Phòng trọ có máy vi tính là mơ ước của nhiều công nhân. Ảnh: D.N. |
Xa gia đình từ khi mới tuổi trăng tròn, Mai Quỳnh Liên (quê Chiêm Hóa, Tuyên Quang) là một điển hình của công nhân có ý chí vượt lên số phận. Xuống Hà Nội, Liên làm công nhân ngành giày da, cơ khí với đồng lương eo hẹp.
Tuy công việc nặng nhọc, vất vả nhưng sau mỗi giờ làm, Liên lại theo học lớp tại chức ngành quản trị doanh nghiệp của ĐH Thương mại. Mấy năm ròng ngày đi làm, tối về vội vàng cọc cạch ngựa sắt đến trường, nay cuộc sống của Liên đã khá hơn.
Ở tuổi 27, Liên đang làm quản lý của Cty Canon với mức lương 10 triệu đồng/tháng, gấp 3 lần so với lương công nhân trước đây.
“Không phải ai cũng có điều kiện vừa làm, vừa học, nhưng mình nghĩ mọi cố gắng, nỗ lực rồi sẽ được đền đáp. Đời công nhân nghèo, vất vả thật, nhưng mình muốn chứng tỏ rằng vẫn còn đó ánh sáng của hạnh phúc, tương lai!”, Liên nói.
Hồ Văn Võ (SN 1984, quê Nghệ An) từng là công nhân Cty Yamaha. Đỗ đại học với số điểm cao, nhập học được một thời gian nhưng vì mẹ bị ung thư nên Võ phải bỏ học làm công nhân với hi vọng kiếm tiền thuốc thang cho mẹ.
Đi làm khá lâu nhưng với chàng công nhân xứ Nghệ này, giấc mơ đại học vẫn luôn cháy bỏng. May sao, Võ được một doanh nhân đồng hương giúp tiền học phí để học hệ tại chức buổi tối ngành công nghệ thông tin. Ra trường, Võ kiếm được việc làm với mức lương 8-10 triệu đồng/tháng.
Trong xóm trọ, không ít bạn trẻ nỗ lực vươn lên, nhưng không phải ai cũng may mắn. Nguyễn Thị Mơ (Phú Xuyên, Hà Nội) rơi vào tình cảnh bi đát khi bị lừa mất hết số tiền dành dụm.
Mơ qua cò mồi nộp hồ sơ và học phí để theo học một trường trung cấp nghề ở Đông Anh, nhưng vừa mới biết mình bị lừa.“Mình không tìm hiểu kỹ nên giờ thì mất hết rồi, đành quên giấc mộng đổi đời để an phận với đời công nhân”, Mơ thở dài.
Nguyễn Văn Huynh (SN 1987, quê Vĩnh Phúc) mấy năm làm công nhân cơ khí, nhưng luôn khao khát đổi đời. Ngoài thời gian ở xưởng, Huynh cùng em trai đi tìm hiểu địa bàn xung quanh nơi mình ở và quyết định nghỉ việc để bán thịt, rau quả ở chợ tạm tự phát.
Hằng ngày, cứ 4 giờ sáng, Huynh cùng em trai đến lò mổ lấy thịt rồi lại qua chợ đầu mối nhập rau củ đem về bán. Trong phòng trọ oi nóng, Huynh cùng em đang chuẩn bị bữa trưa đạm bạc.
“Thời gian tới, nếu điều kiện tốt hơn sẽ cho em trai đi học thêm tại chức để làm một công việc gì nhàn hơn. Làm nghề này mãi cũng không khá lên được”, Huynh chia sẻ.
Chuyện tình xóm trọ
Rời nhà trọ khi mặt trời chưa ló rạng và trở về khi các ngả đường trong KCN Bắc Thăng Long đã lên đèn, những chàng trai, cô gái làm công nhân đang khao khát được yêu.
Phòng trọ rộng 8m2 là nơi ăn chốn ở của Hồ Sỹ Thành (công nhân Cty Yamaha) năm nay đã bước sang tuổi 30 mà vẫn phòng không gối chiếc. Chạy đôn đáo làm thuê, trình độ lớp 9 không chút tay nghề, Thành chấp nhận làm công nhân.
