Chàng thư sinh đa tài

Chàng thư sinh đa tài
TP - Từ bỏ đô thị, Đặng Anh Dũng, khiến người ta nghi ngại khi làm Phó chủ tịch (PCT) xã Sơn Lập - nơi khó khăn nhất huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng.

Lên núi làm phó chủ tịch xã - Bài 2:

Chàng thư sinh đa tài

>Lên núi làm Phó chủ tịch xã

Anh Dũng, 24 tuổi, là một trong những người trẻ nhất trong 44 trí thức trẻ (TTT) về làm PCT xã đợt này. Vẻ trắng trẻo, thư sinh của chàng trai vừa tốt nghiệp ngành hóa ĐH Khoa học Thái Nguyên khiến ai cũng nghi ngại khi anh lên nhận công tác tại xã Sơn Lập (Bảo Lạc).

Đây là xã vùng cao chưa có điện, chưa có sóng điện thoại, đường sá cách trở. Toàn xã có 5 xóm với 245 hộ (hơn 1.500 nhân khẩu), nhưng có tới 238 hộ nghèo, 7 hộ cận nghèo, đời sống chủ yếu tự cung tự cấp, cây công nghiệp, nghề phụ gần như không có. Thời tiết khắc nghiệt, diện tích canh tác eo hẹp khiến người dân chủ yếu trông chờ vào một vụ lúa, một vụ ngô, đói nghèo quanh năm.

Chàng thư sinh chưa từng hình dung Sơn Lập có hai trụ sở ủy ban khiến công việc thêm nhiều khó khăn. Trụ sở chính nằm ở xã với cơ sở vật chất hầu như bằng không là nơi tiếp nhận giải quyết mọi việc. Công văn giấy tờ truyền đi gửi về đều thực hiện ở trụ sở tạm đóng tại xã Sơn Lộ (huyện Bảo Lạc).

Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Hoàng Ngọc Phát nói thẳng: “Thách thức lớn nhất với người trẻ như Dũng là đường đi lối lại, đồng bào dân tộc thiểu số đa phần không biết tiếng phổ thông. PCT là người nơi khác đến, bước đầu sẽ khó trong việc tiếp cận, giao lưu”. Với Dũng, khó khăn lớn nhất là bất đồng ngôn ngữ khi Sơn Lập có ba dân tộc thiểu số (H’mông, Tày, Dao). Ngay trong tuần đầu tiên nhậm chức, Dũng quyết tâm học tiếng dân tộc Tày vì đây gần như là ngôn ngữ thông dụng nhất.

Học nấu bếp, đi rừng

PCT xã Anh Dũng tích cực học hỏi để tổ chức cuộc sống cho phù hợp với điều kiện địa phương và làm việc hiệu quả. Ngay những việc tưởng đơn giản như thổi cơm, thắp nến, hay đi rừng leo dốc, vượt suối…cũng phải học. Sửa soạn một bữa cơm dù đơn giản nơi bốn bề rừng núi thật khó khăn đối với chàng trai trẻ quen bếp gas, đèn điện.

Những ngày đầu sống cùng PCT xã, tôi cũng phải đi lượm củi, cỏ khô để mang về ủy ban xã nhóm bếp. Đồ nấu bếp cũng khác dưới xuôi khiến PCT xã và tôi không ít phen mếu máo chế không thành món do đối mặt với những vật dụng, thực phẩm lạ. Dũng nhớ mãi những ngày đầu chế biến món “bì gác bếp” không đúng cách khiến các già làng phải... nhổ răng. Cũng may không ai để bụng PCT xã vụng trong nấu bếp.

Những ngày đầu nhậm chức, tôi và Dũng tự lần mò vào từng con suối để nhặt nhạnh rau xanh, củi khô. Thức ăn phải tính toán chi li vì cả tuần mới có một phiên chợ cách trụ sở ủy ban ngót 2 tiếng đi bộ. Những ngày mưa kéo dài, chợ không mở khiến những cán bộ như Dũng phải ăn mỳ tôm qua ngày. Dũng và tôi có ngày phải xắn quần lội bùn vào bản mua thịt lợn ra cải thiện bữa ăn, nhưng đành tay trắng trở về vì dân bản chưa mổ thịt.

Đường đi từ xóm này sang xóm kia trong xã hết vượt đỉnh lại vắt vẻo lưng chừng đèo, men theo khe suối, bờ ruộng. Vì thế sức khỏe, thông thạo địa hình, tiếng dân tộc là điều kiện bắt buộc với những PCT xã trẻ như Dũng.

Dũng kể tháng trước vào xã thực tế, đi dốc về núi khiến đôi chân mỏi nhừ, người bã ra. Đi mãi, tân PCT xã đúc rút: “Đi đường núi dốc phải bước thong thả, đều chân; bước gấp, hay ngồi nghỉ khiến mình nhanh xuống sức”.

