> Nàng Xuân e ấp mang Tết về phố
> Phố ông Đồ xuân Nhâm Thìn khai hội
Dọc dài con phố nhỏ Văn Miếu những ngày đầu xuân trở nên ấm áp và sáng hơn với những khuôn giấy đỏ thắm, mực xạ treo trên tường hay bày nơi chiếu. Bất kể những ngày khô ráo hay lất phất mưa vẫn chẳng vắng bóng ông đồ và nhộn nhịp người đến xin chữ. Qua rồi cảnh "Ông đồ vẫn ngồi đấy/ Qua đường không ai hay/ Giấy đỏ buồn không thắm/Mực đọng trong nghiên sầu" mà Vũ Đình Liên một thời ghi nhận!
Chẳng biết vô tình hay có ý sắp xếp mà chỗ ngồi giữa đồ già đồ trẻ; giữa thư pháp Hán thư pháp Việt có phần tuần tự phân cách nhịp nhàng, điểm xuyết cho nhau. Chẳng khó khăn mấy để nhận ra những đồ trẻ là ét-vê.
Thơ thẩn tiếng xưa
Ngoài sinh viên Hán – Nôm, ở Văn Miếu có không ít đồ ét-vê là những người theo học các trường, ngành hội họa mỹ thuật chẳng mấy liên quan tới nghệ thuật thư pháp. Họ cũng chỉ tự nhận là tay trái… Nhưng phải đam mê và yêu nét truyền thống lắm đem lòng yêu chữ mà gắn mình với bút nghiên được!
Như Đông Phong (sinh viên năm cuối Sư phạm Nghệ thuật Trung ương) ngay từ năm đầu vào đại học đã bị cuốn hút trước những con chữ Quốc ngữ mềm mại được những người đi trước thể hiện. Cậu bắt đầu tìm sách và theo người anh khóa trên theo học.
Giữa không gian của phố ông đồ, đồ ét-vê Đông Phong dễ thu hút những ánh mắt nhìn khi diện áo the khăn xếp chĩnh chiện. “Không cứ phải là những người cao tuổi, những người thể hiện mới được diện áo dài, khăn đóng. Mà những người trẻ và thể hiện thư pháp chữ Quốc ngữ cũng mặc để phù hợp với nét truyền thống”.
Đông Phong còn mong cả phố mọi người đều mặc áo dài khăn đóng như những phố ông đồ ở Sài thành. “Mặc bộ đồ này lên, mình như phấn chấn hơn, hợp với nét truyền thống hơn và lúc viết cũng bay bổng hơn” – Đông Phong chia sẻ.
Cùng phòng, cùng khoa Thanh Nghị (Sư phạm Nghệ thuật trung ương) gọi Đông Phong người hướng dẫn mình làm “thầy”. Sau thời gian rèn bút nay cũng tự tin mang tráp bút nghiên ra Văn Miếu.
Như Đông Phong, Thanh Nghị, Nam Tống (Đại học Mỹ thuật) cũng bị cuốn hút màu mực xạ đen nhánh ánh trên khuôn giấy đỏ, giấy vàng… Hình ảnh ấy cứ tự nhiên gắn lấy mình cùng với câu chữ của ông cha ta viết về Tết: “Thịt mỡ dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu ngày tết bánh trưng xanh”.
"Đến với những bút lông, mực xạ... và ngồi cho chữ ở Văn Miếu như thế này, mình như tìm thấy chút gì của truyền thống. Lòng cũng tự hào khi được góp phần gìn giữ nét đẹp của dân tộc" - Đông Phong bộc bạch.
Ông đồ ét-vê Đông Phong chĩnh chiện áo the khăn xếp. |
Luyện bút, mài chữ
Để tay và bút hòa làm một, nét viết uyển chuyển, khoáng hoạt đòi hỏi người viết phải kiên trì tập luyện. Ở Văn Miếu, phần nhiều đồ trẻ đến với thư pháp chữ Quốc ngữ. Các bức thư pháp nơi Miếu Văn này đều thể hiện theo lối “Mai”.
Đây là lỗi viết với những nét mảnh mai, từng nét chữ mềm mại thích hợp với cấu trúc chữ cái Latinh mà đa số là những nét cong uốn lượn chứ không góc cạnh như Hán tự. (Lối viết này khác với lối "Trúc" con chữ được thể hiện mạnh mẽ, rắn chắc. Các nét được viết to mang thần sắc của thư pháp Hán). Vì thế, phải kỳ công trong việc luyện viết các nét cong vừa mềm mại vừa mang được hình hài, hồn cốt riêng.
Để có thể mang đồ tự tin cho chữ, Thanh Nghị chia sẻ “tập giấy luyện viết ở nhà mình xếp lại, trồng lên cũng được mấy gang tay rồi”. Ngoài những lúc đi viết ở Văn Miếu, hay ở chợ đêm giữ tay bút, đều dành thời gian để luyện viết.
“Cái khó nhất đó chính là phải biết tính toán thể hiện con chữ một cách linh hoạt, bố cục, nhất là những lúc không may gặp lỗi nhỏ như mực rớt xuống giấy, hay con chữ trước lệch…” – Đông Phong nói. Chỉ có viết nhiều lấy kinh nghiệm cùng một chút năng khiếu mới có thể tạo ra được điều này.
Không chỉ luyện bút, những người cho chữ còn phải học hỏi làm câu chữ thêm giàu, thêm sắc. Những người viết chăm chỉ đọc và ghi nhớ nhiều những câu chữ có trong ca dao, tục ngữ; những bài thơ… Hay đơn giản là một câu nào đó tình cờ bắt gặp trên đường. Từ việc tiếp nhận ấy mà có thêm hiểu biết để có những câu chữ đúc rút cho bản thân.
Bên những mực nghiên, giấy thắm của các đồ còn có sự xuất hiện của những cuốn sách, những cuốn sổ ghi chép đậm đầy chữ. Khi cho chữ thì tùy độ tuổi, tâm tính và cho chữ phù hợp. Họ cũng sẵn sàng giải thích ngữ nghĩa của câu chữ cho để khách hàng lựa chọn.
Thanh Nghị thủ bút chữ "Tình". |
Tết này không về
Trong lúc nhiều những bạn trẻ khác háo hức lẫn cuống quýt thu gói đồ đoàn về quê ăn Tết thì những đồ ét-vê này lại thư thả bày biện bút nghiên, ngồi “cho chữ”.
Dễ bắt mắt bởi bộ áo the khăn xếp, Đông Phong có 3 năm trải chiếu nơi Văn Miếu. Quê Hà Giang, Phong chia sẻ “chỉ có năm đầu tiên thì mình còn về mùng 2 mùng 3 Tết, còn năm vừa rồi và nay mình không về”.
Tên Nam họ Tống, kí bút là Nam Tống – chàng sinh viên Đại học Mỹ Thuật, quê Bắc Giang cũng đã có hai năm đón Tết Hà thành. Cùng với mọi người, mấy ngày Tết mang đồ ra ngoài này viết chữ và cùng nhìn mọi người đi chơi Tết cũng có cái thú vị riêng.
Thanh Nghị quê Tuyên Quang, sinh viên năm 2 Sư phạm Nghệ thuật trung ương học viết chữ cũng đã lâu. Nhưng năm nay, Nghị mới theo Đông Phong – bạn cùng lớp bày biện ngồi viết chữ. Cười hiền chia sẻ Nghị cho hay cũng sẽ không về ăn Tết mà ở lại cho chữ.
Chăm chỉ, viết đẹp và đắt khách, mỗi ông đồ ét-vê mỗi dịp thế này cũng kiếm được cho mình những khoảng nhời không nhỏ. Như Đông Phong, Nam Tống "bật mí" trừ hết các khoản chi phí đi thì cũng thu được tầm chục triệu. Mỗi bức viết tùy theo loại giấy và chất liệu bài trí mà có giá khác nhau. Thường một bức có giá thấp nhất từ 60.000 đồng.
Tết không về, ngồi viết ở đây với các những ông đồ trẻ còn là dịp giao lưu rèn tay bút thêm hoạt, luyện chữ thêm sắc. Theo như Nam Tống,“Nếu đóng cửa viết thì mãi mãi vẫn chỉ có biết chữ mình, ra đây khi ngắm nghía những nét chữ của những người khác cũng như lời góp ý là cơ hội trau chuốt nét chữ bản thân”.