Vào làm mới ngót một năm nên tiền lương của Thành mới chỉ gần 3 triệu đồng/tháng. “Người ta từng này tuổi, con cái đề huề còn mình vẫn cô độc.
Nhiều khi ra đường nhìn những đôi vợ chồng trẻ đưa con đi chơi, mình cũng khao khát cháy lòng nhưng đâu dám mơ”, vừa vo gạo nấu cơm, Thành than vãn.
Trần Thị Hiền (SN 1989, quê Quốc Oai, Hà Nội) ở trọ với ba cô bạn cùng Cty. Ngoài giờ làm, cả bốn cô thường rủ nhau đi chơi, ít khi hẹn hò với người khác giới vì thiếu tự tin và e ngại.
Nhiều nữ công nhân vì cảnh xa nhà, thiếu thốn tình cảm đã nhanh chóng nhận lời với chàng trai ở Cty hay xóm trọ theo kiểu một giải sầu, hai nương tựa.
Xóm trọ của Hiền cách đây không lâu vẫn thường rỉ tai nhau chuyện tình của H. nữ công nhân Cty Canon với K làm cùng Cty. Sau thời gian qua lại, H. nhận lời dọn về ở cùng phòng với K.
Sau mấy tháng, biết H. mang thai, chàng công nhân họ Sở lặn mất tăm. Những chuyện kiểu này xảy ra trong các xóm trọ công nhân nhiều vô kể nên khiến bạn gái trở nên e dè trong chuyện yêu.
Cùng xóm trọ với Hiền là phòng của đôi vợ chồng trẻ ở Tuyên Quang mới bước vào “đời công nhân” được mấy tuần. Học hết lớp 10, gia đình khó khăn nên Đặng Thị Thùy Giang (SN 1992 ở Hàm Yên) phải nghỉ học ở nhà ruộng nương giúp bố mẹ rồi lấy chồng.
Khi con gái đầu lòng được hai tuổi, vợ chồng Giang bàn nhau gửi con nhờ ông bà nuôi hộ rồi khăn gói xuống Hà Nội tìm việc làm. Chồng làm bảo vệ, Giang làm ở một Cty điện tử trong KCN Bắc Thăng Long. Giang cho biết do làm lệch ca nên hiếm khi hai vợ chồng được gần nhau vào buổi tối.
Rời xóm trọ của Giang, chúng tôi lân la thêm một vài khu trọ vùng lân cận ở phía Bắc KCN Thăng Long. Vợ đi làm ca sáng nên Nguyễn Văn Hùng (SN 1987 ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc) đang làm ở Cty Sumimoto phải ở nhà chăm con trai mới được 7 tháng tuổi.
Thu nhập của hai vợ chồng hằng tháng tính cả tăng ca cũng chỉ được khoảng 8 triệu đồng nên chẳng để dành được đồng nào.
“Làm được bao nhiêu thì ăn uống, nuôi con mọn, tiền phòng và tiền đám cưới cũng vừa hết. Đó là chưa kể lúc con ốm đau còn phải vay mượn”, Hùng cho hay.
Tại đây, chúng tôi còn được chủ nhà của Hùng cho biết cảnh ngộ của gia đình công nhân Trần Xuân Nam ở Nghệ An. Ra đây làm công nhân từ năm 2000 rồi quen và kết duyên với một người con gái cùng quê nhưng cuộc sống của Nam không khá hơn những ngày đầu.
Giờ cháu trai đầu đã học xong lớp 1 đang gửi nhờ ông bà nội nuôi, vợ Nam lại đang mang thai hơn 4 tháng. Dù thường xuyên tăng ca nhưng đồng lương ít ỏi của cả hai vợ chồng Nam cũng không đủ trang trải cho cuộc sống đắt đỏ nơi này.
Trưa hè nắng gắt nhưng Duyên (27 tuổi, Cty Panasonic, KCN Bắc Thăng Long) và bạn cùng phòng vẫn cố gắng gấp cho xong những con hạc, sao giấy. “Em gấp cho người đàn ông tương lai, nhưng không biết bao giờ người đó mới xuất hiện. Cảnh làm công nhân như chúng em, ước mơ đó sao mà quá xa xôi!”, Duyên nói |