Lương Hạ, Na Rì (Bắc Kạn) có sáng kiến phát triển mô hình trồng rừng và trồng dong riềng góp phần xóa đói giảm nghèo cho ĐVTN trong xã. Hiện có 30 đoàn viên nhận đất trồng rừng, với diện tích trên 30ha; 5 đoàn viên nhận đất trồng dong riềng với diện tích trên 5ha; đồng thời mở 5 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng rừng và dong riềng cho trên 100 ĐVTN; Đoàn xã tín chấp cho 78 hộ đoàn viên thanh niên vay vốn phát triển kinh tế với số tiền trên 2,4 tỷ đồng; mô hình phát triển kinh tế đồi rừng trên bước đầu mạng lại hiệu quả kinh tế cao, trong đó có 3,5 ha đã mang lại thu nhập 70 triệu đồng/ha.
Nhiều cán bộ Đoàn có cách thức tổ chức sinh hoạt, tập hợp thanh niên độc đáo thu hút được đông đảo ĐVTN tham gia hoạt động đoàn. Đỗ Tuyết Trinh (SN 1982), Bí thư Đoàn thị trấn Phố Lu, Bảo Thắng (Lâm Đồng) đề xuất đưa cán bộ, công chức trong độ tuổi Đoàn, đang công tác tại UBND thị trấn về sinh hoạt Đoàn nơi cư trú và giữ các chức danh Bí thư hoặc Phó Bí thư chi đoàn thôn, khu phố. Mô hình này đã phát huy trách nhiệm của cán bộ, công chức trong tham gia xây dựng tổ chức Đoàn; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; chất lượng sinh hoạt ở các chi đoàn.
Đoàn TN Công ty Cổ phần Than Cọc Sáu (Quảng Ninh) có 1.006 đoàn viên sinh hoạt tại 22 chi đoàn. Do đặc thù yêu cầu sản xuất, đoàn viên sản xuất theo ca, Bí thư Đoàn Cty Nguyễn Khoa Bằng (SN 1983) đã xây dựng mô hình “sinh hoạt theo cụm chi đoàn” góp phần đổi mới nội dung, phương thức, tăng nguồn lực cho chi đoàn tổ chức hoạt động. Đồng thời, Nguyễn Khoa Bằng phối hợp Đài Truyền thanh của Cty xây dựng chuyên mục thông tin hoạt động của Đoàn thanh niên, góp phần thông tin, triển khai kịp thời chương trình, kế hoạch hoạt động của Đoàn đến ĐVTN phù hợp với đặc thù sản xuất của đơn vị, tiết kiệm thời gian hội họp; liên kết, phối hợp chặt chẽ với Đoàn TN trên địa bàn dân cư tổ chức các hoạt động hữu ích cho ĐVTN.