Không thể làm việc với tinh thần thử nghiệm

Không thể làm việc với tinh thần thử nghiệm
TP - Cao Bằng là tỉnh đầu tiên đưa 44 trí thức trẻ (TTT) về xã nghèo làm phó chủ tịch (PCT) xã. Sau hơn một tháng nhậm chức, ngoài tinh thần xung phong, nhiệt tình, được lãnh đạo, nhân dân địa phương tin tưởng, còn khá nhiều điều băn khoăn.

Trí thức trẻ làm phó chủ tịch xã:

Không thể làm việc với tinh thần thử nghiệm

>Trí thức trẻ làm phó chủ tịch xã phải lắng nghe dân
>Người trẻ giải quyết 'ca' khó

Phó Chủ tịch xã Hồng Sỹ (Hà Quảng, Cao Bằng) Hà Thị Mai trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác Ảnh: Phương Hiếu
Phó Chủ tịch xã Hồng Sỹ (Hà Quảng, Cao Bằng) Hà Thị Mai trả lời câu hỏi của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và đoàn công tác Ảnh: Phương Hiếu.

Đầu xuôi

Là Dự án đầu tiên thực hiện bổ nhiệm TTT làm PCT xã, sau khóa đào tạo ít ngày, UBND Cao Bằng chỉ đạo việc tổ chức họp Hội đồng nhân dân xã bầu các đội viên được tuyển chọn vào chức danh PCT tại 44 xã.

Với lợi thế đó, việc trúng cử của các ứng viên có tỷ lệ trung bình trên 90% số phiếu, ở một số huyện, số phiếu trúng cử đạt 100%. Lãnh đạo Sở Nội vụ Cao Bằng cho biết, ở nhiều xã, không ít công chức công tác lâu năm tại xã, có kinh nghiệm nhưng không qua được vòng bầu cử để giữ cương vị PCT xã. Vì thế, TTT được tạo điều kiện thuận lợi về đào tạo, thực tế, bổ nhiệm tại Cao Bằng chứng tỏ niềm tin của nhân dân những vùng khó khăn vào những lãnh đạo trẻ khi thực hiện nhiệm vụ tại địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, hầu hết lãnh đạo các xã, huyện có các đội viên về công tác nhận xét: Sau một tháng nhậm chức, nhiều TTT bắt nhịp với công việc, thường xuyên xuống các thôn xóm, thực tế các điều kiện tự nhiên, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.

Hà Thị Mai (SN 1988) tốt nghiệp ĐH Sư phạm Thái Nguyên, hiện là PCT xã Hồng Sỹ, huyện Hà Quảng được giao phụ trách mảng văn hóa, xã hội.

Mai là người dân tộc Nùng nhưng cô có thể nói tiếng Tày. Đến các bản người Mông, cô phải nhờ cán bộ xã đi cùng phiên dịch. Tuy nhiên, với sự tự tin, Mai luôn chủ động và không gặp trở ngại gì khi gặp gỡ, tiếp xúc với người dân nên việc điều hành công việc của cô khá suôn sẻ.

Tại huyện vùng cao Thông Nông có 6/8 PTC xã là người trong huyện nên việc ăn ở, đi lại, tiếp xúc, nắm bắt đời sống người dân rất thuận lợi, bước đầu được lãnh đạo địa phương tin tưởng.

Hoàng Minh Đức (SN 1988), tốt nghiệp ĐH Nông Lâm Thái Nguyên, hiện là PCT xã Lương Thông (Thông Nông) được giao phụ trách lĩnh vực kinh tế. Sau một tháng điều hành công việc, Đức thuyết phục người dân và doanh nhân bắt tay làm cầu dân sinh, vận động các hộ dân trong khu vực giải tỏa đồng ý nhận đền bù...

Những băn khoăn, lo lắng

Tại cuộc làm việc của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, lãnh đạo các bộ, sở ngành liên quan và 44 TTT giữ cương vị PCT xã mới đây, trở ngại đáng lo là sự lệch pha giữa chuyên môn được đào tạo với lĩnh vực được giao phụ trách tại địa phương.

