Năm năm trước, một cuộc chiến lớn về mặt pháp lý đã nổ ra khi mọi người bắt đầu sử dụng bản gốc Napster để trao đổi nhạc trên mạng.
Giờ đây có một dịch vụ mới ra đời để những chủ nhân của nhiều CD mua bán chúng. Megan Streich đã tìm cách để mua những chiếc CD với giá 1 USD. Cô đã lên trang web www.lala.com, nơi chủ của nhiều album liệt kê những CD mà họ cần giới thiệu, giao dịch.
Hiệp hội ghi âm Mỹ thống kê: hằng năm có khoảng 30.000 tựa CD được xuất xưởng. Trong khi đó, chỉ có khoảng 5.000 tựa CD tồn kho tại các cửa hàng của hệ thống bán lẻ lớn nhất là Wal-Mart, nơi luôn sẵn sàng cung cấp đến 3 triệu tựa đĩa khác nhau.
Điều đó, đồng nghĩa với việc chỉ trong thời gian ngắn, một lượng lớn tựa đĩa biến mất khiến các fan nghe nhạc muốn tìm kiếm những đĩa có số lượng lưu hành ít rất khó khăn.
Bill Nguyễn nhìn vào những con số đó và nghĩ đến một phương thức để giải quyết gọn vấn đề. Anh đã đồng sáng lập ra trang web lala.com để giúp các fan giao dịch CD được thuận lợi hơn.
Trang web lala.com |
Phiên bản thử nghiệm của dịch vụ trực tuyến này chỉ sau vài tháng đã thu hút được gần 100.000 người tham gia thành viên, và có khoảng 200.000 người nữa đã sẵn sàng gia nhập đội ngũ thành viên khi trang web được đưa vào hoạt động chính thức.
Khi LaLa chỉ mới xuất hiện được một tháng, đã có vài người dùng nó để buôn bán được gần 400 CD.
Bill Nguyễn đang gây sự chú ý của các hãng thu âm ở Mỹ với dự án biến trang web lala.com trở thành đầu mối trung gian để người nghe nhạc khắp nơi có thể trao đổi những CD cũ với nhau, theo phương thức trao đổi tương tự kiểu eBay, với chi phí chỉ vọn vẹn có 1 USD cộng thêm 49 xu Mỹ tiền vận chuyển.
Dịch vụ này hoạt động như sau: mỗi thành viên sẽ đưa lên mạng một danh sách các CD họ có, và các thành viên khác cũng nhìn thấy thông tin này.
Mỗi người lại lập một danh sách những CD họ muốn có (want list). Khi một thành viên nhìn thấy trong danh sách CD của thành viên khác một trong những CD trong want list của họ, họ sẽ có thể nhấp chuột vào biểu tượng “muốn có” bên cạnh tên CD trong danh sách want list của họ.
LaLa sẽ phát lệnh hỏi tất cả các thành viên có CD nói trên và người đầu tiên đồng ý trao đổi CD nọ sẽ được cung cấp địa chỉ của người cần để chuyển CD cho họ thông qua dịch vụ chuyển phát của LaLa.
Sau khi người nhận xác nhận tình trạng CD còn tốt, họ sẽ thanh toán cho LaLa mức phí tổng cộng là 1,49 USD. Trong đó, khoảng 20-30 xu được trả cho công ty, còn 20 xu nữa được trả vào quỹ tác quyền dùng để thanh toán cho các nhà sở hữu bản quyền, phí giao nhận là 49 xu và số còn lại sẽ thuộc về người có CD.
Điều đáng chú ý, mạng lala.com cam kết sẽ trích 20% lợi nhuận để hỗ trợ cho các nhạc sĩ thông qua tổ chức từ thiện “Quỹ Z”. “Nhà nào cũng có vô khối đĩa nhạc cũ chất đống trong tủ - nếu mọi người có thể trao đổi các CD này thì có phải tốt không!” - Bill Nguyễn hào hứng nói.
Bill cho biết anh đã nảy ra ý tưởng xây dựng trang web này khi xem cuốn từ điển trực tuyến Wikipedia - từ điển do chính người sử dụng tự soạn thảo. Trang web trao đổi CD của anh cũng là một hệ thống hoạt động với nguyên tắc tương tự.
Megan Streich, người buôn bán CD trên mạng, cho biết: “Tôi chỉ tiêu tốn 1 đến 2 giờ trên mạng này để lướt qua hết được những bộ sưu tập CD của họ và đặt câu hỏi với họ. Những người khác cũng đã bắt đầu sử dụng trang web cá nhân (blog).
Nếu cô tìm được cái mà cô cần, tất cả việc cần làm chỉ là một thao tác bấm chuột. Cô bắt đầu việc buôn bán khi một người nào đó muốn 1 CD từ bộ sưu tập của cô".
Không ngừng tìm kiếm sự thành công
Bill Nguyễn cho biết LaLa đang mang lại một cửa hàng âm nhạc kiểu dáng cũ. Điều này thật tốt cho những người hâm mộ âm nhạc và các nghệ sĩ.
Bill Nguyễn cho biết: “Trên mạng LaLa có tất cả mọi bộ sưu tập, dù cho bạn không phải là ban nhạc Rolling Stones, bạn không là một nghệ sĩ danh tiếng, bạn cũng có một vị trí ở LaLa, nơi bạn có thính giả và một nhóm người hâm mộ. Như vậy là chúng tôi đã giúp mọi người khám phá một dòng nhạc mới”.
