Ngôn ngữ và tình yêu thời @

Ngôn ngữ và tình yêu thời @
Một trò tiêu khiển của mấy cậu choai choai 9x là lập “hat-trick” trong tình yêu. Có nghĩa là nếu cậu nào cưa đổ được 3 em một lúc, cùng lúc yêu 3 em thì sẽ được gọi là lập “hat-trick”.
Ngôn ngữ và tình yêu thời @ ảnh 1
9X lên sàn - Ảnh: CAND

Chỉ cần có cảm giác thích một ai đó vì người đó xinh đẹp hoặc sự ngưỡng mộ người đó học giỏi... là dân teen sẵn sàng bỏ hết thời gian vàng ngọc ra để đổi thành “sự ham muốn” của mình.

Có cậu bé đã tiêu tốn hàng triệu đồng tiền điện thoại của gia đình chỉ vì ngày đêm “buôn dưa lê” với "người yêu" của cậu. Chẳng biết chúng nói gì với nhau nhưng vừa đi chơi với nhau về chúng lại nhớ nhung sầu muộn, lại thèm được nghe giọng nói thân thương.

Nhấc máy chỉ để thì thào với nhau nhưng cũng ngót ngét vài tiếng đồng hồ, và cuối cùng thì tiền thanh toán điện thoại cuối tháng bị “vọt xà”. Hình phạt cho cậu ta khi không biết nghe lời bố mẹ và phá hoại tài sản của gia đình là cắt hết tài trợ trong vòng 3 tháng.

Yêu chính là cách 9x thể hiện “đẳng cấp” của mình, nhưng đại bộ phận dân teen đang đùa cợt với tình yêu khi hợp lại tan. Bằng mọi giá phải cưa đổ cô bé này, hoặc làm đủ trò để chinh phục chàng trai kia.

Cô bé Ngọc Anh, học sinh lớp 10 ở một trường nọ yêu đơn phương, say đắm anh chàng lớp 11 vì anh chàng này có khuôn mặt điển trai cùng phong cách rất giống thần tượng của cô - Nick Carter (ban nhạc Back Treets Boy).

Sau nhiều lần tiếp cận bằng cách va chạm, chạy xô đẩy vào anh chàng này, cùng những lá thư bí mật được gửi đến hòm thư của lớp cậu ta, và những mẩu giấy dán ở xe, cô bé này đã thất bại.

Thế rồi nhóm bạn nghịch ngợm của cô vô tình đùa vui, xui cô thực hiện một tình huống rất nguy hiểm để làm quen người yêu trong mộng: gây ra tai nạn. Thế là cô bé nhắm mắt nhắm mũi lao xe máy thật nhanh cắt đường người yêu sau giờ tan học...

Quen nhau khi còn nằm trên giường bệnh viện, Ngọc Anh đã thành công, nhưng cái giá phải trả lại quá đắt, Ngọc Anh bị gãy tay phải, còn thần tượng đáng yêu phải đóng 2 hàm răng giả.

“Ăn chơi thì sợ gì mưa rơi” đó là câu cửa miệng của một nhóm bạn 9x Trường THPT V.Đ. Chúng nói 9x sành điệu là phải biết chơi và yêu.

Nhiều cô cậu học sinh mới bước sang tuổi 18 mà số người yêu đã ngang với con số tuổi đời. Thay người yêu như thay áo, hoặc như thay vỏ chiếc điện thoại đã bị xước. Đó là cách Thành Trung, học sinh Trường V.Đ. thể hiện.

Chuyện 2 cô cậu tuổi teen quần áo đồng phục, vai khoác ba lô rủ nhau vào tiệm vàng mua tặng nhau đôi nhẫn cưới có đính hạt kim cương trị giá 3,5 triệu đồng sau một tháng quen nhau nổi tiếng ở Trường THPT V.Đ.

Không hiểu số tiền lớn như thế các em lấy đâu ra nhưng chỉ biết là để bắt chước theo người lớn, để khẳng định được tình yêu của cậu với cô bé kia thì cậu ta cho rằng “cam kết gắn bó” bằng đôi nhẫn cưới này là cách hữu hiệu nhất.

Thêm một trò tiêu khiển của mấy cậu choai choai 9x nữa, đó là lập “hat-trick” trong tình yêu. Có nghĩa là nếu cậu nào cưa đổ được 3 em một lúc, cùng lúc yêu 3 em thì sẽ được gọi là lập “hat-trick”.

Có khi chẳng gọi là yêu, nhưng đám trẻ có tính tự trọng cao, cùng lòng sĩ diện, nên mỗi khi bạn bè khích bác, thách đố cưa đổ em này, em kia, là chúng sẵn sàng gom hết các em vào “bộ sưu tập” người yêu của mình.