Hầu hết PCT xã được giao phụ trách mảng kinh tế tại thời điểm này chưa nắm được các nguồn thu, ngân sách hàng năm, các khoản chi tiêu của xã như thế nào. Những PCT xã phụ trách lĩnh vực văn hóa, xã hội chủ yếu hiểu tình hình địa phương nhưng chưa rõ quy trình vận hành công việc, chỉ đạo thế nào ở cương vị công tác...

Các phó chủ tịch xã của huyện Hà Quảng thảo luận
Các phó chủ tịch xã của huyện Hà Quảng thảo luận.

Nguyễn Thu Trang (SN 1987) tốt nghiệp Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhưng lại được giao phụ trách lĩnh vực kinh tế trên cương vị PCT xã Lương Can (huyện Thông Nông).

Trang cho rằng, ưu điểm của những TTT trẻ là sức trẻ, nhiệt tình, tiếp thu học việc nhanh nhưng đồng thời trẻ cũng là nhược điểm, thiếu kinh nghiệm, chưa va chạm thực tế, thiếu kiến thức, kỹ năng lãnh đạo, quản lý.

Ngoài việc bản thân TTT tự học hỏi, Trang đề xuất: “Trước những trường hợp khó khăn, cần có kênh liên lạc thường xuyên với Ban quản lý dự án, các đội viên để tìm cách tháo gỡ”.

Hà Thị Mai là một trong những PCT xã được đánh giá cao trong nắm bắt tình hình, giải quyết các vấn đề, tuy nhiên, cô chưa thực sự thể hiện đúng vai trò, cương vị của PCT xã.

Mai chia sẻ, có lần cô phải trực thay cán bộ văn phòng và đóng dấu công văn bị ngược. Mai thực hiện đề án giảm sinh con thứ 3 trở lên ở xã nhưng cô chưa biết phải tiến hành công việc của mình ra sao để đạt được kết quả.

“Nếu gặp vấn đề phức tạp nào đó tôi không thể xử lý được, tôi sẽ tham khảo ý kiến, chuyên môn của chuyên viên. Xét cho cùng, có lẽ việc quyết định vấn đề khó vẫn phải “kính trên nhường dưới” vì tôi còn quá trẻ”, Mai tâm sự.

Theo Chủ tịch tỉnh Cao Bằng Nguyễn Hoàng Anh, chính sách đảm bảo quyền lợi cho TTT tham gia Dự án khá toàn diện, tạo điều kiện tốt nhất cho TTT thực hiện vai trò lãnh đạo trẻ. Tuy nhiên, sau hơn một tháng vào cuộc, ngoài tinh thần nhiệt tình, các đội viên vẫn còn bỡ ngỡ, có tâm lý trông chờ sự hỗ trợ của lãnh đạo, sự giúp sức của Ban quản lý dự án...

* Nhờ chủ trương mới, các bạn là lứa đầu tiên được tuyển thẳng công chức, bổ nhiệm chức danh PCT xã, sớm được trọng dụng. Vì thế, TTT phải phấn đấu thật nhiều, xứng đáng với chức vụ được giao, mang lại đổi thay tích cực cho địa phương.

PTC xã phải phấn đấu sau một năm nắm bắt mọi thông tin để lãnh đạo phải tham khảo, hỏi ý kiến các bạn trong các vấn đề, đặc biệt trong lĩnh vực phân công phụ trách. TTT thế hệ 8X hãy coi đây là mặt trận của trí thức để rút ra bài học kinh nghiệm bổ ích cho thế hệ 9X” - Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân

* Dự án thí điểm nhưng con người, công việc là cụ thể, thực chất. TTT được bổ nhiệm PCT xã thực tế là người điều hành, chỉ đạo công việc cấp gần dân nhất. Cho dù tuổi đời còn trẻ nhưng ở cương vị lãnh đạo, các bạn phải chủ động nâng cao chuyên môn, học hỏi nhiều hơn để xứng đáng với cương vị được giao chứ không thể cư xử với các bạn như những đứa trẻ được nuông chiều” - Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Nguyễn Hoàng Anh.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG