Rời chồng, xa con lên biên ải

PCT xã Tuyết đi thực tế tại các nhà dân
PCT xã Tuyết đi thực tế tại các nhà dân
TP - Với quyết tâm giúp đổi thay đời sống vùng cao, Đinh Thị Tuyết, SN 1984, tình nguyện rời xa chồng và 2 con nhỏ ở thị xã Cao Bằng trong 5 năm để làm Phó chủ tịch (PCT) xã An Lạc, huyện Hạ Lang.

> Người trẻ giải quyết 'ca' khó

> Chàng thư sinh đa tài

> Lên núi làm Phó chủ tịch xã

PCT xã Tuyết đi thực tế tại các nhà dân
PCT xã Tuyết đi thực tế tại các nhà dân.

An Lạc nằm bên trục đường chính nối liền thị xã Cao Bằng với biên giới Trung Quốc nên đường đến từng thôn xóm khá thuận lợi. Tân PCT được xã bố trí phòng làm việc và nơi nghỉ ngơi là một góc kín đáo sau tủ đựng tài liệu.

Tuyết nhanh nhẹn, nhiệt tình nên sau một tháng thực tập tại xã được tín nhiệm bầu làm PCT với hơn 90% số phiếu ủng hộ. Chủ tịch xã An Lạc Trương Văn Thành cho biết, xã tin tưởng giao Tuyết phụ trách văn hóa- xã hội, kiêm Tổ trưởng tổ xây dựng các đề án phát triển kinh tế - xã hội.

Ngày làm việc đầu tiên với tư cách PCT xã, Tuyết đi tiếp xúc người dân. Bên ánh đèn lờ mờ lẫn hơi sương, Tuyết gạch gạch xóa xóa hết nhiều trang giấy. Tuyết vạch ra giấy những điều cần nói vì thấy run khi nghĩ ngày mai đứng trước dân ở vai trò khác trước.

Tuyết bảo, người dân nơi đây hiền lành, thật thà, nhưng ít khi nghe lời cán bộ trẻ dưới xuôi như Tuyết. Dạo mới về thực tập, xã triệu tập cuộc họp với dân ở xóm Sộc Đáy để bàn về vấn đề Nhà nước và dân cùng xây mương nước thủy lợi.

Thế nhưng, cán bộ xã thất bại trở về vì không triệu tập đủ số lượng cần thiết. “Cán bộ xã gửi giấy mời họp lúc 7 giờ thì 10 giờ người dân mới đủng đỉnh đến là chuyện thường”, Tuyết tâm sự.

Những ngày đầu làm việc, Tuyết đi tìm hiểu thực tế, thống kê hộ nghèo ở xã. Trời mưa, đường về nhà dân trơn như đổ mỡ. Tân PCT xã cùng cán bộ ban văn hóa, trưởng xóm bám đường có mặt tại xóm Cam Mã Đeng từ rất sớm. “Phải đi sớm nếu không người dân đi rẫy khó tìm được”, Tuyết cho biết.

Nhà anh Lương Văn Đồ, SN 1985, có vợ và 1 con qua bao năm thống kê vẫn chưa thể thoát nghèo. Căn nhà 1 gian dựng bằng tre nứa, lợp lá rừng tạm bợ chông chênh trong gió. “Nhà anh có bao nhiêu ruộng?”, PCT xã hỏi, anh Đồ lý nhí: “Nhà có 250m2”.

“Thế có đủ lúa, ngô để ăn không”? “Chỉ đủ được 2-3 tháng”. “Những ngày còn lại gia đình sống bằng gì”? Tuyết hỏi. Đồ gãi đầu trả lời: “Mình đi vay, đi đổi công lấy gạo”.

Gia đình anh Đồ là một trong những nhà nghèo nhất xã, không có trâu bò, ngựa để khai phá thêm nương rẫy cũng không có đủ tiền mua lợn hay gà về nuôi làm giống.

Mỗi vụ mùa, nương rẫy của anh cũng cho thu hoạch thấp vì không có đủ tiền mua phân, đạm chăm bón. Nhìn ngôi nhà trống hoác, gió xuyên từng vạt lá phấp phơ, lạnh buốt.

Sực nhớ, trong ba lô có sữa và xúc xích tôi mang theo phòng bữa sáng không quen đồ ăn vùng cao, tôi rút ra gửi biếu con anh Đồ. Anh nhận gói quà, cúi mặt lý nhí nói lời cảm ơn tôi và PCT xã.

Đồng hồ chỉ 16 giờ, trời vẫn không ngớt mưa, nhóm cán bộ do PCT dẫn đầu vẫn kiên trì đến từng hộ dân. Tuyết sống ở thị xã nhưng là người dân tộc Tày nên thi thoảng lại trao đổi với dân bằng tiếng Tày. Nhiều người nhận ra tân PCT xã đến bên bắt chuyện.

Một ngày làm việc đoàn cũng đến được 23 hộ nghèo. Ven đường, thi thoảng có những thửa ruộng chi chít đá hộc. Phụ nữ, trẻ em đang cố gieo ngô vào những hộc đá, tận dụng từng khoảnh đất.

Sự lo âu thể hiện rõ trên khuôn mặt PCT xã trẻ. Trên đường về, Tuyết tâm sự: “TTT được kỳ vọng sẽ giúp xã giảm bớt hộ nghèo nhưng khó khăn lắm. Khó cả về phương thức lẫn sự trì trệ trong dân”, Tuyết nói.