Có lần, Cường (một học sinh TH) đã bị mấy thằng bạn thách cưa đổ cô bé rất xinh xắn, nhưng lại khó tính và tinh tướng. Nếu trong vòng hai tuần mà cưa được, đám bạn cậu sẽ khao ăn uống tưng bừng. Bằng không Cường sẽ phải thực hiện ngược lại.

Cậu ta không còn tâm trí nào để học hành nữa, ngày đêm bày mưu nghĩ kế để tiếp cận, gây sự chú ý của cô bé.

Biết nàng yêu hoa hồng, cậu ta đã đập lợn dồn hết số tiền tiết kiệm để mua 1.000 bông hoa hồng và đêm đó cậu ngồi xếp hình trái tim trước sân nhà cô bé. 6h sáng cậu gọi điện thoại và chỉ xin nàng một điều là hãy ngó ra ban công một phút thôi.

Bất ngờ và xúc động, cầm điện thoại và nghe được một tiếng nói nhỏ nhẹ "anh yêu em", cô bé không kìm được cảm xúc, đã nhận lời yêu Cường.

Những ngày sau đó, Cường lại cưa đổ thêm được vài cô bé cùng trường nữa một cách dễ dàng không cần sử dụng đến “chiêu độc” xếp hoa hồng. Và bây giờ thì cậu nổi tiếng bởi biệt danh “sát thủ hoa hồng”. Lẽ đương nhiên, việc học hành của Cường sa sút hẳn, có lẽ phải ở lại lớp.

Teen đã yêu thì phải yêu thật oách, đó là cách nhìn nhận của cô bé H.H., hoa khôi Trường THPT P.B.C. Cô bé này chọn người yêu rất thoáng, không cần quan tâm đến chuyện học hành và tiểu sử của những chàng trai mà cô thích.

Chỉ cần cậu ta đẹp trai, giàu có, chịu chơi nữa để có thể hãnh diện dạo phố phường, vào những chốn ăn chơi đắt đỏ sành điệu là cô bày tỏ tình cảm yêu thích của mình đến người yêu tuyệt vời này ngay.

Ngày kỷ niệm tình yêu tròn 1 tháng tuổi, anh chàng ga lăng đã đặt một bàn tiệc trên vũ trường nổi tiếng của dân sành điệu, bạn bè cô bé thì suýt xoa khen cô sướng và hạnh phúc khi có anh chàng này.

Mải mê với tình yêu đẹp, HH đã không còn muốn đến lớp học nữa, những thời gian ăn chơi sa đọa đêm hôm đã làm cô bé kiệt sức và mỗi sáng không thể thức dậy đến trường.

Dạo quanh phố phường Hà Nội buổi chiều tối, tại những tụ điểm cà phê, fastfood người ta sẽ bắt gặp nhiều đôi tình nhân trẻ 9x tình tứ bên nhau. Có khi cả hai đều là học sinh của một trường, đồng phục và cặp sách vẫn trên vai dắt tay nhau vào quán ăn uống.

Tình yêu thời @, tình yêu của thế hệ 9x là những buổi chiều lượn phố, những lời ngọt ngào, những khuôn mặt ngây thơ, xinh đẹp quyến rũ nhau...

Cùng với biết bao nhiêu câu chuyện ly kỳ và hài hước về tình yêu tuổi teen ngoài xã hội kia, nhưng tất cả dường như chỉ là một thế giới ảo, thế giới mà khi lũ trẻ vừa bước vào ngưỡng cửa đã không muốn quay lại, chúng tò mò và bước tiếp những bước đi chập chững

Ngôn ngữ blog: khó hiểu và lủng củng

Ngôn ngữ và tình yêu thời @ ảnh 2
Ngôn ngữ kỳ lạ trong "thế giới ảo" đang chen vào trong thế giới thực - Ảnh: VNN

Nếu bạn không phải dân 9x, chưa chắc bạn đã hiểu được những ngôn ngữ tuổi teen, ví dụ như một cậu ấm đa tình với nick name dembu0n.nh0em với những câu thơ tình như sau:

4nh o? da^y giu*a~ d0‘ng -do*j‘ la.c l0ng~... ng0n’g ch0*‘ aj -da~ ba0 la^n‘ fu. ba.c... Ha^n ngu*o*i‘ Kja Nhu*ng Sa0 L0n‘g H0k the^?.. A^n Tjn‘h Naj‘ Tho^y Hen. Nhau Kiep’ Kha’c...M0^ng Hem Tha‘nh th0^y -Danh‘ Que^n –Dj

Dịch là: Anh ở đây giữa dòng đời lạc lõng, ngóng chờ ai đã bao lần phụ bạc, hận người kia nhưng sao lòng không thể, ân tình này thôi hẹn nhau kiếp khác, mộng không thành thôi đành quên đi.

