Những chiến sĩ nhí tuổi từ 12 đến 16 được cùng ăn cùng ở cùng rèn luyện với lính thật, được học những bài quân sự, kỹ năng thực hành xã hội, hành quân dã ngoại ra biên giới...
Năm nay số lượng học viên tăng lên 112 em, gần gấp đôi so với lần đầu Tỉnh Đoàn tổ chức năm 2011. Tại lễ xuất quân sáng 28-5 có nhiều phụ huynh đến tiễn và dặn dò các chiến sĩ nhí. Có thật nhiều nụ cười và cả nước mắt. Các phụ huynh tỏ ra tin tưởng khi gửi con em mình vào học kỳ quân đội.
Chiến sĩ nhí được huấn luyện tính kỷ luật, sự tự giác và học cách tự chăm sóc bản thân. Mỗi buổi sáng, khi nghe tiếng kẻng báo thức lúc 5 giờ, chiến sĩ nhí đồng loạt thức dậy, tập thể dục, vệ sinh khu doanh trại với sự hướng dẫn của các chú Tiểu đội trưởng và các anh chị điều phối viên, sau đó ăn sáng và bắt đầu các hoạt động trong ngày.
Ăn ở sinh hoạt theo khung giờ cố định, giờ nào việc nấy giúp chiến sĩ nhí thay đổi thói quen hằng ngày và thích nghi dần với lối sống kỷ luật cao. Tuy có chút khó khăn ban đầu, nhưng các chiến sĩ nhí đều quyết tâm hoàn thành để trưởng thành hơn qua từng hoạt động.
Nguyễn Thị Minh Tâm, học sinh lớp 7 ở TP Pleiku, chia sẻ: “Lần đầu tham gia học kỳ trong quân đội cháu thấy nhiều trải nghiệm mới, là môi trường rất tốt để các cháu rèn luyện trong dịp hè”.
Nguyễn Quốc Trung, người có thâm niên gắn bó với học kỳ quân đội từ năm lớp 6, nói: “Năm ngoái cháu được tham gia chương trình và thấy hay và bổ ích. Năm nay cháu xin bố mẹ tiếp tục tham dự để được gặp gỡ giao lưu với bạn bè và học được nhiều điều bổ ích”.
Chiến sĩ nhí còn được hành quân dã ngoại, tìm hiểu đời sống của đồng bào vùng biên giới; dâng hương tưởng niệm các liệt sĩ; dọn dẹp vệ sinh môi trường quanh đài tưởng niệm; thăm và tặng quà cho các gia đình chính sách.
Trong đợt hành quân dã ngoại các em được thực hành về cách mắc võng khi đi rừng, giới thiệu về bếp Hoàng Cầm, một nghệ thuật quân sự độc đáo của quân đội ta.
Một điểm nhấn của học kỳ quân đội có tác động mạnh đến cảm xúc của các chiến sĩ là nội dung viết thư cho gia đình. Với các câu chuyện về tình cảm gia đình, nhiều chiến sĩ đã không giấu nổi xúc động, những giọt nước mắt đã rơi trong đêm viết lá thư đầu tiên. Chương trình giao lưu văn nghệ với chủ đề Thay lời muốn nói giúp chiến sĩ nhí cảm nhận, thắt chặt hơn tình cảm với gia đình.
Chỉ qua 10 ngày, nhiều học sinh, nhất là những cậu ấm, cô chiêu đã chững chạc hơn, nâng cao tính tự lập, có tinh thần tập thể, biết thương yêu những người xung quanh, ý thức tổ chức kỷ luật tốt.
Anh Võ Anh Tuấn, Bí thư Tỉnh Đoàn Gia Lai, Trưởng ban tổ chức chương trình, cho biết: Học kỳ quân đội là cơ hội rèn luyện cho TTN tính kỷ luật và khả năng tự lập, xây dựng ý thức cao.