Chưa kịp nghỉ ngơi sau hành trình vượt núi vào nhậm chức, Dũng tiếp tục leo gần 20 km đường núi đến các hộ dân trong từng xóm để tìm hiểu và sẻ chia. Thấy PCT xã còn quá trẻ, từ dưới xuôi lên mà đi bộ khỏe, leo dốc giỏi, hiểu biết sâu rộng, dân bản ai cũng trầm trồ. Nhiều người như A Bình (xóm Thông Ngàn) không biết tiếng phổ thông nhờ cán bộ địa phương phiên dịch để hỏi chuyện Dũng, rồi giữ lại mời ăn cơm. Trưởng xóm Ổng Théc Ma A Rử tiết lộ: “Dân bản mà không quý còn không nói chuyện, hỏi gì thì đáp nấy, nước cũng không được mời đâu”.

Lạ tiếng lạ đường là vậy nhưng chẳng làm giảm đi nhiệt huyết của tân PCT xã. Được tin tưởng giao đảm nhận mảng văn hóa – xã hội, chuyên trách xóm Phia Bàn, Dũng càng có nhiều cơ hội chia sẻ với người dân.

Trong những ngày đầu nhậm chức, Dũng sốt sắng vượt dốc, leo núi đến những xóm bản, trường học xa nhất để sớm truyền đạt chương trình hỗ trợ cứu đói mùa giáp hạt năm 2012. Nhậm chức vài tuần Dũng được phân công phụ trách giám sát giải phóng mặt bằng tuyến đường từ xã sang Bắc Kạn. Một số hộ dân cản trở không chịu nhận tiền đền bù; hay có hộ không trong diện di dời cũng đòi được di dời để nhận thêm phụ cấp... Cả một tuần đi đi về về từ trụ sở ủy ban vào Thông Ngàn, mỗi lần đi là cả tiếng đồng hồ, gần gũi giải thích rõ cho bà con hiểu, Dũng đã thành công bước đầu khi thuyết phục được hầu hết các hộ đồng thuận.

Dịp cuối tuần vừa qua, một mình Dũng ở lại trực ủy ban đã phải đứng ra tiếp dân, ghi chép lại các trường hợp đến làm giấy khai sinh, giấy đăng kí kết hôn... và hẹn thời gian đến giải quyết. Trong cương vị PCT xã, Dũng cũng được ủy ban phân công phụ trách soạn thảo nhiều văn bản như đánh giá tổng kết, giấy mời họp, báo cáo, hay tham dự các cuộc họp ở huyện về khuyến nông khuyến lâm, chuyển đổi cây trồng vật nuôi. Không ngừng đi, không ngừng học hỏi, về xã Dũng vẫn tranh thủ đọc sách tìm hiểu kỹ năng quản lý, phong tục tập quán, về đời sống tâm linh để gần gũi hơn nữa với mọi người dân. Mới về xã ít tuần, bà con dân bản đã gọi Dũng là chàng thư sinh đa tài vì cái gì cũng biết, cũng sẵn sàng giải quyết.

Chàng thư sinh leo núi đến nhà dân
Chàng thư sinh leo núi đến nhà dân.

Khát vọng làm giàu

Làm giàu cho mình đã khó, cho cả địa phương còn khó hơn, nhất là ở xã còn thiếu thốn đủ bề, trình độ dân trí còn thấp như Sơn Lập. Trong nhiệm kỳ 5 năm, PCT xã Anh Dũng luôn e dè khi nói về những kế hoạch của mình để góp phần đưa địa phương thoát nghèo.

Dũng đau đáu kế hoạch cải cách hành chính để linh hoạt tạo điều kiện cho người dân; thực hiện tốt giải phóng mặt bằng để con đường vào xã thi công đúng tiến độ. Dũng cũng lên kế hoạch tu sửa, mở mang con đường liên thôn.

Lặng lẽ quan sát nghiên cứu lẫn sưu tầm, vị cử nhân nghành hoá nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng khí hậu ở Sơn Lập thuận lợi cho việc trồng cây hồi. Dũng cho hay, trồng hồi không chỉ phủ xanh đồi trọc mà còn mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.

Theo tính toán, cây hồi trồng 3 - 5 năm có thể cho thu hoạch quả, tinh dầu với giá thu mua cao. Tuy nhiên, Dũng đang trăn trở đầu ra cho cây hồi và trong thời gian chờ thu hoạch người dân sẽ trồng gì để giúp tăng thu nhập, ổn định cuộc sống. Ấp ủ những dự tính về cây hồi, Dũng nói sẽ tự mình làm thí điểm trên diện tích nhỏ để bà con tin tưởng làm theo.

Với một xã miền núi như Sơn Lập việc thực hiện giờ hành chính rất khó khăn. Bất kể giờ nào, ngày nào cũng có thể có người dân tới trụ sở uỷ ban làm việc. “Ở đây khó thực hiện giờ hành chính. Nhiều người tranh thủ đi chợ, hay đi làm nương để vào ủy ban giải quyết công việc”, tân PCT xã cho biết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.