Các nhà quan sát nhận xét rằng dự án này tổng hợp được các tính năng của cả MySpace.com, eBay.com và iTunes. Bill Nguyễn nói: “Khi bạn ở trên trang web của chúng tôi và mua bán một CD với một người nào đó, thì bạn thật sự sở hữu 1 CD mới và đồng thời bạn bỏ cái CD cũ của mình. Như vậy thì cũng giống như eBay hoặc cửa hàng thu âm Amoeba, bạn có quyền bán những vật bạn đã sử dụng qua”.
Bill Nguyễn vui tính nhưng luôn đòi hỏi bản thân và mọi người phải nỗ lực cao |
La La sẽ bán những CD trên mạng nếu một album đã sử dụng không còn nữa. Những người bán CD sẽ cung cấp hộp và bao thư để gởi hàng qua bưu điện.
Với 9 triệu USD được rót từ các đối tác là Bain Capital và Ignition Partners, dự án LaLa là một lời thách thức gởi đến các công ty cung cấp nhạc số online như Napster.
Bill Nguyễn cho biết hiện nay lala.com đã có sẵn 1,8 triệu tựa đề với các tiêu đề khác nhau và 30.000 danh sách mới được thêm vào mỗi ngày, đủ khả năng đáp ứng nhu cầu thưởng thức âm nhạc theo mọi thể loại.
Nguồn đĩa được cung cấp bởi nhà phân phối Baker Taylor cộng với sự đóng góp từ các thành viên đăng ký sử dụng dịch vụ của LaLa trên toàn cầu. Tham vọng của Bill là "bắt tay" với các hãng thu âm lớn nhằm chiếm lĩnh thị phần trên thị trường nhạc số.
Nhà triệu phú 35 tuổi vẫn không hề thay đổi cách ăn mặc giản dị giống như thuở còn hàn vi. Mê chơi game và rất hay cười, Bill Nguyễn là người vui tính nhưng trong công việc lại luôn đòi hỏi bản thân mình và người khác phải nỗ lực rất cao.
Khi hỏi Bill Nguyễn - người chưa từng tốt nghiệp đại học - về bí quyết kinh doanh của anh, Bill chỉ nói ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa: "Mỗi khi bạn bắt tay vào một vụ làm ăn mới, không nhất thiết bạn phải phát minh lại thế giới." Nói cách khác, Bill Nguyễn biết "đứng trên vai người khổng lồ" nên anh tiến rất nhanh.
Là "lính mới" trong giới kinh doanh âm nhạc, nhưng ở thung lũng Silicon, Bill Nguyễn quá nổi tiếng. Năm 30 tuổi, anh có trong tay 6 công ty phần mềm khác nhau và nằm trong danh sách 40 người dưới 40 tuổi giàu nhất nước Mỹ sau hàng loạt thương vụ hậu hĩnh.
Trong đó, phải kể đến việc Bill thu được dễ dàng 850 triệu USD khi bán lại Công ty Onebox chuyên về phần mềm chuyển tin nhắn do anh thành lập năm 1999.
Năm 2000, thời điểm Bill nhận thấy các hãng điện thoại đầu tư hàng tỉ đô la vào dịch vụ kết nối không dây, Bill thức thời "khai sinh" Công ty Seven, chuyên về kinh doanh phần mềm sử dụng cho các dịch vụ mobile email.
Bill lập tức huy động được 34 triệu USD từ các đối tác góp vốn và lập tức Công ty Seven gặt hái những thành công vang dội trên thương trường. Phần mềm của Seven được sử dụng rộng rãi và đoạt nhiều giải thưởng danh giá bao gồm giải Sản phẩm của năm do tạp chí Network Magazine bình chọn.
Seven còn đạt được những hợp đồng béo bở với Microsoft. Vươn ra khỏi thị trường Mỹ, phần mềm của Công ty Seven được hai tập đoàn British Telecom ở Anh và NTT DoCoMo tại Nhật mua bản quyền sử dụng.
Bill không phải kiểu người ưa ngủ quên trên chiến thắng nên anh lao ngay vào những dự án mới. Anh tiêu tiền rất tiết kiệm và căn cơ với mọi khoản tiền rót vào các dự án. Suốt nhiều năm qua, anh chưa bao giờ ngủ quá 4 tiếng mỗi ngày.
Bill hứa rằng sẽ làm việc một cách không mệt mỏi để đạt được mục đích của mình, kiếm lợi nhuận từ L La và trích phần lời đó để giúp đỡ các nhạc sĩ còn đang chật vật với cuộc mưu sinh. "Xem MTV toàn thấy nghệ sĩ đi xe đẹp, ở nhà to, thực tế không phải ai cũng được vậy". Bản thân Bill trước khi trở thành triệu phú cũng phải bươn chải bằng nghề bán xe hơi cũ.
Theo nhận xét của giới chuyên gia, còn quá sớm để khẳng định sự ăn nên làm ra của lala.com bởi trang web này chỉ mới chính thức đi vào hoạt động hồi đầu tháng 6-2006.
Tuy nhiên, Bill rất tin vào trực giác của mình và anh hi vọng cái tên LaLa - hai tiếng đầu tiên mà con trai Bill biết bập bẹ - sẽ mang may mắn đến cho anh.
Theo Người Viễn Xứ