Lủng củng và khó hiểu đó là cách 9x thể hiện trong blog của mình.

Để đọc và hiểu được ngôn ngữ của thế hệ @, chắc chắn bạn sẽ rất vất vả, khi phải vận dụng toàn bộ khối óc để tưởng tượng, suy ngẫm, phân tích sâu xa, suy luận...

Các chữ cái trong tiếng Việt đã được 9x sử dụng thay thế bằng con số và chữ khác, ví như hình dáng của chữ A trông hơi giống số 4, chữ E với số 3, chữ I thay bằng J...

Xu hướng phổ biến của 9x là “biến tướng” thay đổi tiếng Việt, kiểu như “gần âm, cùng nghĩa”. Một số từ 9x thường dùng như: Biết = bít, viết = vít, c = k (có = kó), b =p (bé = pé), trời ơi = chài oai = cha`j oj, buồn = bùn = pùn, vui = zui...

Tuy nhiên, xét cho cùng, 9x cũng đã phải vận dụng đầu óc, sự liên tưởng thì mới nghĩ ra được sự thay thế, được chúng cho là “hoàn hảo” này. Đó cũng là cách chúng trò chuyện với những người bạn cùng trang lứa, còn các bậc phụ huynh chắc chắn nếu có đọc được cũng "bó tay" (pó t4y).

Xưa rồi những thế hệ 7x, 8x viết nhật ký trong những cuốn sổ ghi chép. Giờ thế hệ @ có một cuốn sổ không giới hạn trang là blog, có tên truy cập, có mật khẩu, phụ huynh càng không thể có cơ hội đọc được những tâm tư tình cảm của con mình.

Nhưng những ngôn từ "quái gở" ấy không chỉ xuất hiện trên blog. Ngôn ngữ blog đang lan tràn trong cuộc sống. Thanh niên bây giờ thường nói ra những ngôn ngữ đó ngoài đời.

Điều đáng e ngại nữa là thứ ngôn ngữ biến dạng của đại bộ phận thế hệ @ còn len lỏi vào cả những trang vở ghi chép hàng ngày của các em học sinh, chứ nó không đơn thuần là thứ ngôn ngữ ảo.

Sự liên tưởng trong ngôn ngữ 9x cũng rất bất bình thường. Ví dụ như tưởng nhầm chuyện gì thì bọn trẻ gọi là Tưởng Giới Thạch, với những câu đại loại như “Tưởng Giới Thạch chết lâu rồi mà còn tưởng gì nữa”.

Đi ăn uống tập thể mà không ai đứng ra “chủ chi” thì gọi là Lệ Quyên hoặc Nhà Chung (tức là sẽ cùng nhau góp tiền để trả cho bữa ăn uống đó, chứ không ai phải khao ai cả).

Xinh thì bảo xinh như tinh tinh (!?), ghê gớm thì bảo ác như con tê giác, chán cũng nói “chán như con gián”, buồn thì xui “đi bắt chuồn chuồn” mà chơi.

Mấy cậu choai choai đi cưa gái thì gọi đó là chém gió, mà nói dối hay bốc phét chuyện gì cũng được gắn mác chém gió luôn, lên mặt dạy đời thì bị nói là “tinh vi sờ ti con gà ri”...

Đó là những lời nói tùy hứng, tếu táo mà dân teen cho rằng đó là ngôn từ công nghiệp: ngắn gọn, đủ ý và mang chất “sành điệu”. Thế nên 9x học đòi rất nhanh. Ai góp ý thì bọn trẻ bĩu môi chê là hâm đơ, “già khốt ta bít” khó tính, tẩm...

Có lẽ các bậc phụ huynh không biết con mình đang có những thay đổi về ngôn từ và cuộc sống. 9x vẫn viết và thích tìm đọc những trang blog có ngôn ngữ giống mình. Chúng cho rằng như thế là rất sành điệu và những người tìm được đến cái mới mẻ đó được gọi là “hiện đại”.

Theo Phương Linh
CAND

MỚI - NÓNG
Cúng chay hay cúng mặn ngày Tết: Chuyên gia lên tiếng
Cúng chay hay cúng mặn ngày Tết: Chuyên gia lên tiếng
TPO - Vài năm lại đây, Dịp Tết Nguyên đán, nhiều gia đình Việt đã chọn cỗ chay thay vì mâm cỗ mặn truyền thống, nhằm hạn chế tình trạng dư thừa dinh dưỡng, thanh lọc cơ thể đồng thời tránh lãng phí thực phẩm. Tuy nhiên, cũng có nhiều người băn khoăn liệu cúng chay có trái với văn hoá tâm linh người Việt và làm giảm đi sự thành tâm của con cháu đối với ông bà, gia tiên?