Trong tháng thực tập, khi cùng cán bộ xã đi khảo sát nhà dân, Tuyết chứng kiến chuyện dở khóc dở cười. Khi Nhà nước đang ra sức tìm mọi cách, trong đó có đưa TTT về xã nghèo để giúp dân thoát nghèo thì ở xã An Lạc không ít người gặp cán bộ xin được vào hộ nghèo.

Tuyết kể, biết cô sắp về làm PCT xã, người dân kéo riêng ra để năn nỉ cán bộ cho trở lại diện hộ nghèo để được hưởng chế độ miễn phí 30.000 đồng tiền điện mỗi tháng và mấy chục kilogam gạo mỗi năm.

Không cô đơn giữa rừng

Sau những ngày làm việc, tôi cùng Tuyết trở về căn phòng trọ cô thuê tạm ở thị trấn Hạ Lang cách xã 7km để nghỉ ngơi. Được bố trí giường ngủ lại ủy ban xã nhưng những ngày đầu chưa quen với sự tĩnh mịch khi đêm về, Tuyết chọn nơi này trú tạm.

Xác định đây mới chỉ bắt đầu, sự mệt mỏi hiện rõ trên gương mặt PCT xã. Tiếng chuông điện thoại reo, đầu dây bên kia giọng hai đứa con nhỏ ríu rít tranh lời bố hỏi han Tuyết và chúc mẹ ngủ ngon.

Chồng Tuyết ngày ngày ra chợ bán thịt lợn đã động viên chị đi làm nhiệm vụ để anh chăm con. Tuyết tự hào khoe, con nhỏ, nhưng chị không phải lo lắng vì chồng và mẹ chồng động viên, ủng hộ. Những ngày chị thực tập, anh cũng bắt xe đến tận nơi xem nơi ăn ở của chị mới an tâm về tiếp tục với chợ búa.

Trong căn phòng trọ nghe rõ tiếng mưa rớt trên mái tôn lộp bộp, Tuyết dốc bầu tâm sự rằng con gái đi như thế này cũng khổ lắm. Nhớ chồng, nhớ con và khổ nhất là không biết uống rượu.

Rượu rót chén đầy và đã nhấc ly là phải cạn, cán bộ mà tìm cách từ chối khéo sẽ bị cho là không nhiệt tình, khó gần dân. “Ở đây, phong tục người dân phải quý lắm mới mời rượu, không quý thì uống nước chè nhạt”, Tuyết nói.

Tuy nhiên, khi đi gặp gỡ người dân, Tuyết thường nói: “Cán bộ nhiệt tình làm việc thay cho uống rượu say nhé”. Nhiều bà con hiểu và cảm thông.

Lao vào nơi khó

Chủ tịch xã Trương Văn Thành cho biết, những hộ thoát nghèo gần đây đều có sự hỗ trợ của Nhà nước như xây nhà, cho vay vốn, cung cấp giống cây trồng, vật nuôi…“Xã kỳ vọng thế hệ trẻ như Tuyết bằng nhiệt huyết, tri thức xây dựng được những đề án giúp dân thoát nghèo”, ông Thành nói.

Nói là thế, nhưng khi trao đổi riêng, ông Thành chia sẻ, thực tế tại địa phương có nhiều cái khó. Thế hệ cán bộ xã sống lâu thành lão làng vẫn còn nếp làm việc cũ, vận động được họ đi họp đúng giờ cũng khó.

Xã lại thuộc diện khó khăn, cả năm thu ngân sách chỉ được 4 triệu đồng. TTT khi về xã nghèo phải tự phát huy nội lực thật nhiều mới mong có kết quả.

Trong đề án trình lên tỉnh sau 1 tháng thực tập, Tuyết nuôi ý tưởng vận động người dân trồng mía và cây thuốc lá cho thu nhập cao gấp 3 - 4 lần trồng ngô, lúa.

Tuyết tâm sự, 5 năm đối với tuổi trẻ là quá dài nhưng sẽ vô cùng ngắn ngủi cho kế hoạch bám bản, giúp dân.

Bắt tay vào thực hiện đề án vận động người dân trồng mía, Tuyết vấp phải khó khăn khi người dân đã gieo hạt ngô xuống rẫy cho kịp vụ mùa.

Những tuần đầu nhận nhiệm vụ, Tuyết không một ngày ngơi nghỉ. Hết đi thống kê hộ nghèo, lên rẫy kiểm tra người dân gieo ngô, lại băng rừng, lội suối cùng cán bộ thú y về nhà dân để tìm hiểu nguyên nhân cái chết của nhiều trâu bò mỗi mùa.

Bữa cơm chia tay xã An Lạc, tiếng cười nói rộn ràng, tập trung hết vào tân PCT. Có người nói, Tuyết mát tay khi cùng lúc tốt nghiệp ĐH Kỹ thuật Công nghiệp Thái Nguyên, vừa lấy chồng, sinh con.

Tuyết tự tin: “Từ nay sẽ dành toàn tâm lực cho vai trò mới”. Tiếng cười nói, chúc mừng tân PCT xã vang vọng cả căn bếp đơn sơ mà ấm cúng quyện vào hương vị men rượu gạo vùng cao.

“Người có bằng ĐH như Tuyết về làm cán bộ xã ở địa phương cũng không dễ vì cần phải hiểu phong tục tập quán, biết tiếng địa phương. Xã kỳ vọng, người trẻ có tri thức sẽ giúp dân đổi thay cuộc sống” -Chủ tịch xã Trương Văn Thành

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG