> Gặp 'hoa khôi trại giam' sa ngã vì tiền
> Trả giá vì 'yêu cô sinh viên' 12 tuổi
Nữ phạm nhân. Ảnh minh họa |
Giúp bạn… bạn gái
Chỉ từ những mâu thuẫn nhỏ trong cuộc sống như cái nhìn được cho là đểu, một xích mích tại cuộc sinh nhật… nhiều thanh niên sẵn sàng đánh nhau và cướp đi mạng sống của người khác. Tội ác đến từ đâu? Đi tìm lời giải cho câu hỏi này, phóng viên Tiền Phong đến Trại giam Thanh Xuân (Thanh Oai, Hà Nội), gặp một số phạm nhân trẻ đang cải tạo tại đây và ghi nhận sự trải lòng của họ. |
Cánh cửa trại giam hé mở, cán bộ quản giáo dẫn phạm nhân tuổi chừng đôi mươi ra gặp phóng viên. “Em chào các anh ạ”, nam thanh niên trong bộ quần áo tù nhân cất tiếng. Người quản giáo giới thiệu: “Phạm nhân tên Đỗ Hải Anh, vào trại vì tội giết người”.
Hải Anh sinh năm 1994, trông thư sinh, trắng trẻo. Nếu không có bộ quần áo tù trên người thì chẳng ai nghĩ đây là phạm nhân gây án mạng khi đang học lớp 10.
“Em vào đây từ năm 2009”, Hải Anh nói. “Em quê gốc ở Lạng Sơn, nhưng từ nhỏ sống ở Hà Nội. Em là con cả trong nhà, sau em còn có một em trai nữa”, Hải Anh giới thiệu về gia đình. Hải Anh kể, mẹ làm nội trợ, bố làm ở bến xe.
“Bố mẹ cho em học nhiều lắm. Lúc còn nhỏ thì bố mẹ nghiêm khắc, nhưng về sau không để ý nhiều, em chơi với bạn bè, dần dần đua đòi rồi sa ngã”, Hải Anh tiếp tục kể.
“Em cũng hay trốn học, bỏ tiết đi chơi. Cũng có lần xảy ra mâu thuẫn với bạn bè ở trường, ở lớp, nhưng chỉ giải quyết bằng đánh đấm tay chân thôi”, Hải Anh tâm sự.
“Em gây án khi đang là học sinh lớp 10 của Trường THPT bán công Đ.Đ”, Hải Anh chậm rãi kể, rồi chữa lại “À không, trường em đổi tên rồi, thành trường THPT H.C”. Hải Anh không thể quên buổi học định mệnh đã cướp đi 6 năm tuổi trẻ của mình.
“Em chơi thân với một bạn gái trong trường. Bạn ấy xảy ra mâu thuẫn với một bạn gái khác ở trường THPT N.T. Bạn em có tát bạn gái kia một cái. Hôm sau bạn em lên cổng trường N.T chơi thì bị bạn gái kia tát lại. Bạn ấy gọi cho em và vài bạn nam nữa, rủ lên cổng trường N.T để giải quyết mâu thuẫn”.
Tan học, từ lời nhờ của bạn, Anh tham gia nhóm lên cổng trường N.T. Kết quả, một nam thanh niên mất mạng sau trận đòn tập thể của nhóm Hải Anh.
Đánh chết nhầm người!
Giọng Hải Anh chùng xuống. “Chúng em đánh nhầm người anh ạ. Lúc đó có một thanh niên cầm bó hoa đứng ở cổng trường, chúng em tưởng là người của nhóm kia. Chúng em hỏi, anh ấy chưa kịp trả lời đã bị cả nhóm xông vào đánh. Mãi sau này em mới biết anh ấy bị đánh chết đúng sinh nhật”. Hải Anh kể, lúc biết nam thanh niên kia bị chết, đầu óc Hải Anh trống rỗng, không nghĩ được gì.
“Em cứ nghĩ không việc gì, vì mình không phải là người trực tiếp gây ra án mạng”. Ngay tối hôm đó, nhóm của Hải Anh bị bắt.
“Em khuyên các bạn, nên nghe lời bố mẹ, nghe lời thầy cô, chịu khó học hành. Gặp chuyện gì cũng nên bình tĩnh giải quyết chứ đừng như em. Bây giờ em muốn nghe những lời mắng mỏ của bố mẹ, thầy cô cũng không được nữa rồi” |
“Bị tạm giữ 3 ngày để điều tra, thấy các bạn có bố mẹ đến thăm, em khóc nhiều lắm. Lúc bố lên thăm, em khóc nhiều hơn. Bố em bảo không phải khóc, dù sao sự việc cũng đã xảy ra rồi, phải cứng rắn lên. Mình gây ra thì phải chịu trách nhiệm”, Hải Anh nói.
Cậu học trò lớp 10 chua xót chấp nhận dần sự thực mình là phạm nhân. “Sáng đầu tiên trong trại giam, em bật dậy lo đi học muộn. Rồi lại tự nhận thấy, mình đang bị giam giữ vì giết người”, Hải Anh tâm sự.
Những ngày đầu bị tạm giam chờ xét xử, đầu óc Hải Anh lúc nào cũng quay cuồng nghĩ về mức án. Nước mắt lăn dài trên gò má của cậu học trò khi nghĩ về bố mẹ, thầy cô, bạn bè, trường lớp.
Ngày tòa tuyên án, cậu bị phạt 6 năm tù giam. “Nhóm em có 9 người. Án nặng nhất 15 năm, 2 người 11 năm, 2 người 9 năm, em 6 năm, còn lại 2 bạn được hưởng án treo”, Hải Anh kể.
Bao giờ đến… giá như?
Hải Anh cho hay: “Giờ ở trong này (trại giam – PV), em chẳng còn nghĩ đến những nếu… thì..., hay giá như… vì chẳng thể nào làm nạn nhân sống lại và kéo ngược được thời gian để sửa sai. Em nghĩ, hợp lý hơn là học cách chấp nhận với thực tế”. Ngày đứng trước vành móng ngựa, Hải Anh nhớ đã rất nhiều lần nói lời xin lỗi với gia đình người bị hại trong bất lực. “Em biết, mọi lời xin lỗi cũng không đủ để làm vơi nỗi buồn, bù đắp những mất mát của gia đình bị hại”.
“Mẹ em hay khóc lắm. Mỗi lần gặp, em đều phải động viên mẹ. Em bảo với mẹ em sắp được về, mẹ đừng thức khuya quá, đừng khóc nhiều nữa, phải lo cho sức khỏe… Có hôm gặp bố, em hỏi sau khi ra trại bố có cho đi học nữa không? Bố em bảo sẽ cho đi học nghề để xin việc làm”. |
Những gì tiếc nuối, Hải Anh gửi vào câu chuyện về những ngày còn ở nhà, đi học. “Nhiều khi nói chuyện với bạn tù, em hay kể lúc ở ngoài thì giờ này đang đi học cùng bạn bè, đi đá bóng, đi chơi. Em nhớ lúc còn nhỏ, bố từng xoa đầu em rồi hỏi sau này muốn làm gì. Em nói muốn học hết cấp ba rồi thi đại học, sau khi tốt nghiệp thì kiếm được một công việc ổn định để giúp bố mẹ…Bố em nói, bố muốn con trai của bố như con dao pha, làm cái gì cũng được. Thế mà …”, mắt Hải Anh đỏ hoe.
“Vào tù, lúc đầu, cứ mỗi khi ăn cơm, em lại khóc. Bình thường lúc ăn cơm có bố mẹ, gia đình ở bên. Những ngày lễ, Tết lại càng tủi thân, cô đơn”, Hải Anh chia sẻ.
Cậu vẫn nhớ lời động viên của một người cùng gây án. “Nó bảo, bây giờ mọi việc xảy ra rồi, mình phải lấy cái đó làm điểm tựa để vươn lên. Em cũng không hiểu vì sao nó lại nói thế, chỉ biết rằng, việc chúng em gây ra, ngoài nỗi buồn của mình, còn có nỗi buồn của gia đình, người thân của mình, của gia đình bị hại.
Em phải làm gì đó để gia đình mình được vui, gia đình bị hại thấy mình có sự thay đổi, hướng thiện”. Vào trại, Hải Anh tham gia vào đội khâu bóng. “Ban đầu em không biết làm, nhưng tự nhủ, tại sao mọi người làm được mà mình không làm được”.
Không nhắc đến những nếu… , những giá như… , nhưng ở phạm nhân Hải Anh luôn có sự dằn vặt, hối hận để nhắc nhở, khuyên răn em trai chú tâm học, không được a dua, lêu lổng theo bạn bè… Anh bộc bạch: “Do gần bằng tuổi nhau, nên ngoài đời hai anh em vẫn xưng mày, tao với nhau. Từ ngày vào trại, hai anh em mới gọi nhau là anh – em”.
Nét mặt tươi hơn, Hải Anh khoe vừa mới nhận được ảnh của gia đình gửi vào, trong đó, có ảnh em trai đạt giải nhất một cuộc thi hát.
Bạn bè cũng thường vào thăm, động viên Hải Anh. “Em khuyên các bạn, nên nghe lời bố mẹ, nghe lời thầy cô, chịu khó học hành. Gặp chuyện gì cũng nên bình tĩnh giải quyết chứ đừng như em. Bây giờ em muốn nghe những lời mắng mỏ của bố mẹ, thầy cô cũng không được nữa rồi”, Hải Anh chia sẻ.
Nói về dự định khi mãn hạn tù, Hải Anh có phần ngập ngừng “em cũng chưa biết ra ngoài sẽ làm gì, nhưng chắc chắn sẽ không còn bồng bột, nóng nảy như xưa nữa”. Bây giờ phải cải tạo tốt để sớm trở lại với cuộc sống bình thường, làm người lương thiện đã”, Hải Anh khẳng định.
Tháng 12/2012, đánh giá kết quả công tác năm, Bộ Công an cho biết tội phạm về trật tự xã hội tăng gần 2,7% so với năm 2011; người phạm tội có xu hướng ngày càng trẻ (người phạm tội từ 18 đến 30 tuổi chiếm 68%), tính chất bạo lực, hung hãn, manh động hơn… Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, mỗi năm các cơ quan thi hành pháp luật bắt giữ, truy tố hơn 115.000 người, trong đó có 16.000 – 18.000 trẻ vị thành niên. (Tổng hợp) |