Việt Nam có thế mạnh về công nghệ sinh học

Việt Nam có thế mạnh về công nghệ sinh học
TPO - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Quân cho biết Việt Nam có thế mạnh về công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, có thể đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ sinh học.

Việt Nam có thế mạnh về công nghệ sinh học

> Công nghệ cao - chìa khoá vàng cho ngành sữa trong nước
> Sẽ có cơ chế tài chính đặc thù cho khoa học công nghệ

TPO - Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, ông Nguyễn Quân cho biết Việt Nam có thế mạnh về công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, có thể đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ sinh học.

.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Nguyễn Quân tại buổi đối thoại. Ảnh: Như Ý.

Tại buổi đối thoại với các tài năng trẻ trong lĩnh vực khoa học công nghệ chiều nay (23/12), Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, Việt Nam có thế mạnh về công nghệ thông tin và công nghệ sinh học, có thể đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ sinh học

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết kinh phí hàng năm chi cho KHCN là 2% tổng chi ngân sách. Nhưng thực tế còn rất nhiều địa phương, ngành sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích. Một số nơi dùng tiền ngân sách dành phát triển KHCN để xây đường vành đai, khắc phục hậu quả bão lũ, phòng chống dịch bệnh...

Bộ trưởng cho biết, chính sách đầu tư cho cán bộ khoa học công nghệ còn chưa tốt, đây là lĩnh vực đối tượng chịu nhiều thiệt thòi không có phụ cấp ngoài lương. Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng Luật Khoa học công nghệ (KHCN) mới được Quốc hội thông qua, trong đó đổi mới cơ chế quản lý khoa học công nghệ, trọng tâm là đổi mới cơ chế tài chính, hạn chế đề tài nghiên cứu nằm trên ngăn kéo, chuyển sang cơ chế đặt hàng các đề tài có tính ứng dụng cao. Đồng thời đổi mới hoạt động theo cơ chế quỹ, có quỹ phát triển KHCN, khoán chi đến sản phẩm cuối cùng.

Trả lời câu hỏi của TS Nguyễn Việt Hùng-giải thưởng Quả cầu Vàng 2008, về vấn đề người trẻ làm chủ công nghệ thay vì làm thuê như hiện nay, Bộ trưởng cho rằng cần đặt niềm tin vào người trẻ và có sự đầu tư của nhà nước để Việt Nam tiến tới làm chủ sản phẩm và chế tạo thành công.

Bộ trưởng ví dụ nhà nước đã đầu tư cho tập đoàn dầu khí làm dàn khoan 90m nước với 118 tỷ đồng. Sau hai năm nghiên cứu, tập đoàn đã làm chủ công nghệ từ thiết kế đến chế tạo, đưa Việt Nam từ không có vị trí trong lĩnh vực làm dàn khoan đến xếp thứ 3 châu Á và thứ 10 thế giới.

Về chuyện sử dụng người tài và hậu giải thưởng Quả cầu vàng, Bộ trưởng Nguyễn Quân khẳng định, các tài năng trẻ nhận giải thưởng này đều là nhà khoa học trẻ tài năng, là một trong 3 nhóm được hưởng ưu đãi chính theo Luật KHCN, được giao làm các đề tài khoa học tiềm năng, hỗ trợ nghiên cứu, đi dự hội nghị quốc tế, đồng thời có thể thành lập doanh nghiệp về công nghệ làm các đề tài khoa học công nghệ với ngân sách nhà nước...

Bộ trưởng khẳng định, quan điểm của Bộ Khoa học và Công nghệ là không phân biệt thành phần kinh tế. Các doanh nghiệp tư nhân có dự án tốt vẫn có thể được đầu tư ngân sách.

Bộ trưởng cũng cho biết, hiện có Dự án hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân đổi mới của Phần Lan giai đoạn hai trị giá 10 triệu euro và Dự án hỗ trợ đổi mới sáng tạo thông qua hoạt động nghiên cứu công nghệ của Ngân hàng Thế giới trị giá 100 triệu USD. Các nhà khoa học trẻ có thể tham gia hai dự án này.

.
Quang cảnh buổi đối thoại. Ảnh: Như Ý.

Nguyễn Thế Trung, Giám đốc Cty Cổ phần công nghệ DTT, tài năng trẻ năm 2008, cho rằng thế giới đã thay đổi cách làm KHCN với mô hình “sáng tạo mở” kêu gọi đầu tư chung, không dựa vào nguồn vốn ngân sách. Ông Trung đặt câu hỏi: Việt Nam bao giờ làm điều này?

Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đang xây dựng dự án thí điểm thương mại hóa công nghệ theo mô hình thung lũng silicon, xây dựng quỹ đầu tư mạo hiểm.

Bộ trưởng khẳng định, Việt Nam có thể đẩy mạnh xuất khẩu phần mềm trong đó tập trung vào hai lĩnh vực gồm công nghệ thông tin và công nghệ sinh học. “Đây là hai lĩnh vực chúng ta có thể đầu tư ít mà hiệu quả cao. Dân tộc Việt Nam thông minh, ở đâu có người Việt ở đó có thủ khoa. Thời gian tới, chúng ta nên đẩy mạnh xuất khẩu công nghệ sinh học như công nghệ tạo giống, chế biến, nông sản, thực phẩm, vacxin, cây trồng biến đổi gen... Tương tự như vậy, tôi tin ở lĩnh vực công nghệ tin học, Việt Nam có thể cạnh tranh và xuất khẩu được”, Bộ trưởng Nguyễn Quân cho biết.

Hải Yến

Theo Viết
MỚI - NÓNG